Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo

Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.

Toàn bộ Tang tạng thánh điển Kinh, Luật, Luận Phật giáo là giảng dạy về Tam học giới định tuệ, nhằm đưa ta đạt đến chân lý, có cái hiểu, cái biết, cái nhìn đúng như thực về các pháp, về mọi sự vật hiện tượng và nói cho cùng, mọi tư tưởng học thuật trên thế gian cũng chỉ nhằm trình bày cái sở kiến, cái biết. Trí tuệ đã đạt đến viên mãn trọn vẹn thì bấy giờ chẳng còn vấn đề gì của cá nhân riêng tư, chấp ngã. Cái biết trọn vẹn có công năng chiếu soi, thấu suốt, thể nhập vào mọi sự là trí tuệ tối thượng, trí tuệ như thế gọi là giác ngộ, giải thoát. Đó là cái biết của chư Phật, Bồ Tát là cả một khối nhất như của toàn bộ thực tại vô phân biệt. 

Tu học thực chất là phát triển phẩm chất giới định tuệ hàng ngày, hàng giờ, hằng phút…

Người tu học theo bất kỳ pháp môn nào, tông phái nào mà giới định tuệ không tăng trưởng thì biết chắc là tu chưa đúng đường. 

Tam học: (三學; sa. triśikṣā, pi. tisso-sikkhā) chỉ ba môn học quan trọng bậc nhất của người tu học theo Phật giáo.

Tam học gồm:

Giới (戒 sa. शील śīla, pi. sīla) là giới luật mà tăng, ni, Phật tử tại gia phải tuân thủ, giữ gìn.

Hoà Thượng Tuệ Sỹ giải thích chữ Sila có nghĩa là phẩm cách, phẩm chất, học giới là phát triển phẩm cách con người. 

Sila còn có nghĩa là điều tự nhiên, thói quen. 

Bản chất chữ Sila không mang nghĩa cấm đoán bắt buộc.

Giới định tuệ là cốt lõi trong sự nghiệp tu tập của người xuất gia

368226498_202224582829359_1238638598025501188_n

Giới học. 

Giới thường được hiểu là Giới hạnh, điều luật đạo đức.

Giới có tính chân lý, tính thiện, người học, thực hành giới là sự chủ động tự nguyện, không có sự bắt buộc khiên cưỡng. 

Cũng có thể hiểu chánh niệm là giới. 

Sìla nguyên nghĩa là sự tự nhiên, là thói quen. Vậy Giới vốn là thực tại với những quy luật vận hành rất tự nhiên. Có điều khi vượt ra ngoài giới hạn của tự nhiên, hành động trái với quy luật của tự nhiên sẽ bất ổn. Để khỏi bị trở ngại khó khăn trong cuộc sống: cần rõ điều gì nên làm, điều gì không nên làm thuận theo quy luật, ý nghĩa đạo đức của giới mới xuất hiện. Về sau, sự chánh niệm, giữ mình, chế ngự làm chủ tâm mình để làm sao cho được an vui, để đừng bị trở ngại, khổ đau được gọi là giữ giới.

Phật tử tại gia có ngũ giới, 58 giới (Tại gia bồ tát giới), Sa di và sa di ni có 10 giới. Tỳ kheo 250 giới; Tỳ kheo ni 348 giới……

Một cách diễn đạt tổng quát về giới là Tam tụ tịnh giới:

– Nhiếp luật nghi giới tức giữ gìn cẩn thận chu toàn các giới đã thọ nhận

– Nhiếp thiện pháp giới là lấy việc thực hiện tất cả các pháp thiện lành làm giới

– Nhiêu ích hữu tình giới tức lấy việc giáo hóa, cứu giúp, lợi ích cho muôn loại chúng hữu tình làm giới.

Nói đơn giản thân, miệng, ý không gây tổn hại cho người vật, thiên nhiên môi trường, không chướng ngại con đường hướng thượng giác ngộ giải thoát là giới. 

Định học (sa. adhicitta-śikṣā). 

Định (定): trong ý nghĩa chung là Thiền Định (Sanskrit: Dhyàna, Pàli: Jhàna). Samàdhi có nghĩa là sự tập trung, sự nhất tâm, định tâm. Hán dịch là Định, có ý nhấn mạnh sự ngưng tụ, trái nghĩa với sự tán loạn. Samàdhi có từ gần ! nghĩa, Samàhati (góp lại, thắp sáng) Samàdhibàla (định lực), Samàdhiyati (sự vắng lặng, định tâm)… Định hợp với bản thể vắng lặng, nhất như, như thị của thực tại. Đối với một cá nhân, định là trạng thái thanh tịnh, nhất tâm, ổn cố, vững vàng, chuyên sâu. Tâm có định mới vững chãi bình an, không lo lắng dao động, không nghi ngờ sợ hãi, không bị sai sử bởi những tạp niệm xấu. Tâm có định mới thấu rõ được như thật về thực tại, vạn pháp.

Tuệ học (sa. adhiprajñā-śikṣā). 

Tuệ (慧), là dịch từ chữ Panmà. Tuệ thường được hiểu là trí tuệ, là cái biết cái hiểu trọn vẹn như thật, chiếu rọi thông suốt vạn pháp. Tuệ là cái biết, đồng nhất với vạn pháp. Tuệ là cái biết, cái thấy đúng như thật về bản chất của mọi sự vật hiện tượng.

Trong Bát chánh đạo Chánh kiến, Chánh tư duy là Tuệ. Đối với những người bình thường chưa giác ngộ thì Tuệ, dù là bản thể người ấy, vẫn chưa được khai thông,tỏ hiện, phát huy hoặc chỉ biểu hiện dưới hình thức phiến diện là cái biết của tri giác, thông qua giác quan, có thể chưa chính xác hoàn toàn nhưng lại có khả năng phát triển, thăng hoa.

Giới, định tuệ là bản chất và lý do tồn tại của nền giáo dục Phật giáo.

Chúng ta hay nghe: Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ thứ cơ thành tựu thánh đạo. Nói vậy không sai, nhưng còn các chiều ngược lại, tuệ sinh ra giới, tuệ sinh ra định. Nhìn tổng thể Giới, Định, Tuệ là ba mặt tương tức của một thực tại, cho nên trong Giới có Định, có Tuệ; trong Định có Giới có Tuệ; trong Tuệ có Giới có Định. Mức độ phát triển thăng tiến thăng hoa của tam học có mối quan hệ mật thiết, tương tức. Điều này rất quan trọng, cần tư duy chiêm nghiệm sâu sắc mới được.

Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.

Nói đơn giản giới là những điều giúp ngăn ngừa không để phát sinh các nghiệp ác, điều xấu. Định là sự tập trung tâm vào một đối tượng, là thiền định, cũng là sự chú tâm, sự tỉnh giác trong mọi hành động.

Tuệ là trí tuệ, là sự hiểu biết đúng như thật về các pháp, sự phát triển tâm Bát nhã để ngộ được những sự thật cao nhất. Quan trọng là tuệ có khả năng chặt đứt phiền não tham ái chấp thủ.

Lục tổ Huệ Năng nói:

Tâm địa vô phi tự tánh giới

Tâm địa vô loạn tự tánh định

Tâm địa vô nghi tự tánh tuệ

Thiền gia Trần Thái Tông dẫn Giải thoát luận nói: “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát. Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa giác tri. Lấy giới để trừ ác cấu, dùng định để trừ triền cấu, nương tuệ để trừ sử cấu.”

Có giới sẽ không nói, không làm, không suy nghĩ điều ác hại người.

Có định sẽ dần vượt thoát sự trói buộc, vướng mắc vào các thói quen, suy nghĩ, tập khí xấu ác.

Có tuệ sẽ dứt trừ các thói quen, chủng tử tập khí sâu dày xấu ác khiến cho miệng nói ác, thân làm ác và ý nghĩ ác tổn hại người vật thiên nhiên và hại chính bản thân mình.

Có thể nói không có bất kỳ pháp môn tu tập nào của Phật giáo mà không đi ngang qua cửa “định”, phát triển “tuệ” mà thành tựu an lạc giải thoát giác ngộ. Và tuệ là yếu tố quyết định của con đường giải thoát giác ngộ.

Theo Bát thánh đạo, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới; chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là định; chánh kiến, chánh tư duy là tuệ.

Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo, hàng ngày tu tập phát triển giới định tuệ là con đường chắc chắn đưa đến an vui hạnh phúc giác ngộ giải thoát.

Tam học là

Giới, định, tuệ

Cốt lõi Phật học

Nền tảng giác ngộ

Tu tập nhé.

TS. Thích Hạnh Tuệ