Tâm bình thế giới bình
Vậy muốn được hòa bình thì tâm hồn phải tự làm chủ lấy mình, không tham, không sân và không si.
Hai bài kệ đầu tiên trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay làm với tâm ô nhiễm thì khổ não sẽ theo sau như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay làm với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ theo sau như bóng với hình.”
Thật vậy, mình phải làm chủ lấy mình, đừng để ngoại cảnh chi phối, khi ngoại cảnh chi phối thì tâm ta sẽ bị ngoại cảnh lôi cuốn bởi tài, sắc, danh, thực và thùy. Khi tâm đã tham muốn nhiễm ô sẽ sanh ra mọi sự tranh chấp, xáo trộn dẫn đến chiến tranh. Cho nên muốn không chiến tranh thì phải an lập tâm, ổn định tâm, hòa bình tâm. Đúng như câu: “Tâm tịnh thì thế giới tịnh, Tâm bình thì thế giới bình.” Trong Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật có dạy:
“Tâm tạo chư Phật, tâm tạo chúng sanh, tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục, tâm vọng động thì muôn ngàn sai biệt sanh khởi, tâm bình thì thế giới thản nhiên, tâm không thì nhất đạo thanh tịnh, tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành. Tự mình đạp mây mà uống nước cam lộ, hay uống máu mủ, cũng tự mình gây nên, không phải trời sanh hay đất mà có.”
Qua đó chúng ta thấy rằng muốn thiết lập một thế giới hòa bình thì mỗi người cần thiết lập cho mình một thế giới tâm vững chắc, kiên định không tham, không sân và không si bằng cách giữ gìn năm giới cấm của nhà Phật:
Mỗi người không trộm cắp và khuyên người đừng trộm cắp.
Mỗi người không tà hạnh và khuyên người đừng tà hạnh.
Mỗi người không nói dối và khuyên người đừng nói dối.
Mỗi người không uống rượu và khuyên người đừng uống rượu.
Để thực hành các giới luật trên, mỗi người phải tự thiết lập cho mình một lối sống có giới luật và đạo đức thì sẽ được sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí tuệ và nhờ thế mà tự tâm người ấy sẽ không xao động, không tham, không sân và không si; từ đó dẫn đến gia đình hạnh phúc, xã hội an hòa, quốc gia vững mạnh và thế giới hòa bình.