Tại sao tôi ăn chay?
Lúc đó gia đình tôi đối với tôi chẳng khác nào một đòn bánh tét, chung quanh thì nếp và đậu, chính giữa có cục mỡ và cục mỡ đó là tôi, chung quanh chay, chính giữa mặn. Ngày hôm nay phần nhân mỡ đó đã trở thành nhân chuối rồi vì tôi đã ăn chay.
Chân lý của sự ăn chay là mở rộng lòng từ bi, bác ái, là lòng thương tất cả, là lòng diệt sự mạnh hiếp yếu, mà lòng đem lại sự bình đẳng cho muôn loài.
Mấy năm trước trong lúc tôi chưa ăn chay, hễ ai nói chuyện với tôi về tu hành và ăn chay, thì tôi trả lời như vầy: “Tuy không ăn chay lạt chi hết, nhưng bình sanh từ nhỏ đến giờ, không khi nào tôi ăn một miếng thịt trâu hay chó”. Vì tôi nghĩ : trâu ra công cày bừa khó nhọc làm ra gạo cho chúng ta ăn, nhưng nó không đòi nhà cửa mùng chiếu chi cả, hễ đói thì chúng ra ngoài ruộng kiếm ăn. Chúng ta làm chuồng cho chúng ở, chỉ sợ trộm đạo chứ ở ngoài trời nó càng thích vì mát mẻ. Sức lực một con trâu làm ruộng bằng mười người nhưng chúng ta khỏi trả tiền lương và nuôi cơm gạo chi hết. Một con vật giúp ích cho ta như thế mà đến lúc nó già yếu ta nỡ nhẫn tâm làm thịt ăn thì ta thật là vong ơn bội nghĩa và không có lòng nhân đạo. Bởi nghĩ vậy nên tôi không khi nào ăn thịt trâu, mặc dù tôi không ăn chay.
Con chó là vật hết sức trung tín và không biết giận lâu, khi chúng ta giận đánh một đòn chí tử đi chăng nữa nhưng một lát sau nếu chúng ta ngoắc nó lại, nó liếc mắt thử xem coi ta kêu lại để đánh thêm hay mơn trớn vuốt ve nó, nếu ta thật tình vui vẻ gọi nó thì nó sẽ chạy lại ngoắc đuôi và liếm chân tay ta liền, chớ không còn tỏ dấu giận hờn chi nữa. Một điểm đặc biệt nữa là khi ta cho nó ở với một nhà giàu sang nào để nuôi nhưng hễ có biết đường về nhà thì chắc chắn nó sẽ trốn về với ta liền, thà nó ăn cơm cặn với miếng xương thừa chứ không khi nào chịu ở với nhà giàu để sống sung sướng mà bỏ chủ cũ được. Một con vật trung tín như thế, lại biết phân biệt kẻ ngay người gian, biết lo giữ của cho chủ. Thế mà ta nỡ lòng nào phủ nhận ơn nghĩa, nỡ đem làm thịt cho đành để cùng bạn bè vui say đánh chén. Chúng ta thường thấy trên đời này có nhiều hạng người tánh tình và lòng dạ thua xa nó, bởi những nguyên do trên nên tôi không đời nào đành lòng ăn thịt chó cho được. Còn những con vật ăn rồi phá hại, chứ không giúp ích gì cho ta cả:
Gà: là một con vật hễ mỗi buổi sáng mặc dù chúng ta đem cả thúng lúa cho ăn đi nữa vẫn bươi tất cả những thứ gì mà nó có thể phá được chứ không giúp ích cho chúng ta việc chi hết.
Ảnh minh họa.
Heo: con vật này dù cho nó ăn no kéo lếch cái bụng đi không nổi, nhưng hễ ăn rồi thì kiếm luống gừng, giồng khoai ủi tróc lên cho lòi củ ra cho đến mồ mả ai nó cũng không từ.
Vậy thử hỏi những giống vật này sinh ra để làm gì, nếu không để cho ta ăn thịt?. Không lẽ trời sanh ra nó mà bắt ta nuôi, rồi nay quý ông lại bải tôi ăn chay. Vậy đối với những giống này, tôi phải xử trí làm sao đây?
Thường ở thôn quê, nhà nào cũng nuôi vài con heo, vài con gà, nhưng nay ta ăn chay phải bán nó đi hoặc cho người khác ăn thịt, như vậy chẳng khác nào tuy ta không cắt cổ đâm họng nó nhưng lại quăng dao cho người khác giết thì có khác nào chúng ta giết nó, chỉ còn cách này là quý ông bảo tôi nuôi nó cho đến khi nó chết rồi chôn luôn đi, đừng nuôi lại giống đó nữa. Nhưng không dễ như mấy ông nói đâu, vì trước khi con heo chết, nó đã sanh cho tôi một bầy heo con khác và trước khi chết, con gà tôi đã lỡ nuôi, nó sẽ sanh ra một bầy gà khác mười con nữa, đến cuối năm, bầy heo và bầy gà này sẽ sinh sản cho cho tôi tới 30 con heo và 100 con gà. Ở thôn quê, chúng ta làm ruộng mỗi năm được tới một phiên rưỡi lúa mà thôi. Thì lúa gạo đó chỉ đủ nuôi chúng nó, vậy vợ con ta đành chịu đói hay sao, đó tôi chỉ tính sơ trong năm, nếu chúng ta tiếp tục ăn chay trường trong vài năm nữa thì lấy gì cho chúng nó ăn cho đủ. Vậy trước khi bảo tôi ăn chay, nhờ quý ông chỉ cho tôi một phương pháp gì để xử trí đối với mấy con gà và mấy con heo nầy cho dứt khoát.
Tôi đặt câu hỏi này luôn mấy năm trường mà không ai giải đáp được, thành thử trong gia đình tôi, bà nhạc mẫu và anh vợ tôi ăn chay trường, một người anh vợ khác và vợ tôi ăn chay kì, còn riêng tôi đến ngày mùng một tết, bà nhạc mẫu khuyên tôi ăn chay trong ngày ấy, tôi cũng không chịu ăn. Đã không nghe lời mà tôi còn nói : “Tuy má ăn chay, chớ tôi thấy má không ăn chay gì cả. Vì mỗi khi tôi muốn ăn thịt một con gà, tôi rượt bắt nó mệt nhọc đến đổ mồ hôi. Còn má thì khỏe quá, cây chuối đang mọc sởn sơ, má ra chặt ngang thân nó đem vô xắt làm rau ghém ăn, biết đâu rằng má đã giết nó và cây cỏ ngọn rau đang mọc, má ra ngắt đầu đem vô luộc ăn, nó không chạy trốn đi đâu được đành để cho má ngắc đầu ngắc cổ nó, biết đâu mủ chảy ra là máu của nó và nó cũng đau đớn nhưng không rên la được, thành ra má không thấy sự đau đớn của nó. Nếu má muốn ăn chay cho đúng cách, tôi xin chỉ cho má ăn chay như thế này : hễ cây lúa mọc được bốn đến sáu tháng, nó sẽ khô héo chết đi, trong lúc ấy má ra cắt lấy bông nó đem về xay, giã nấu ăn, còn nước biển đóng cục thành muối, má lấy ăn với cơm hoặc những trái cây đã rụng xuống đất, lượm đem vô ăn, đó mới thực là chay. Còn bông trái trên cành sởn sơ, nó còn sống, đương sức lớn mà đem vô ăn, đó không phải là ăn chay”.
Lúc đó gia đình tôi đối với tôi chẳng khác nào một đòn bánh tét, chung quanh thì nếp và đậu, chính giữa có cục mỡ và cục mỡ đó là tôi, chung quanh chay, chính giữa mặn. Ngày hôm nay phần nhân mỡ đó đã trở thành nhân chuối rồi vì tôi đã ăn chay.
Thấy tôi ăn chay, có nhiều người bạn trước kia đã bị tôi đưa ra những lí trên để hỏi trở lại tôi. Họ hỏi tôi ăn chay với những món gì?. Tôi trả lời : tương, chao, rau, tàu hủ, vậy thôi.
Các bạn tôi đều nhắc lại những lí lẽ của tôi đã nói lúc trước: tôi ăn rau cỏ là đoản mạng nó, chứ không phải ăn chay, tôi trả lời rằng, khi trước tôi không biết tưởng rằng ngắc rau cỏ đem luộc ăn là làm cho nó đau đớn và giết hại nó nên nói như vậy. Ngày nay nhận thấy trái ngược lại là làm như thế tức là cứu mạng nó hoặc làm cho nó sinh sản mạnh thêm. Dẫn chứng thực tế, quý vị hãy xác nhận : khi tóc hoặc móng tay mọc dài ra, ta cắt bớt đi thì nó không chết luôn và cũng chẳng thấy đau đớn chi cả mà vẫn mọc lại như thường. Cây cỏ cũng thế, khi đến mùa nắng, đọt cỏ cọng rau ủ rũ sắp chết, nết ta lấy dao cắt ngang và tưới một thùng nước (đừng quên thùng nước). Trong tuần lễ sau ta sẽ thấy nó đâm chồi, mọc nhánh xanh mướt khác xa với lúc nó khô héo sắp tàn. Như vậy một đám rau, nếu ta trồng mà không cắt ăn, nó sẽ già úa đi dường như gần chết, nhưng nếu ta thường cắt ăn, thì nó lại càng mọc nhanh và sanh ra nhiều cây khác.
Như vậy ta nhận định rằng, sự sống của cây cỏ khác với sự sống của thú vật. Cây cỏ ta chặt nó, nó càng xum xuê, không như gà vịt nếu ta chặt đầu thì nó chết luôn. Vậy ăn gà vịt là giết nó, còn ăn cây cỏ là cứu nó, hay nói một cách khác là làm cho nó phát triển mạnh thêm.
Ngày nay có nhiều người cho rằng thuyết ăn chay của Đạo Phật là mê tín dị đoan, là ép xác để thành Phật, là làm mất sức khỏe chớ chẳng lợi ích gì cả. Họ không ngờ trong sự ăn chay đó có mục đích rất cao cả là nêu lòng từ bi bác ái đối với muôn loài.
Cư sĩ Giác Ngộ