Tại sao phải trì giữ các ngày trai hàng tháng?
Ăn chay đã vâng giữ theo lời Phật dạy, có lợi ích, hợp tình lý, thì tất cả Phật tử đều nên tùy hoàn cảnh, khả năng tập dần, để tiến bước lên đường phúc huệ. Không nên vì mê tín phi lý, vì háo danh muốn được tiếng khen mà ăn chay, hoặc sinh lòng kiêu mạn trở lại khinh người ăn mặn.
Ăn chay nên hợp vệ sinh, biết chọn lựa thay đổi thức ăn, không nên ép xác cố ăn một cách quá kham khổ. Cũng không nên nấu chay giả thành đồ mặn mà làm trò cười cho thế gian.
Ăn chay có hai phương diện: chay kỳ và chay trường. Ăn chay trường hay trường trai là hành giả tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không thọ dụng đồ huyết nhục. Ăn chay kỳ thì có những thuyết: Nhị trai, Tứ trai, Lục trai, Thập trai, Nhất ngoạt trai, Tam ngoạt trai.
Nhị trai là ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày mùng 1 và 15.
Tứ trai là ăn bốn lần chay trong tháng, vào ngày mùng 1, mùng 8, 15, 23 (hoặc 30, mùng 1, 14, 15).
Lục trai là ăn chay trong các ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu 28, 29). Theo kinh Tứ Thiên Vương thì vào những ngày đó, Tứ Thiên Vương xem xét việc lành dữ của nhân gian, và các ác quỷ cũng rình rập chờ người làm ác để gia hại. Nên trong mấy ngày ấy, mọi người cần phải giữ gìn ba nghiệp không nên làm ác. Thêm vào đấy, nếu kẻ nào biết trì trai, giữ giới, tụng kinh, tu phúc, sẽ được tránh khỏi nạn tai, tăng phần phúc huệ. Luận Trí Ðộ nói: “Tại sao trong sáu ngày trai, cần phải thọ tám giới và tu phúc? Bởi vào các ngày ấy ác quỷ rình theo người muốn gia hại, gây những việc tật bệnh hung suy. Vì thế nên thuở kiếp sơ, trong mấy ngày đó, thánh nhân dạy người trì trai, tu phúc, làm lành”. Nhưng cách trì trai khi xưa chỉ lấy trọn ngày không ăn, gọi là trai. Ðến khi Phật ra đời, chế lại cho thọ Bát quan trai giới trong một ngày đêm, và lấy quá ngọ không ăn làm trai. Ðức Thế Tôn đã dạy: “Nên như chư Phật, thọ trì tám giới và không ăn quá ngọ trong một ngày đêm. Công đức ấy sẽ đưa người mau đến Niết bàn!”. Thập trai là ăn chay mười ngày trong mỗi tháng. Kinh Ðịa Tạng, phẩm Như Lai Tán Thán nói: “Nầy Phổ Quảng! Trong các ngày: mùng 1, mùng 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29) của mỗi tháng, các tội được kết tập để định phần khinh trọng. Nếu chúng sinh đời sau, vào mười ngày trai, đối trước tượng Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh, tụng kinh nầy một biến, thì mỗi phương đông, tây, nam, bắc, trong vòng 100 do tuần, không các tai nạn”.
Theo như trên, thì thuyết Lục trai, Thập trai và Tam ngoạt trai đều có điểm cứ. Nhưng để cho đúng với nghĩa trai, thì trong các ngày tháng ấy chẳng những ăn chay, mà còn phải không ăn quá ngọ mới phù hợp lời Phật dạy, và có lẽ được nhiều công đức hơn. Lại theo kinh Phạm Võng, đức Phật bảo không nên dùng ngũ tân gia vị vào thức ăn, vì những thứ ấy làm cho thân thể hôi và dễ sinh các phiền não như ái dục, sân hận… Như thế thì muốn cho sự tu phúc thêm phần toàn vẹn, vào ngày Lục trai hay Thập trai, người Phật tử nên thọ trì Bát quan trai giới, song phải ăn chay và không dùng ngũ vị tân. Thọ trì Bát quan trai giới là giữ tám giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không trang điểm, không tự hành và cố ý xem nghe ca múa âm nhạc, không ngồi nằm chỗ cao rộng sang đẹp; và giữ một phép trai là không ăn quá ngọ. Tám điều trước duy thuộc về giới, vì có công năng đóng ngăn cửa ác, nên gọi là Bát quan. Một điều sau gồm nghĩa trai và giới mà trai là phần chính, nên mới thêm chữ “trai” sau hai chữ Bát quan. Như thế, tổng hợp lại chín điều gọi là Bát quan trai giới. Và đây là nghĩa giải thích của Trí Ðộ Luận.
Hoà thượng Thích Hiền Tâm