Tại sao phải hành thiền?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1177 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

 Phra Ajahn Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị Tỳ-kheo theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng của Thái Lan bậc nhất. Cuộc đời ngài ngắn ngủi nhưng đầy biến động.

 

– Ở đâu có pháp, ở đó có nhân. Thế giới chúng ta trải nghiệm đến từ tâm, là nhân của nó. Nếu tâm tốt, thế giới sẽ tốt đẹp. Nếu tâm xấu, thế giới sẽ xấu xa.

– Tâm, khi không trụ nơi thân trong giờ phút hiện tại, nó là “thế giới”. Khi nó ở với thân trong hiện tại, đó là Pháp. Nếu tâm là thế giới, nó sẽ nóng như lửa. Nếu tâm là Pháp, nó mát mẻ như nước.

– Đừng tự mãn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng tất cả chúng ta đang từng ngày bị đuổi ra khỏi thế giới này. Nói cách khác, lão hóa đang theo sau, bệnh tật đe dọa, và cái chết đang tăng tốc. Vì thế, đừng quên lãng, đừng đùa giỡn với các uế nhiễm của mình. Hãy thân cận với các phẩm chất của Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) cho đến khi tâm ta phát triển được chánh định. Nhờ đó, ta sẽ không có gì phải sợ hãi trước những hiểm nguy của thế gian.

– Có lòng tin nơi người khác cũng không sao, nhưng điều đó chẳng có gì đặc biệt. Tương tự như vay tiền: Chúng ta sẽ phải chia sẻ lợi tức đầu tư của mình với những người cho vay. Khi chúng ta còn chưa biết, còn chưa thực sự có niềm tin nơi bản thân, mà vẫn phải tin vào những gì người khác nói, thì ta có khác gì đứa trẻ sơ sinh phải phụ thuộc vào cha mẹ của mình.

Nếu không trở nên mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ phải tiếp tục nhận sự chăm sóc cho đến lúc già. Nếu chúng ta không cố gắng rèn luyện tâm cho đến khi nó vững vàng, không lay chuyển, nó sẽ không làm phát sinh sức mạnh của định và ta sẽ mãi là một đứa trẻ. Khi ta có thể rũ bỏ tất cả các vấn đề trong tâm, chỉ còn lại tâm và chỉ tâm, Tam bảo sẽ xuất hiện trong tâm: đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Khi Tam bảo xuất hiện trong tâm, chúng ta sẽ không trì kéo mình xuống bằng cách mang theo nhiều thứ khác. Khi đã có các của báu này, tâm ta có thể nhẹ nhàng, và các kho báu quý giá khác sẽ phát sinh trong ta. Nói cách khác, niềm tin vào các phẩm chất của Đức Phật sẽ xuất hiện trong tâm. Sau đó, ta sẽ thực hành phù hợp với những phẩm chất đó cho đến khi ta đạt được các thành tựu khác nhau do chúng mang đến. Ta sẽ được nhìn thấy Phật, Pháp và Tăng chân chính trong tâm mình.

Nếu bạn chỉ cố quy y Tam bảo ở bên ngoài, chắc chắn bạn sẽ thất bại. Đức Phật ở bên ngoài đã Niết-bàn rất lâu rồi. Pháp ở bên ngoài chỉ là những con chữ trên trang sách. Tăng ở bên ngoài chỉ là những người với chiếc đầu không tóc, với chiếc y vàng rong ruổi khắp nơi. Nếu bạn cố bám vào những thứ này, thì giống như vác theo cây cuốc nặng chẳng để làm gì cả. Nhưng nếu bạn nương theo phẩm hạnh của Phật, Pháp và Tăng ở bên trong và thực hành chúng, bạn sẽ nhận ra rằng những gì bạn đang tìm kiếm đang ở ngay trong tâm bạn. Rồi thì bạn muốn gì? Tái sinh trở lại kiếp con người? Được lên cõi chư thiên? Đạt đến Niết-bàn? Hay xuống địa ngục? Tất cả đều khả thi, ngay nơi bạn.

– Đức Phật đã dạy rằng năm uẩn là gánh nặng, vì tất cả đều sẽ đi đến mức ta không thể tiếp tục mang chúng đi khắp nơi nữa, mà phải ném chúng xuống bùn. Nếu ta không tiếp tục tẩy uế chúng, chúng sẽ ngày càng nặng hơn. Còn nếu ta phụ thuộc vào người khác, ta chỉ trì kéo họ xuống, trong khi bản thân ta hoàn toàn bất lực.

Đó là do việc cất giấu mọi thứ trong lòng cũng giống như chụp ảnh mà không bao giờ tráng phim. Bạn chụp ảnh lúc ăn, lúc nói, bạn đưa vào phim những gì được nghe, nhưng chỉ có thế: trên phim. Bạn chưa bao giờ dừng lại để xem các bức ảnh bạn chụp, đẹp hay xấu. Nếu bạn muốn xem ảnh, bạn phải mang phim vào phòng tối, bằng cách nhắm mắt lại, hành thiền, đạt được sơ thiền, hướng suy nghĩ của bạn đến hiện tại và đánh giá nó cho đến khi bạn có thể thấu rõ bản thân.

Nếu hiện tại bạn không đi vào phòng tối, một ngày nào đó thần chết cũng sẽ bịt mắt, trói tay chân bạn, và kéo bạn vào phòng tối của hắn. Nói cách khác, khi bạn đang trên bờ vực của cái chết, bạn sẽ không thể mở miệng, mở mắt. Không ai sẽ có thể cho bạn ăn. Bạn có muốn ăn cũng không thể ăn. Bạn có muốn nói, cũng không thể nói. Tai bạn sẽ bị đóng chặt, bạn không thể nghe thấy bất cứ điều gì rõ ràng. Bạn không thể nhìn thấy cha mẹ, gia đình, con cháu. Bạn không thể trăng trối với họ về những mong muốn cuối cùng của mình. Đó được gọi là phòng tối của thần chết.

– Tâm là thứ duy nhất cảm nhận được niềm vui và nỗi đau. Thân không có ý thức gì về những điều này cả. Giống như kẻ tội phạm cầm con dao để giết ai đó. Người ta không săn lùng con dao để trừng phạt mà chỉ trừng phạt kẻ đã sử dụng dao để thực hiện hành vi giết người.

– Nếu tâm của bạn không tốt, thì hành động của bạn không thực sự thiện lành, và lời nói của bạn cũng không thực sự chân thật.

– Bạn phải tự phát triển nội lực, như dự trữ thuốc súng. Nếu một khẩu súng không có thuốc súng, ta không thể sử dụng nó. Người hầu không đủ quyền lực để làm chủ ai cả. Còn người có quyền lực, họ chỉ cần chỉ tay là người khác phải ba chân, bốn cẳng làm theo ý họ. Nếu chúng ta không phát triển nội lực riêng, chúng ta sẽ luôn phải là người hầu – nô lệ cho sự ô uế.

– Thân giống như một con dao. Nếu bạn có dao nhưng không tiếp tục mài dũa, nó sẽ bị phủ đầy gỉ sét. Tương tự, khi bạn có thân – các yếu tố vật lý, các uẩn và phương tiện cảm giác – mà không huấn luyện, chăm sóc và đánh bóng, nó sẽ đầy những ô uế. Nếu thân là một khẩu súng, thì nó sẽ không giết nổi một con ruồi.

– Thường, tâm không thích ở một nơi. Nó cứ chạy ra mắt, tai, mũi, lưỡi và thân – giống như một dòng sông chẻ ra năm nhánh thay vì chảy xuôi một dòng. Ở một con sông như thế, dòng nước chảy bị suy yếu, không thể là cường lưu mạnh mẽ. Ngoài việc tuôn chảy theo năm giác quan, tâm còn len lỏi ra ngoài qua những suy nghĩ về quá khứ và tương lai, thay vì trụ vững trong hiện tại. Đây là lý do tại sao tâm không có sự bình an hay sức mạnh, do nó không bao giờ được nghỉ ngơi. Khi tâm suy yếu, thân cũng không thể mạnh và sẽ không thể thành công ở bất cứ điều gì.

– Nếu tâm không trụ nơi thân, ngay trong hiện tại, mà lang thang đây đó, tiếp xúc với các pháp bên ngoài, chắc chắn nó sẽ gặp nhiều vấn đề, giống như người không ở trong nhà mà đi lang thang cùng khắp. Chắc chắn người đó phải chịu nắng, mưa, và có thể bị tai nạn xe cộ hoặc bị chó dại cắn. Nếu chúng ta ở trong nhà, thì dù vẫn có một số nguy hiểm, nhưng chúng sẽ không quá nghiêm trọng và chúng ta sẽ không chịu nhiều hệ lụy.

– Khi tâm không yên tĩnh, cũng giống như cầm đuốc chạy lòng vòng. Chắc chắn bạn sẽ bị phỏng. Chỉ khi ngừng chạy, bạn mới có thể yên thân.

– Những người tích lũy công đức nhưng không phát triển nền tảng cho tâm, giống như người sở hữu đất đai nhưng không có giấy tờ. Họ có thể bán đất lấy tiền, nhưng họ dễ là con mồi cho những kẻ lừa đảo, vì họ không có bằng chứng gì cho sự sở hữu đó. Nếu bạn thực hành bố thí và giữ giới nhưng không thực hành thiền định (nền tảng của tâm), thì giống như chỉ tắm từ thắt lưng trở xuống khi trời nóng nực. Nếu không tắm từ đầu xuống chân, bạn sẽ không hoàn toàn sảng khoái, bởi vì sự mát mẻ không đi đến tận tâm.

Ajahn Lee Dhammadharo