Tại sao lễ kính Phật hằng ngày mà tâm vẫn nghĩ bậy?

Con có thắc mắc là tại sao một người Phật tử có pháp danh, thiết tha tu tập, lễ kính Phật hằng ngày mà tâm vẫn nghĩ bậy?

Rất nhiều người bị rơi vào tình huống này nhưng đừng quá lo lắng, hãy kiên nhẫn sám hối rồi sẽ bớt nghĩ bậy thôi. Chính cách ứng xử của con người khi đó sẽ chia con người thành 2 hạng người: Một là tưởng ý nghĩ xấu đó là ý nghĩ của mình rồi làm theo thì sẽ xuống địa ngục thật. Hai là biết dằn vặt, chiến đấu với ý nghĩ xấu, rồi thoát được khỏi nó.

Hạng người khởi ý nghĩ xấu, tưởng đó là của mình rồi trở thành xấu luôn là người không có phước, không biết lễ Phật, không cung kính những bậc Thánh. Còn hạng người biết giằng co, chiến đấu vất vả với ý nghĩ xấu là người biết lễ Phật, biết cung kính bậc Thánh. Nhờ những cái phước đó, họ thoát được khỏi cái ý nghĩ xấu.

Lễ Phật cầu nguyện thành tâm nhưng sao trong năm vẫn gặp chuyện xui xẻo?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, quá trình chiến đấu với ý nghĩ xấu nhanh hay chậm là tùy thuộc vào cái phước của ta. Cái phước đó đầu tiên bắt nguồn từ việc lễ Phật, sám hối, sau đó là thương người, khuyên bảo mọi người cùng tu hành. Chính những điều ta muốn cho mọi người tốt thì tâm ta bắt đầu tốt. Tức là ta muốn người khác được cái gì thì ta sẽ được cái đó. Nhiều khi họ chưa được nhưng ta đã được rồi. Cái đẹp trong những lời chúc tết chính là như vậy.

Ngoài ra, muốn quả báo tới thì ta phải thật lòng cầu mong những điều tốt đến với người khác. Chúc mà không thật lòng thật dạ thì không có quả báo. Bên cạnh những điều tốt đẹp, ta cần chúc cho mọi người có một tâm hồn thánh thiện. Mong ước này sẽ giúp tâm ta dần dần trở nên đẹp hơn. Thế mới nói tâm ta không phải của ta mà là do nghiệp tạo nên.

Để ý ta sẽ thấy, mới bước vào cuộc đời tu hành, không bao giờ tâm tốt ngay. Ai cũng phải đi qua giai đoạn có những tâm xấu khởi lên và ta buộc phải chiến đấu với nó. Muốn thắng được nó thì phải khôn, phải biết rằng tâm đó không phải của ta mà là của nghiệp. Hơn nữa, tâm làm chủ và dẫn đầu các Pháp, có tâm rồi mới có lời nói và hành động. Tội, phước hay quả báo cũng từ đó mà ra. Đây là một quy trình. Và quả báo cũng có nhiều nhánh chứ không phải chỉ một. Giống việc ta gieo một hạt xoài thì được một cây có rất nhiều nhánh, nhiều cành, nhiều hoa, nhiều lá và nhiều trái. Từ một nhân thôi nhưng lại được rất nhiều loại quả.

TT. Thích Chân Quang