Ta hãy phát tâm từ bi tự thương xót lấy ta
Khởi điểm là thấy được rằng ta đang mang nặng phiền muộn và lo lắng. Thấy được như thế là tỉnh thức. Lập tức ta hãy phát tâm từ bi tự thương xót lấy ta. Ta có biết thương xót được ta, ta mới có khả năng thương xót người khác.
Chúng ta lo lắng phiền muộn suốt đời, chúng ta muốn rũ bỏ. Rũ bỏ như thế nào? Bước đi những bước vừa thanh thản vừa hào hùng. Phải có sự tỉnh thức và phải có ý chí. Tỉnh thức để thấy được rằng ta đang mang nặng hành trang lo lắng và phiền muộn. Ý chí để cương quyết rũ bỏ những lo lắng và phiền muộn đó. Chúng ta tự hỏi: mang nặng những lo lắng và phiền muộn đó để làm chi?
Khởi điểm là thấy được rằng ta đang mang nặng phiền muộn và lo lắng. Thấy được như thế là tỉnh thức. Lập tức ta hãy phát tâm từ bi tự thương xót lấy ta. Ta có biết thương xót được ta, ta mới có khả năng thương xót người khác. Ta thương xót ta bị giam hãm trong vòng phiền muộn lo lắng. Ta biết phiền muộn lo lắng đã không giúp ta giải quyết được gì mà còn làm cho đời ta mất hết an lạc. Từ sự tỉnh thức ấy, ta quyết rũ bỏ phiền muộn và lo âu. Nếu thức tỉnh muốn rũ bỏ, thì ta có thể rũ bỏ ngay được. Như khi ta cởi chiếc áo mưa và rũ một cái khiến cho giọt sương bám trên áo nhất loạt đồng thời bay mất.
Tâm từ bi là cội nguồn của hạnh phúc
Ðể chứng tỏ ta rũ bỏ được lo âu và phiền muộn, ta hãy nở một nụ cười. Một nụ cười hàm tiếu thôi, và duy trì nụ cười đó trên môi như một đức Phật. Ta tập bước như một đức Phật, và ta tập cười như một đức Phật. Ta có thể làm được như thế. Ðợi đến bao giờ nữa mới làm Phật? Ta hãy làm Phật ngay trong giờ phút hiện tại.
Tôi đã từng nói nhiều tới nụ cười hàm tiếu và tác dụng của nó trong các cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức và Trái Tim Mặt Trời. Nụ cười này tuy là hoa trái của sự tỉnh thức và sự an lạc nhưng nó cũng có tác dụng nuôi dưỡng và duy trì sự tỉnh thức và an lạc ấy. Nó mầu nhiệm vô cùng. Bạn chớ nên coi thường nó. Nó chính là kho tàng hạnh phúc của bạn. Không những nó làm cho bạn an lạc và tỉnh thức, nó còn làm cho người xung quanh bạn nhờ bạn mà được an lạc và tỉnh thức nữa. Nó chuyển ta bà thành tịnh độ. Trong khi tập thiền hành bạn nhớ duy trì nụ cười hàm tiếu; nụ cười ấy giúp cho bước chân của bạn thêm khoan thai, thêm ung dung thêm tỉnh thức và thêm an lạc. Nuôi dưỡng bước chân, không những bạn có nụ cười huyền diệu kia mà bạn còn có hơi thở nữa. Hơi thở là một phương tiện mầu nhiệm để duy trì sự tỉnh thức và an lạc.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh