Ta còn là phàm thì sao biết ai đang là thánh?
Giả sử chuyện thời sự nổi cộm trên trên mạng xã hội bữa giờ (giảng pháp, bộ hành…) mà lùi về mấy chục năm trước thì mọi chuyện chắc chẳng mấy ai quan tâm và không đến nỗi ồn ào như bây giờ. Dòng đời luôn chuyển động và xô nhau về phía trước, xã hội càng phát triển cuốn theo hàng vạn những vấn đề pros and cons – ưu và nhược điểm, thuận và nghịch, vốn muôn đời vẫn thế.
Thôi thì mỗi người chúng ta tự quay về thu thúc lục căn, sống ít ham muốn và biết đủ, tự trang bị cho mình kiến thức giáo lý đúng để có tư duy đúng và hành trì đúng thì thế giới sẽ dung hoà. Ai làm gì, tu gì là chuyện của họ, chúng ta học được cái gì tốt thì học; thế nhưng có những người lại lợi dụng điều đó đẩy mọi chuyện đi quá xa, thành ra cả xã hội bỗng dưng trở nên lao xao, dao động, chia rẽ, bè phái.
Để ý sẽ thấy mấy chuyện này từ xưa giờ không phải mới, chỉ có điều là mạng xã hội khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn mà cũng đẩy nhau ra xa hơn. Và chúng ta cứ bị cuốn theo vòng xoáy của hỷ nộ ái ố, của bát phong (tám ngọn gió đời): được mất, khen chê, buồn vui, vinh nhục. Tương tự như vậy, chuyện bầu cử tổng thống hay chuyện đời tư của một nhân vật có tiếng nào đó cũng khiến cho thiên hạ điên đảo mộng tưởng, đứng ngồi không yên.
Muốn đi ngược dòng đời thì phải tự mình có khả năng “bơi”, muốn an lạc thì phải có khả năng thích nghi với đời sống cho dù tĩnh hay động vẫn giữ tâm tự tại, bất biến. Khó không? Rất khó. Do chúng ta nhiều đời quen nhìn mọi thứ qua sự việc hiện tượng, tư kiến chủ quan, cảm tính thương ghét.
Chúng ta chỉ tin cái mà chúng ta muốn nghe, thay vì nhận thức mọi thứ đúng với bản chất thật của nó (see thing as it is), cho nên khi có chuyện gì lạ lạ là chúng ta đổ xô nhau, nghiêm trọng hoá vấn đề. Tập tính của phàm phu từ vô thỉ là vậy, thế nên mới trôi lăn hoài trong sanh tử luân hồi đến tận ngày nay và còn tiếp tục miên viễn như thế nếu không kịp thời tu tập.
Dĩ nhiên là trong quá trình sống thì điều bất thiện cần được ngăn chặn loại trừ, và điều thiện cần được tăng trưởng. Điều này đã được Đức Phật dạy trong pháp môn Tứ Chánh Cần (Thận – Trừ – Tu – Bảo). Thiện ác xuất phát từ thân khẩu ý của mỗi người, do đó trước khi lên án, chống đối ai chúng ta phải tỉnh thức suy xét coi hành vi của mình có ác ý không, có làm khổ mình, khổ người không? Không khéo chúng ta mang danh đi ủng hộ cái tốt, diệt trừ cái ác lại biến mình thành kẻ ác và rơi vào tà kiến, ngã mạn.
Và khi tung hô cái mà mình cho là đúng thì tư duy coi có đúng với Chánh pháp không? Bản thân chúng ta còn là phàm thì sao biết ai đang là thánh? Để thấy được trí tuệ của bậc thánh chúng ta phải có trí tuệ và phước như họ, thử nghĩ xem, một vị thánh có còn ưa thích việc cho thiên hạ biết mình là thánh để mà bị quấy nhiễu hay không?
Xin chớ dùng trí phàm phu của mình mà so sánh ai đó với một vị Phật Chánh Đẳng Giác, chớ tự huyễn hoặc mình để làm “hiu hắt đời nhau”.
Everything happens for a reason. Let nature take its course. Let dhamma do its job. Mọi thứ xảy ra đều có nhân duyên của nó. Hãy để các pháp (chân lý, vũ trụ…) tự vận hành. Chúng ta thêm mắm dậm muối vào chỉ thêm rối và tăng bản ngã. Thương nhau như thế bằng mười hại nhau.
Nguyện cầu chánh pháp trường tồn, tăng chúng hoà hợp.