“Ta bà thế giới” là gì?

Trong dân gian có cụm từ “đi ta bà thế giới”, thường được hiểu là đi khắp nơi, song nhiều người không hiểu “ta bà” là gì.  

 

Ta bà là thuật ngữ Phật giáo, viết tắt từ cụm từ Ta bà thế giới (娑婆世界) trong Hán ngữ, dùng để chỉ nơi chúng ta đang sống (trái đất), nơi mà Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện và giáo hóa chúng sinh.

Ta bà chính là kham nhẫn (堪忍), là sự chịu đựng, dung thứ. Tất cả chúng sinh sống trong thế giới ta bà (hay cõi ta bà) đều phải trải qua những khổ đau, phiền não; có thể chịu đựng mười điều ác, đó là sát sinh; trộm cắp; tà dâm; nói bậy; nói nhảm; nói lời độc ác; nói hai lời và tham, sân, si… do đó ta bà còn được gọi là Kham nhẫn thế giới (堪忍世界), tức “thế giới bao dung”.

Ta bà (娑婆) còn được phiên là sa bà. Tuy nhiên, theo Khang Hi tự điển, chữ 娑 có phiên thiết là “tố hà thiết” (Quảng vận) và “tang hà thiết” (Vận hội, Chính vận) nên phiên là ta. Vì thế, ở đây chúng tôi sử dụng thuật ngữ “ta bà thế giới” chứ không dùng “sa bà thế giới”.

Theo Wikipedia tiếng Anh, người Trung Quốc phiên âm ta bà (娑婆) từ chữ sahā (सहा) trong Phạn ngữ và cho rằng sahā (सहा) có nghĩa là “cùng nhau” (together) hoặc “kiên trì”(enduring), song theo chúng tôi, chữ chính xác hơn phải là सहन (phiên âm quốc tế: sahana; phiên âm tiếng Phạn: sahai), có nghĩa là “kiên nhẫn, chịu đựng”, đồng nghĩa với những từ mà người Trung Quốc dịch ý từ chữ ta bà, đó là nhẫn (忍), kham nhẫn (堪忍), nại nhẫn (能忍) hay nhẫn thổ (忍土).

Nhìn chung, ngoài chữ ta bà (娑婆), người Trung Quốc còn vài cách phiên âm thuật ngữ सहन (sahana), chẳng hạn như ta (sa) ha (沙訶); ta (sa) ha

(娑呵) hay sách ha (索訶)… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ta bà thế giới có nguồn gốc từ chữ sahalokadhātu (सहलोकधातु) trong Phạn ngữ, điều này hợp lý vì sahalokadhātu có nghĩa là trái đất, tức Tam thiên đại thiên thế giới, nơi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy – theo Pháp Hoa Văn Cú (q.2); Pháp Hoa huyền tán (q.2) và Đại Đường Tây Vực ký (q.1).

Một trong những sách xuất hiện thuật ngữ ta bà thế giới sớm nhất là Ta (sa) la hải tân độn tích ký (娑羅海濱遯跡記), đặc biệt là trong Tăng nhất A hàm kinh (Ekottara Āgama) – một bộ kinh văn A hàm truyền thống phương Bắc, viết bằng Phạn ngữ, do Tăng già chư thiên thời nhà Tần dịch.

Nhìn chung, “đi ta bà thế giới” là đi khắp nơi (trên trái đất này). Ta bà thế giới còn biểu thị cho Jambudvīpa (जम्बुद्वीप), một trong bốn lục địa của vũ trụ học Ấn Độ cổ đại, hoặc toàn bộ thế giới. Trong một số kinh điển Phật giáo, kể cả kinh Pháp Hoa và kinh Vimalakīrti (Duy Ma Cật), cõi ta bà được xem là thế giới đầy đau khổ hoặc tự thân nó là một cõi tịnh độ, “Vùng đất của Ánh sáng An bình Vĩnh cửu” (Land of Eternally Tranquil Light). Trong kinh Pháp Hoa, Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng : “Kể từ đó, ta thường xuyên ở thế giới ta bà này, thuyết Pháp, giảng dạy và giúp cải đạo” (Chương 16: Như Lai thọ lượng).

Vương Trung Hiếu 
(Thanh Niên online)