Sự thừa tự là Pháp chứ không phải tài vật

Đức Phật, người cha của chúng ta cũng để lại viên ngọc Pháp bảo. Pháp bao gồm pháp học và pháp hành. Song hành hai pháp này thì viên ngọc quý sẽ lộ ra.

Dòng họ Nguyễn ở làng chùa Phúc Tự là một dòng họ danh gia vọng tộc có nhiều đời làm quan. Đến đời ông Kiểm Khê cũng rất hiếu học, đêm ngày bút nghiên đèn sách dùi mài kinh sử, đôi ba lần lều chõng nhưng bảng vàng chưa một lần có tên. Tuy vậy, ông cũng thuộc hạng người nhân nghĩa và tri thức, ở cái làng chùa này không ai là không kính trọng. Người ta gọi ông Kiểm Khê vì ông là hương kiểm, một chức sắc nhỏ thuộc hệ thống địa phương làng xã thời ấy.

Dẫu không công thành danh toại nhưng không thành công cũng thành nhân. Chuyện thăng trầm thành bại tử sinh là một quy luật hiển nhiên nên khi biết mình đang ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” lại mang một chứng bệnh nan y khó lòng qua khỏi, ông cũng không buồn lắm. Ông chấp nhận với số phận, chỉ trăn trở có một điều là sau khi ông đi, hai đứa con trai của ông có tiếp nối được truyền thống hiếu học của gia đình dòng họ hay không? Bởi hơn ai hết ông là người ý thức rất rõ cái cần thiết của việc học. Ông Kiểm Khê gọi hai người con lại, lấy ra một lọ mực đầy, ông chỉ vào lọ mực ấy rồi dặn dò con rất kỹ lưỡng:

– Này hai con! Đây là lọ mực của ông bà để lại cho cha, cha đã trân quý gìn giữ nó như một báu vật. Đến hôm nay cha trao lại cho hai con với một bí mật mà hai con chưa hề biết. Đó là khi viết đến giọt mực cuối cùng sẽ xuất hiện một viên ngọc quý.

Anh con trai trưởng thuộc loại làm biếng học hành, nghe cha nói như vậy, đến đêm bí mật đưa ngón tay vào lọ mực rà tìm nhưng chẳng thấy viên ngọc nào cả, anh không tin và thầm nghĩ rằng đó là điều không thể.

Còn anh con trai út thì rất siêng năng vâng lời cha dạy, không xao lãng bút nghiên đèn sách. Khi viết đến giọt mực cuối cùng anh đã nhận ra ý nghĩa thâm sâu lời dặn dò của cha trước lúc đi xa. Viên ngọc mà cha nói đến chính là tri thức. Qua bao năm khổ luyện học hành, anh đã trở thành một con người có đủ tri thức, đạo đức. Và chính anh đã trở nên một viên ngọc quý như cha anh hằng mong muốn.

Theo Truyện cổ tích Việt Nam. 

Sống theo chánh Pháp, thực hành Phật Pháp

347839251_275323878248070_3132389526990362668_n

Ngẫm: 

Ở đời, sự thừa tự chính là tri thức chứ không phải tài sản. Ở trong đạo, sự thừa tự là Pháp chứ không phải tài vật.

Kinh Thừa tự pháp (Trung bộ kinh), Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật”.

Đức Phật, người cha của chúng ta cũng để lại viên ngọc Pháp bảo. Pháp bao gồm pháp học và pháp hành. Song hành hai pháp này thì viên ngọc quý sẽ lộ ra.

Quảng Tánh