Sư thầy xây chùa, dạy tiếng Việt ở Sri Lanka
Sau 6 năm du học tại Học viện quốc tế Siba, sư thầy Pháp Quang quyết định xây dựng Thiền viện Trúc Lâm, ngôi chùa Việt đầu tiên tại Sri Lanka.
Sư thầy kể những ngày đầu đến Sri Lanka không đủ tiền để ở ký túc xá nên xin ở nhờ chùa Siri Sugatha Thapowanaya do sư ILwane Ananda trụ trì. Sau khi hoàn thành chương trình Lãnh đạo phật giáo tại Học viện quốc tế Siba, thầy tiếp tục học lên thạc sĩ tại Đại học Kelaniya, TP Kandy, cách thủ đô Colombo khoảng 120 km.
Trong những năm ở đất nước Nam Á này, thầy gặp nhiều phái đoàn Việt Nam sang tham quan. Không ít người bày tỏ ước muốn có một ngôi chùa Việt ở đây làm lưu trú cho những đoàn hành hương về đất Phật.
“Vì lẽ đó thầy ấp ủ xây dựng chùa vừa làm nơi tu tập vừa làm cơ sở gây dựng cộng đồng Việt nơi xứ người, giới thiệu văn hóa truyền thống đất nước và vơi đi nỗi nhớ quê hương”, sư thầy Pháp Quang nói.
Năm 2020, thầy Pháp Quang được trụ trì chùa Siri Sugatha Thapowanaya phát tâm tặng 2.000 m2 đất ở thị trấn Ambakotte, TP Kandy. Cùng sự ủng hộ của bà con người Việt trong và ngoài nước, tháng 9 năm đó thầy khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm.
Năm 2021, chùa hoàn thiện khoảng 65% với phần thiền đường, chánh điện và hai thất để thầy và 5 sư nhỏ cùng sinh hoạt, nghỉ ngơi. Sau đó thầy xây thêm các thất, cổng chính, tượng Phật ở ngoài, hàng rào. Hiện thiền viện vẫn đang tiếp tục xây dựng nhà ăn và tăng xá.
Ở chùa, buổi sáng các sư tụng kinh tiếng Việt, tối tụng kinh tiếng Pali. Từ đó, người dân bản địa biết và đến chùa ngày một đông hơn. Nhiều lần nghe giảng pháp bằng tiếng Việt, trẻ em trong thị trấn cảm thấy tò mò rồi dần thích thú và muốn học theo để nói chuyện với sư thầy, hiểu hơn về Việt Nam. Vị trụ trì quyết định mở lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em địa phương.
Không bàn ghế, không bục giảng, không học phí, lớp tiếng Việt đầu tiên khai giảng tại chánh điện của chùa vào tháng 6/2022. Ngay ngày đầu tiên, lớp đã có 30 học trò. “Nhỏ nhất là bé 5 tuổi, lớn nhất 71 tuổi. Ai cũng hăng say học tập khiến thầy rất bất ngờ và hạnh phúc”, sư thầy nói.
Lớp được mở đều đặn từ 18h30 đến 20h các ngày thứ 2 đến thứ 6. Ban đầu, thầy dạy những câu đơn giản như “Xin chào”, “Cảm ơn sư phụ” để trò thực hành nói với nhau. Bên cạnh đó, thầy dạy thêm những bài hát tiếng Việt và giới thiệu văn hóa truyền thống của đất nước thông qua điệu múa quạt, biểu diễn áo dài. Về sau, lượng học viên ngày càng một đông nên thầy chia thành hai lớp. “Vui nhất là lúc các em hát tiếng Việt say sưa, cứ ngỡ như mình đang sống cùng cộng đồng người Việt. Điều đó giúp các thầy vơi đi nỗi nhớ nhà”, sư thầy kể.
Không có sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, thầy Pháp Quang phải tự soạn giáo trình. Lớp học đơn sơ, chưa sắm được bàn ghế cho học trò nhưng các em nhỏ vẫn đặt vở xuống nền, ngồi khom người viết bài, không chút than vãn.
Sau ba tháng, những đứa trẻ đến chùa hình thành thói quen giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Thầy kể, có hôm gặp một vị phụ huynh cười và cất tiếng: “Xin chào sư phụ”. Hỏi ra mới biết, bọn trẻ về nhà dạy lại tiếng Việt cho bố mẹ. Cũng từ những học trò nhỏ tuổi ấy, phong trào mọi nhà cùng học tiếng Việt phát triển. “Tại thị trấn này khoảng 50% số hộ dân có con em theo học tiếng Việt”, thầy Pháp Quang nói.
Những buổi tối cuối năm 2022, Sri Lanka thường xuyên cúp điện nhưng các em nhỏ vẫn đến lớp đều đặn, ngồi học bằng đèn dầu, thậm chí ngày mưa bão vẫn không nghỉ. Thầy Pháp Quang vẫn nhớ hình ảnh tay cầm đen pin soi lên bảng, phía dưới học trò nắn nót từng nét chữ. “Thật sự lúc đó thấy thương các em. Thầy không nghĩ người dân nơi đây yêu tiếng Việt đến vậy”, trụ trì Trúc lâm Thiền viện Sri Lanka nói.
Bà Arakita, 58 tuổi, người dân thị trấn Ambakotte kể, thường nghe cháu hát bài “Kìa con bướm vàng” mỗi chiều đi học về nên hỏi và bắt đầu hứng thú với tiếng Việt. Năm 2022, bà theo cháu gái đến lớp. Người phụ nữ có nhiều năm lao động tại Singapore. Sau khi về hưu, học tiếng Việt là cách để bà tìm niềm vui trong cuộc sống. Bà ghi chép các bài học cẩn thận, dán hình ảnh, trang trí hoa văn vào quyển vở.
Thời gian đầu, bà Arakita học chữ cái, ráp vần, ghép từ. “Tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó, đặc biệt là dấu câu. Sau ba tháng học, tôi thấy vui vì có thể giao tiếp cơ bản với người Việt Nam”, bà nói.
Abhi, 15 tuổi, học tiếng Việt khoảng 8 tháng. Em thuộc lòng nhiều bài hát tiếng Việt như Đi học, Bông hồng cà áo và quốc ca Việt Nam. Cậu bé học tiếng Việt bằng cách nói nhẩm theo lời hát, lắng nghe lời giải thích ca từ và hình dung. Abhi mong được đến Việt Nam ngày gần nhất.
Tết vừa qua, sư thầy mời học trò cùng phụ huynh đến chùa đón giao thừa, xem không khí Tết Việt. Thầy Pháp Quang kể, đêm đó, bố của trò Osada, 14 tuổi, đứng lên phát biểu tiếng Việt đã thay đổi nhận thức về việc học của con. Con trai lớn về dạy cho em nhỏ và hát tiếng Việt cho bố mẹ nghe. “Các con tôi ngoan hơn, tự lập trong học tập và biết sẻ chia hơn với mọi người xung quanh. Tôi dành sự cảm ơn chân thành đến các sư và con người Việt Nam”, bố của Osada nói rồi bật khóc.
Thầy Pháp Quang chuẩn bị mở thêm lớp tiếng Việt dành cho phụ huynh. “Họ bảo các con về nhà toàn nói tiếng Việt nên phải đi học để nói chuyện cùng con”, thầy nói.
Thầy cũng dạy online cho người Sri Lanka làm việc tại đại sứ quán và những người chuẩn bị sang Việt Nam lao động. “Mình tự hào là người Việt Nam và mong ước một ngày ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt sẽ lan tỏa ra toàn thế giới”, thầy tâm niệm.
Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, Hồ Thị Thanh Trúc cho biết rất trân quý những nỗ lực của sư thầy Pháp Quang trong những năm qua ở xứ người. Tại đất nước Nam Á này, thầy không chỉ san sẻ khó khăn với cộng đồng người Việt mà còn hỗ trợ người bản địa, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa đất nước, đặc biệt là các lớp tiếng Việt miễn phí cho dân bản địa và dạy tiếng Sinhala cho người Việt. “Thầy như sợi dây kết nối văn hóa của hai nước đến gần nhau hơn”, bà đại sứ nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/
Minh Tâm