Sự tà hạnh của người nữ?
Đức Thế Tôn có thuyết với đại ý rằng: “Những người nữ trên thế gian này dễ làm điều đê hèn, thấp thỏi, tà hạnh nếu như họ có đủ điều kiện là thời gian, nơi kín đáo, có người đàn ông dụ dỗ, chọc ghẹo họ. Có phải có điều ấy không ạ?
– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết với đại ý rằng: “Những người nữ trên thế gian này dễ làm điều đê hèn, thấp thỏi, tà hạnh nếu như họ có đủ điều kiện là thời gian, nơi kín đáo, có người đàn ông dụ dỗ, chọc ghẹo họ. Đừng nói là người trai có sắc đẹp, khỏe mạnh mà người trai xấu xí, tầm thường, người nữ vẫn bị quyến dụ như thường!”. Có phải có điều ấy không ạ?
– Tâu, vâng!
– Nhưng khi thuyết về bổn sanh, nói về người vợ của bồ-tát Mahosatha là bà Amaràdevi, lại không phải thế. Bà Amaràdevi dầu không có mặt chồng ở trong phòng kín với người đàn ông dụ dỗ mình – theo kế thử lòng của bồ-tát Mahosatha – bà vẫn không tà hạnh. Xem thế, lời tuyên bố ở trên của Đức Thế Tôn có quá đáng chăng? Có hạ giá phẩm hạnh của người nữ chăng? Có đưa tay ra mà nắm cả bó đũa hay chăng? Có nghiêng lệch về một phía bởi định kiến của mình hay chăng? Mong đại đức giải nghi cho trẫm điều này?
Người nữ có thể chứng đạt sự giác ngộ, giải thoát trong kiếp hiện tại hay không?
– Tâu đại vương! Quả là Đức Thế Tôn có dạy rằng người nữ hành động xấu xa, thấp thỏi khi hội đủ ba điều kiện: thời gian, nơi kín đáo và có người đàn ông dụ dỗ, chọc ghẹo. Nhưng các điều kiện đưa đến phạm tội ấy cũng phải được hiểu cho chính xác, nếu không đại vương sẽ hiểu lầm lời tuyên bố của Đức Đạo Sư!
– Xin đại đức giảng cho nghe?
– Tâu, vâng! Ví như điều kiện thứ nhất là “thời gian”! Đại vương hiểu như thế nào về chữ “thời gian”?
– Có thể hiểu ngay! ví dụ như lúc rảnh việc, lúc không có ai thấy, lúc người khác không nghi ngờ, lúc người chồng đi vắng, lúc ban đêm hoặc lúc có thể dễ dàng nêu lý do vắng mặt v.v… nghĩa là vào lúc mà thời gian thuận tiện nhất. Có phải “thời gian” là vậy không đại vương?
– Rất chính xác. Nhưng nếu có người nữ không cung kính chồng, không tốt với chồng, không hề sợ chê bai, không sợ địa ngục, không biết thế nào là đúng pháp, thế nào là phi pháp, không có tàm quý thì họ có cần điều kiện “thời gian” như đại vương nêu ở trên không?
– Đối với hạng nữ nhân ấy thì lúc nào, thời gian nào họ cũng có thể tà hạnh!
– Vâng! vậy thì đối với hạng nữ nhân đầu, thời gian nghĩa là có lúc, có khi thuận tiện; đối với hạng nữ nhân sau, thì thời gian dường như lúc nào cũng được. Tất cả đều là nghĩa về “thời gian”, tâu đại vương!
– Nó rộng nghĩa như vậy sao đại đức! Nếu thế thì có yếu tố “tâm” xen dự vào đấy rồi!
– “Thời gian” đầu, ám chỉ cho hạng nữ nhân có tâm xấu ít. “Thời gian” sau, ám chỉ cho hạng nữ nhân có tâm xấu nhiều, tâu đại vương!
– Thế còn “nơi kín đáo” là chỗ khuất mắt, khuất tai, không ai thấy biết, phải thế không đại đức?
– Cũng không đơn giản như đại vương hiểu đâu. Chỗ mọi người không thấy, không biết thì đúng rồi; nhưng nếu phi nhơn, chư thiên, quỷ thần hay biết thì sao?
– A! Té ra còn điều này nữa!
– Rồi lại còn các bậc đắc thắng trí thần thông, họ có tha tâm thông nên thấy, biết thì sao?
– Vâng, vâng!
– Trở lại vấn đề. Bà Amàradevi, vợ của bồ-tát Mahosatha dẫu bị người đàn ông dụ dỗ, có thời gian, trong phòng kín – kín với mọi người, nhưng không kín đối với bà – nên bà không thể tà hạnh được, tâu đại vương!
– Bà còn là người tốt chứ không phải là người xấu như hai hạng nữ nhân ở trên, thưa đại đức.
– Lại nữa, bà Amàradevi lại còn có người chồng tốt, trên thế gian không ai bằng được, cũng là lý do chính đáng để bà không tà hạnh, tâu đại vương!
– Xin đại đức kể rõ cho nghe?
– Vâng, đức bồ-tát Mahosatha có đầy đủ hai mươi tám pháp ưu thắng sau đây:
Một là, dũng cảm, nhiệt thành. Thứ hai, có sự hổ thẹn tội lỗi. Thứ ba, có sự ghê sợ tội lỗi.
Thứ tư, có nhóm thiện hữu của mình. Thứ năm, có sự thương yêu của bạn bè.
Thứ sáu, đức nhẫn nhục. Thứ bảy, có giới hạnh.
Thứ tám, nói lời chân thật.
Thứ chín, có năng lực tâm lành bảo hộ. Thứ mười là, không sân hận.
Mười một, không biết khinh bỉ người khác. Mười hai, không ganh gỗ với người.
Mười ba là tinh tấn.
Mười bốn, vun bồi ba-la-mật.
Mười lăm, là người tế độ đại chúng.
Mười sáu, biết chia phần của cải cho mọi người. Mười bảy, nói lời tử tế, hòa hợp.
Mười tám, thân hành dịu dàng. Mười chín, nói lời nhỏ nhẹ, dịu ngọt.
Hai mươi, không kiêu căng, không khoe khoang.
Hai mươi mốt, không lường gạt, giả dối, không làm bộ làm tịch. Hai mươi hai, hiểu biết các định luật tiến hóa.
Hai mươi ba, thông hiểu nhiều lĩnh vực (nghề nghiệp, làm ra của cải, biết ngăn ngừa tai họa v.v…)
Hai mươi bốn, có thanh danh.
Hai mươi lăm, biết ban phúc cho người – nhất là biết săn sóc, chăm lo cho những người đang nương tựa mình.
Hai mươi sáu, là người mà đại chúng mong mỏi, tin cậy. Hai mươi bảy, có nhiều tài sản.
Hai mươi tám, nhiều chức phận cao quý trong xã hội.
Tâu đại vương! Với hai mươi tám phẩm chất cao quý ấy, bậc trí thức, hiền đức là bồ tát Mahosatha là người tuyệt hảo của một ông chồng trong gia đình; là người tuyệt hảo trong thôn lân, xã hội, quốc độ, không một người nữ nào không coi là bậc lang quân lý tưởng; lại nữa, yếu tố “thời gian” và yếu tố “chỗ kín đáo” không hội đủ, thì làm sao bà Amàradevi có thể bị dụ dỗ tà hạnh đươc, hở đại vương?
– Đúng vậy, dẫu đàn bà xấu tâm, xấu nết cũng không thể phạm tội, huống hồ bà Amàradevi là người đàn bà tốt, lại có được một người chồng như thế!
– Tâu, vâng!
Trích Kinh Mi Tiên Vấn Đáp