Sứ mệnh hộ trì Tam Bảo, mạng mạch Chánh pháp
Trong trái tim tôi, Đạo Phật thiêng liêng nhiệm màu như tinh cha huyết mẹ… Trong những thời niệm Phật cầu nguyện, tôi thường tâm sự với Phật cùng Bồ Tát, mong sao bản thân tu tập tiến bộ, có được Từ Bi – Trí Tuệ – Nghị Lực như các Ngài.
Từ bi
Vì hoàn cảnh nên khi mang thai tôi, Mẹ gần như một mình “gánh cả trái đất” để bảo vệ giọt máu của mình. Trong sự bế tắc khốn cùng đó, người mà tôi chịu ân nhất đã luôn niệm hồng danh Bồ Tát Quán Thế Âm cầu tai qua nạn khỏi. Rốt cục ân điển phước lành mẹ tròn con vuông dù trăm bề tứ phía phủ vây kiếp nạn…
Hành trình theo dấu chân Phật của chúng tôi lắm lúc “lên bờ xuống ruộng” nhưng Pháp Phật nhiệm màu, ánh sáng Từ Bi soi rọi dẫn lối cho gia đạo. Cho nên khi chính phủ thực hiện định danh điện tử, ở phần khai báo tôn giáo, tôi nhất quyết phải làm cho bằng được, danh chính ngôn thuận đề chữ “Phật giáo”.
Từ đó, xác lập rõ trách nhiệm, sứ mệnh của một Phật tử chân chánh đã quy y Tam Bảo nguyện làm lành lánh dữ giữ gìn năm giới thực hành thập thiện. Bên cạnh đó, tôi giám sát khích tấn, truyền cảm hứng sống tri túc và hạnh phúc cho những Bồ Đề quyến thuộc cùng “đi như một dòng sông” trong “ngôi nhà Pháp Tạng”.
Trí tuệ
Với một chút phước lành của tổ tông cùng sự nỗ lực, tôi có được phần nhỏ tài sản gồm bất động sản và động sản… Như Phật thuyết, của cải là rắn độc. Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến cảnh “nồi da xáo thịt” nên thấm lời dạy của Đấng Toàn Giác.
Tâm nguyện của tôi là duy trì mạng mạch Pháp Tạng chân chánh để lưu truyền đời đời như Thập Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Chỉ có như vậy, Ta Bà mới thành Tịnh Độ, thế gian này mới thoát khổ đau và “người yêu người sống để yêu nhau”.
Thành ra, trước mắt, dẫu tôi chưa chính thức lập di chúc nhưng cơ bản, những tài sản có được tôi đều phát nguyện hồi hướng gieo Phước Điền Tam Bảo để Hộ Pháp. Vì những gì tôi nhận được từ Phật Pháp quả là vô lượng vô biên, không mang danh nghĩa một cá nhân, hay một tổ chức nào mà đó là sự hoà quyện của hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả trong kinh điển, giáo lý, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo… từ vị Phật lịch sử cũng như các đệ tử chân truyền của Ngài.
Các vị không ngừng mở ra những pháp môn để đón nhận chúng sanh đủ mọi căn cơ. Và tôi đã tìm được pháp môn phù hợp với căn cơ của mình:
“47. Kính lạy thần chú Vãng sinh – thần chú huỷ diệt ác nghiệp, ác báo, trấn áp người ác, việc ác, quỉ ác, thần ác, đời này được sống một đời đáng sống, kiếp sau được sinh cõi Phật.”
(Trích Kinh Di Đà do Thượng Nhân Thích Trí Quang chuyển ngữ).
Đó cũng là nguyện đầu tiên trong 48 đại nguyện của Phật A Di Đà: “Trong nước không có áo đạo”. Như vậy, nẻo thiện cứ thế ung dung thong dong ta bước…
Và một trong những trang Kinh sám hối chạm vào trái tim tôi là:
“Đức Tỳ Lô Giá Na thân khắp cả chỗ, chỗ của Phật ở gọi là Thường Tịch Quang, cho nên phải biết cả thảy các Pháp đều là Phật Pháp, mà con không rõ lại theo dòng vô minh. Vì thế trong trí Bồ Đề mà thấy không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buộc. Nay mới tỏ ngộ, nay mới chừa bỏ ăn năn, phụng đối trước các Đức Phật và A Di Đà Thế Tôn mà phát lồ sám hối, làm cho đệ tử cùng pháp giới chúng sanh, tất cả tội nặng do ba nghiệp sáu căn gây tạo từ vô thỉ, hoặc hiện tại cùng vị lai, chính mình tự gây tạo hoặc biểu người, hay là thấy nghe người gây tạo mà vui theo, hoặc nhớ hoặc chẳng nhớ, hoặc biết hoặc chẳng biết, hoặc nghi hoặc chẳng nghi, hoặc che giấu hoặc chẳng che giấu, thảy đều được rốt ráo thanh tịnh.”
Sức mạnh ý chí
Nghị lực đến từ tình thương và thấu hiểu không biên giới, sự luyện tập theo Bát Chánh Đạo gọi là chánh tinh tấn. Cuộc đời dẫu lắm bể dâu, truân chuyên nhưng luôn có những con đường, những cánh cửa mở ra cho những người có ý chí sống trọn với lý tưởng hiền thiện và đạo đức.
Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo năm châu không đi ra ngoài Chánh Pháp và luôn là ngọn cờ hoà bình bác ái dung hoà nối kết yêu thương cùng vươn lên để chung tay xây dựng xã hội công bằng dân chủ văn minh, đất nước hùng cường, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Văn hoá Việt Nam sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu mảnh ghép Phật giáo. Và Phật giáo thế giới cũng không thể trọn vẹn nếu thiếu mảnh ghép Việt Nam, quê hương của Thiền sư nổi tiếng toàn cầu trong Thế kỷ XXI – Ngài Thích Nhất Hạnh… Cùng các đời vua Lý vua Trần,… dẫu bận trăm công nghìn việc với nước non vẫn dành thời gian “thâm nhập kinh điển, trí huệ như biển”…
Các tiền nhân với tất cả lòng quyết tâm mở đường tươi sáng cho thế hệ mai sau. Noi gương các vị, thệ hệ hôm nay và tương lai cùng nắm chặt tay nhau, ôn cố tri tân, đồng lòng chung sức xây dựng truyền thống tốt đời đẹp đạo vì nền: “Đạo Pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội”.
Và tôi cầu mong sao các Phật tử, những ai yêu mến giáo lý Phật đà, đều nhận rõ sứ mệnh hộ trì Tam Bảo Chánh Pháp, duy trì mạng mạch Phật giáo chân chánh, giáo dưỡng đạo đức làm Người.
Nam mô A Di Đà Phật.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Trần Lê Hiếu Hạnh; địa chỉ: Tổ 2, khu phố 6, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Diệu Tâm