Sống vị tha là nhân, hạnh phúc là quả

Đừng bao giờ nghĩ rằng bước vào con đường tu hành là chúng ta đi tìm sự nhàn nhã, thảnh thơi. Hạnh phúc chỉ đến khi chúng ta đem lại được niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, làm được điều lợi cho người khác. Hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ.

Sự tha thứ giải thoát ta khỏi quyền lực của sợ hãi, giúp ta nhìn mọi việc với trí tuệ, với lòng từ.

Sự tha thứ giải thoát ta khỏi quyền lực của sợ hãi, giúp ta nhìn mọi việc với trí tuệ, với lòng từ.

Trong cuộc sống, nhiều công việc cần thiết cho các nhu cầu căn bản của chúng ta luôn luôn xuất hiện như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Chỉ riêng bản thân mỗi người đã có rất nhiều công việc đòi hỏi phải làm. Khi nhiều người sống chung với nhau, nhu cầu lại phát sinh thêm và trở thành nhu cầu chung. Ví dụ, khi nấu ăn, chúng ta không phải chỉ nấu cho mình; khi dọn dẹp nhà cửa, chúng ta cũng ý thức đó không phải là nhà của riêng mình mà là ngôi nhà chung. Nghĩa là những công việc liên quan đến nhu cầu của chúng ta tự nó bày ra, tự nó xuất hiện rất nhiều, và khi sống chung với mọi người, nhu cầu của mình cũng là nhu cầu chung của mọi người. Nếu không làm là chúng ta đã dành công việc đó cho người khác.

Như vậy, có thể khẳng định người làm biếng là người không có đạo đức. Thậm chí có người còn cho rằng: “người làm biếng là người ác”. Nói như vậy cũng hơi quá,nhưng không phải là không đúng. Khi đã sống chung trong một môi trường có nhiều nhu cầu phải làm chung với nhau, nếu lười biếng bỏ mặc công việc cũng có nghĩa là chúng ta bắt người khác phải làm. Điều này cũng đồng nghĩa với sự ích kỷ. Người có đạo đức không bao giờ chấp nhận lối sống đó. Họ sẽ hăng hái, sốt sắng làm thay cho người khác. Đó là lối sống vị tha, sống vì người khác.

Khi đạo đức tăng trưởng, nhiều công việc khác sẽ phát sinh để chúng ta giúp đỡ mọi người. Những công việc đó hoàn toàn không liên quan gì đến chúng ta. Ví dụ, ra ngoài, thấy con đường hư hỏng, chúng ta rủ mọi người cùng nhau sửa lại mặc dù mình chẳng đi lại trên con đường đó. Hoặc thấy nhà hàng xóm bị dột nhưng neo người không ai sửa, chúng ta đi xin ván, xin lá lợp lại cho họ… Sống trên đời là vậy, chúng ta phải biết chịu đựng cực khổ. Đừng bao giờ nghĩ rằng bước vào con đường tu hành là chúng ta đi tìm sự nhàn nhã, thảnh thơi. Hạnh phúc chỉ đến khi chúng ta đem lại được niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác, làm được điều lợi cho người khác. Hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ.

Trích bài “Tận tụy”, bộ sách “Tâm lý đạo đức” 

Thượng tọa Thích Chân Quang