Sống “trung đạo” là như thế nào?

Tại sao con người không dẹp bỏ cái ngã đễ chung tay xây dựng một xã hội tràn ngập lòng nhân hậu? Xin Thầy chỉ dạy giúp con làm sao sống trọn vẹn với chính mình, không còn sự xung đột giữa những mục tiêu trong nội tâm và mục tiêu bên ngoài.

 

Hỏi: 

Kính thưa Thầy, nhờ duyên lành mà con đã được gặp Thầy để nghe những lời chỉ dạy hết sức quý giá giúp khai thị cho con thấy ra được cái tham, sân, si vi tế trong tâm của mình. Nhưng từ khi thấy ra vô thường, khổ, vô ngã. Tâm con có nhiều xung đột (con biết điều này là điều tất yếu phải đến, trong quá trình gột rửa làm sáng tỏ thực tánh chân thực trong mỗi người) giữa những mục tiêu đời thường bên ngoài và nỗi niềm hướng thiện bên trong.

Từ khi biết đến chánh pháp, con đã buông bỏ việc chạy theo những mục tiêu bên ngoài (như danh vọng và lợi lộc), nhưng giờ đây khi làm công việc gì con suy xét tường tận thì công việc vẫn buộc con phải vì tư lợi (lợi ích của công ty con làm).

Con vẫn còn trẻ và vẫn muốn đóng góp sức mình làm việc lợi lạc cho xã hội, nhưng những công việc xung quanh con đều được đặt để mục tiêu và vì vụ lợi. Con thường nghĩ, phải chi có một xã hội mà ở đó con người làm việc theo năng lực và hưởng theo nhu cầu chính đáng. Mọi người đều làm việc với lòng nhiệt thành và vì muốn được đóng góp cho xã hội. Khi đó con người không phải phát sinh thêm những người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Ở đó sẽ không còn phân biệt giàu nghèo vì không còn ai muốn giữ tài sản cho riêng mình. Ở đó cũng sẽ không có người đói khổ và tất cả người bệnh đều được điều trị tận tình như nhau.

Tại sao con người không dẹp bỏ cái ngã đễ chung tay xây dựng một xã hội tràn ngập lòng nhân hậu? Xin Thầy chỉ dạy giúp con đễ làm sao sống trọn vẹn với chính mình, không còn sự xung đột giữa những mục tiêu trong nội tâm và mục tiêu bên ngoài.

Phật dạy: Luôn lấy trung đạo làm chính mới thành tựu

436209078_1059404799137892_650268284458889816_n

Đáp: 

Thực ra khi con thấu triệt và chuyển hóa được những xung đột bên trong thì những xung đột do mục tiêu bên ngoài đem lại không còn là vấn đề nữa.

Đời sống xã hội luôn có hai mặt như thăng – trầm, được – mất, hơn – thua, vui khổ… Mục tiêu của sự biểu hiện sinh khắc của hai mặt âm – dương giữa cuộc đời này chính là để cho con người có cái nhìn toàn diện (bất nhị) hầu giác ngộ ra bản chất của mình và cuộc sống, chứ không phải chọn mặt này bỏ mặt kia để rơi vào cái nhìn phiến diện, cục bộ và một chiều (nhị nguyên).

Hạnh phúc không đạt được khi loại bỏ một mặt để giữ lấy mặt kia hoặc loại bỏ cả hai, mà là vượt lên cả hai mặt ấy. “Vượt lên” cũng đồng nghĩa với ở giữa (trung) hai mặt mà vẫn sống ung dung tự tại không lấy bỏ, không chấp trước, không bị ràng buộc trong đối đãi nhị biên.

Xã hội là tập hợp bởi những cá nhân vì vậy chỉ khi mọi cá nhân đều giác ngộ thì xã hội mới có thể an bình thực sự. Nhưng đó chỉ là một giả thuyết, do đó ý tưởng xã hội lý tưởng của con hầu như chỉ có trong những chuyện “Liêu Trai” chứ chưa bao giờ hiện thực.

Khi con khởi lên một ý tưởng thì đã hình thành nhị nguyên rồi (Nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân), mà nhị nguyên tất mời gọi sự đối nghịch, nghĩa là tất yếu phải có ít nhất là một ý tướng đối kháng lại. Ví dụ như một người sẽ nói rằng: “Liệu một xã hội thuận chiều như vậy thì sẽ chỉ có sinh không có khắc, làm sao có sự tiến hóa được”. Thế là cuộc đời lại nảy sinh ra hai phía đối địch! Và rồi mọi việc vẫn y như cũ.

Đức Phật nói: “Tâm bình thế giới bình”. Nếu con chưa thực sự thấy thế giới đang an bình như nó đang là, thì hiện thực của cuộc sống đang giúp con học ra sự an bình trong thái độ sống của chính con đó…