Sống theo pháp

Đức Phật Gotama giác ngộ trong hình ảnh một con người thiền định [1].

Tôn dung Đức Phật

Tôn dung Đức Phật

Những ngày tháng cuối đời, Ngài thường chia sẻ với Ananda là Ngài chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Chết là không tránh được. Mọi người cần phải quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân, không nương tựa một ai khác ngoài nương tựa chính mình. Thực tập trên thân quán thân, trên thọ quán thọ, trên tâm quán tâm và trên pháp quán pháp, nhiệt tâm, tinh cần, chánh niệm tỉnh giác và không chấp trước bất cứ gì trên đời, chính là nương tựa hải đảo tự thân, nương tựa chánh pháp.[2]

Đức Phật cũng nhiều lần trả lời cho những học trò thế nào là một người sống theo (chánh) pháp. Ngài khẳng định những ai không độc cư thiền định, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ và không hướng đến mục đích tối thượng với trí tuệ, mà chỉ lo học thuộc, suy tầm, trình bày, giảng nói, người ấy không phải là người sống theo (chánh) pháp.[3]

Một người học trò của Đức Phật Gotama, dù tại gia hay xuất gia, nếu nói sống theo chánh pháp của Phật một cách chân chính, người ấy phải nói đến độc cư thiền định, nỗ lực chuyên chú tâm an chỉ và hướng đến mục đích giác ngộ, giải thoát với chánh trí tuệ. Ai dừng lại ở suy tầm, học thuộc, trình bày và giảng nói, người ấy vẫn chưa phải là người sống theo pháp. Người ấy vẫn khổ với đầy đủ các khổ trong dục và tham. Bởi lẽ, người ấy không có định để ly dục ly bất thiện, không có nội tâm an chỉ để hỷ, lạc và nhất tâm, cũng như không có trí tuệ (thực chứng) để đoạn tận khát ái và vô minh.

Kiếp sống này, với một chút duyên xưa, chúng ta có thể tạm có an yên khi ác nghiệp chưa chín. Một khi ác nghiệp chín, nhất là ngày về cuối kiếp, khổ đau, thối đoạ là không thể tránh khỏi. Đức Phật cho biết chúng ta sẽ hối tiếc một ngày khi đứng bên bờ cái chết và đoạ xứ, nếu chúng ta không có nhiệt tâm và tinh cần thiền định, an chỉ nội tâm và hướng đến tuệ giải thoát.[4] Chính bản thân Đức Phật còn tự mình an trú vắng lặng và ẩn cư núi rừng. [5] Chúng ta đang làm gì và ở đâu?

Sống theo pháp, độc cư thiền định, an chỉ nội tâm và hướng tâm đến giải thoát với chánh trí, nếu chúng ta còn biết thương mình và muốn hiến tặng thiện đẹp cho đa số. Được làm người là rất khó. Làm người với đầy đủ sức khoẻ, niềm tin và nhận thức lại càng rất khó. Chúng ta không thể u mê trong các dục và đoạ lạc trong ngã si. Nước mắt khổ đau của chúng sinh trong luân hồi, qua minh trí của Đức Phật, là nhiều hơn bốn biển.

Tự nghiệm, chúng ta cũng không còn xa lạ với những cô đơn, khổ đau, tự chán liên tục đến đi trong bị động của chính mình. Ngày mai là ngày không bao giờ đến để chúng ta có thể chờ đợi. Sống mỗi ngày thêm ngắn, chết mỗi ngày gần nhau. Chúng ta thật sự cần nghiêm túc cho những thiện đẹp mà chúng ta chọn. Không để khát nước mới đào giếng. Không để hối tiếc như Ananda đã từng hối tiếc khi Đức Phật, con mắt chánh pháp, không còn nữa trên thế gian.[6]

Nhuận Đạt

————–

[1] Đại Kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh

[2]  Kinh Đaị Bát Niết-bàn, Trường Bộ Kinh

[3] Tăng Chi Bộ, 446, 448

[4] Tăng Chi Bộ, 446, 448

[5] Tiểu Bộ I, Kinh Phật Thuyết Như Vậy (It.31)

[6] “Ta là kẻ làm phận sự chưa kết quả. Ðức Thế Tôn là thầy tế độ ta, và Ngài sắp nhập Niết Bàn. Ta biết nương tựa ai” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh)