Sống không thật, gần Phật vô ích
Sở dĩ phần lớn người ta mệt mỏi và áp lực là họ chưa bao giờ sống thật với sự sống, cứ chạy theo ý muốn và tư duy rồi lấy cái này khỏa lấp cái kia bằng những cách ứng xử của bản ngã mà bỏ quên những thứ vốn đang hiện hữu ngay trong mình.
Điều gọi là vòng luẩn quẩn xảy ra cho con người là vì chúng ta không biết cách “sống thật” với chính mình, nên cũng chẳng bao giờ thật được với người, với cảnh, với sự sống. Chỉ luôn sống với ý đồ tham muốn, vì vậy mới hay bất toại nguyện và khổ đau.
Nếu ai từng thực hành thiền Minh Sát Tuệ sẽ biết “sống thật” là sống như thế nào.
Mỗi cảm thọ vui, buồn, thương, ghét… mỗi tư duy thiện, bất thiện, tham, sân, si, hoan hỷ, nghi ngờ… mà không thành thật để đối diện, nhìn rõ mặt mũi, hình thù và tiến trình đến đi của chúng thì đừng nói rằng những lời ngon ngọt, lịch sự, những sự đối đãi ngoài kia là thật. Thậm chí khi tâm đang mệt mỏi, sân si mà cố tỏ ra vui vẻ, tử tế với người cũng là một dạng hiền trong giả dối.
Cho nên, yếu tố cần thiết và tối thiểu cho một người tìm về Chân lý là phải biết “thành thật”. Vì Chân lý là sự thật, mà không chịu nhìn vào sự thật, sống với sự thật thì làm sao có thể gặp được Chân lý.
Nhiều năm tiếp xúc và chia sẻ pháp với người phương Tây, mới hiểu vì sao họ dễ dàng giác ngộ Chân lý hơn người Á Đông, bởi họ rất thật. Thật trong từng cảm xúc, tư duy, thái độ, hành vi…
Ngày nào họ mệt, họ nói là mệt, ngày nào mình nghiêm khắc hay làm gì đó họ không vui thì họ liền bày tỏ về điều đó, điều gì thích thì họ bảo là thích, không thì bảo là không, ngày nào họ lười biếng hay buồn chán thì họ bảo là chán… nhờ đó họ được hướng dẫn cách ứng xử với chúng, đối diện với những điều tiêu cực xảy ra trong tâm một cách chân thành nhất. Từ đó học cách nhận diện ra bản chất thật của chúng dễ dàng hơn.
Không như người Á Đông, đặc biệt là thiền sinh Việt Nam và Trung Quốc, hay thể hiện ra bên ngoài là sự thông minh, tử tế, tốt lành… nhưng che giấu đằng sau những tư duy và cảm xúc đôi khi ngược lại. Điều này có thể do tư tưởng và văn hóa tạo nên, nên dù rất thông minh và hiểu biết nhiều nhưng lại chướng ngại cho sự thể nhập Chân Lý.
Thực ra, một người học đạo, tuy có thông minh đến mấy, khéo léo đến mấy cũng không thể qua mắt một người thầy đã có trí tuệ giác ngộ. Nhưng phần nhiều, người ta nghĩ đó là thông minh, khéo léo ứng xử để nhằm che đi những suy nghĩ không tiện nói ra trong lòng, mà họ không biết rằng, tâm mỗi người có một năng lượng rất nhạy bén và nó mách bảo tất cả qua ánh mắt, ngôn ngữ, hành vi… Và cũng vì sự che giấu ấy mà họ không có cơ hội để được chỉ bảo để thấy ra sự thật và tiếp nhận sự thật.
Người sống thật và thật sống là biết quan sát mình và đời sống một cách nghiêm túc nhất trong sự tỉnh giác, tiếp xúc và ghi nhận khách quan từng cử chỉ, hành vi với tâm tư tình cảm đang hiện hữu để thấy biết chính mình trước, sau đó tự khắc biết điều gì là tốt, điều gì là xấu, từ đó mới có thể sống đúng, sống tốt bằng sự nhẹ nhàng của tâm và sự sáng suốt của trí tuệ.
Còn không, nếu dùng bản ngã và tư duy mà ứng xử thì có học bao nhiêu điều hay từ lý thuyết cũng vô ích, vì sẽ không thấy được sự thật (Chân lý) mà chỉ là sự biểu hiện ý đồ của tư duy và tham ái của bản ngã một cách vi tế hơn mà thôi…
Sư Cô Trúc Lan Nhã