Sống chờ nghiệp gọi!

Biết bao người vẫn đang ngủ mê gọi hoài không chịu tỉnh, bởi lấy nghiệp làm nơi gối đầu. Nên chỉ khi tiếng gọi của nghiệp vang lên, may ra mới bàng hoàng thức tỉnh. Khi ấy khổ đau cũng đã nhấn chìm.

“Niềm vui từ việc hưởng thụ tham dục trong thế gian như nếm giọt mật trên lưỡi dao sắc lịm vậy, vị ngọt trong chốc lát nhưng nguy hiểm lâu dài.”

Nhiều người, thường ngày chỉ dành thời gian và tâm trí cho ngũ dục, nào là tình, tiền, con cái, vợ chồng…rảnh được giờ nào thì bày ra ăn nhậu, cà phê quán xá, chăm chút sắc đẹp bên ngoài, ngồi lê đôi mách chuyện đông chuyện tây, tạo biết bao nghiệp từ thân, khẩu, ý…thay vì dành thời gian đó cho việc quán chiếu lại mình, học thêm điều hay, tập làm điều thiện để có được an lạc lâu dài.

Tu để chuyển nghiệp và dừng nghiệp xấu ác

01

Hưởng vui tham dục đến khi hết phước, nghiệp cũ đến đòi, hoảng hốt tìm sư này thầy kia nhờ cầu nguyện giúp cho tai qua nạn khỏi. Lại có người, lúc vui với thế tục ở đâu không thấy, lúc tai hoạ ập xuống thì tìm đến nhà tu kể lễ than van khổ sở trăm điều, bế tắc phiền não không biết đường hoá giải. Nhưng khuyên nên buông bớt để tham gia các khoá tu tập, gần gũi thầy bạn có trí tuệ sáng hơn để giúp mình thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, biết thay đổi thân tâm mới thay đổi được cuộc đời. Thì cứ biện minh nào là vì công việc, vì gia đình, gia duyên ràng buộc, chưa có thời gian, cứ hẹn một ngày nào đó ở tương lai…và lại xoay về trong vòng xoay cũ.

Quả là…sợ gia duyên ràng buộc hơn là sợ nghiệp và vô minh nhấn chìm.

Những bất hạnh và cái chết nó xảy đến không cho ai lời hẹn khất bao giờ. Ấy vậy mà, sống gần hết cả đời vẫn chưa thức tỉnh, vẫn hẹn ở tương lai một chiếc vé trở về từ miền hoang dại để kiếm bình yên…rồi cứ hỏi làm sao để đời mình hết khổ!

Có một thực tế là ở giữa chợ hoa chưa hẳn người ta sẽ được thơm hơn, nhưng ở giữa chợ cá thì sẽ bị nhiễm mùi tanh hôi. Vì vậy, không phải ai ở giữa đời cũng có thể tự mình giác ngộ, tự mình thức tỉnh mà thay đổi nghiệp đời.

Vì không có tâm tìm cầu thoát khổ, sợ xa môi trường và tập khí mình đã từng quen, nên nghĩ về tu cũng là điều bất khả. Một khi không chịu thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và thái độ, hành vi… thì làm sao có cơ hội để đến được bầu trời tự do và giải thoát

Chùa hay nhà thờ thì ai cũng có thể tìm đến lúc buồn, lúc vui. Nhưng với Đạo giải thoát thì chỉ dành cho ai có đủ thiện căn, thiện trí. Vì vậy, mới cần có một vị thầy chỉ đường, cần môi trường thích hợp để phát triển thiện căn. Một khi không chịu thay đổi mình thì cũng không biết đâu cách thay đổi nghiệp.

Biết bao người vẫn đang ngủ mê gọi hoài không chịu tỉnh, bởi lấy nghiệp làm nơi gối đầu. Nên chỉ khi tiếng gọi của nghiệp vang lên, may ra mới bàng hoàng thức tỉnh. Khi ấy khổ đau cũng đã nhấn chìm.

Sư cô Trúc Lan Nhã