Sống chậm giữa cuộc sống hiện đại
Có ai đó đã nói: “Cuộc sống quá ngắn ngủi nên hãy hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh”. Đấy, cái gì đáng nhanh thì nhanh, cái gì đáng chậm thì chậm.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta dường như bị quá nhiều công việc đẩy đi suốt cả ngày, vội vàng từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Và đôi khi, chúng ta cảm thấy bận rộn hơn nhiều so với danh sách việc cần làm vì phải gấp rút, suy nghĩ liên tục về những điều chưa đến và tâm của chúng ta chưa bao giờ được bình an.
Vội vàng khiến bạn cảm thấy áp lực về thời gian. Bạn cảm thấy bị bóp nghẹt, bận bịu, và bị thời gian quấy nhiễu. Chậm lại khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn.
Và rồi giữa guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống, của công việc, người ta bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt… thì khái niệm sống chậm không còn là điều gì đó quá mới mẻ. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ. Sống chậm! Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp chảy của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua…
Cuộc sống là muôn mảnh ghép. Chúng ta cảm nhận được bao nhiêu chất ấy trong cuộc sống này? Hạnh phúc nhất là được sống, dù ở thời điểm nào. Cần lắm một góc sống chậm để được sống đầy đủ hơn với cuộc sống, để đừng bao giờ sống thiếu khi đã được sống!
…Có một nhà văn đã viết thế này: “…Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lánh bên tôi…”. Sống chậm – đó là những lúc họ ngồi trong những quán cà phê, trầm ngâm suy nghĩ về cuộc sống, tự hài lòng với những gì mình đang có, và cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Còn sống chậm theo kiểu sống mòn thì không nên chút nào.
Tuệ Tâm