Số người chết vì động đất vượt 7.700, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp
CNN dẫn lời Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hôm 7/2 cho hay, số người thiệt mạng vì động đất ở nước này hiện là gần 5.900 người. Cộng với các số liệu chính thức từ Syria, kể cả ở những khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập, tổng số nạn nhân thiệt mạng ở cả hai nước vì trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 6/2 và hàng chục dư chấn vài tiếng sau đó đã lên tới hơn 7.730 người.
“Theo tôi được biết, ít nhất 16.139 đội cứu hộ đang tham gia công tác tìm kiếm và cứu nạn, trong khi các đội cứu nạn quốc tế sẽ được bổ sung thêm”, ông Oktay nói.
Dự kiến, số liệu thương vong sẽ tiếp tục tăng lên do nhiều dân thường vẫn còn mắc kẹt dưới các đống đổ nát, trong khi các nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì quy mô của thảm họa và điều kiện thời tiết bất lợi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng ngày đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp đối với 10 tỉnh ở miền nam chịu ảnh hưởng bởi trận động đất hôm 6/2.
“Dựa trên thẩm quyền được trao cho chúng tôi theo Điều 119 của Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp. Chúng tôi sẽ gấp rút hoàn tất các quy trình liên quan tới quyết định này. Phạm vi áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp là 10 tỉnh thuộc miền nam chịu ảnh hưởng bởi trận động đất xảy ra sáng 6/2, thời gian áp dụng sẽ kéo dài ba tháng và có thể gia hạn thêm nếu cần thiết”, hãng thông tấn Anadolu dẫn lời ông Erdogan nói hôm 7/2.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một trong những thảm họa lớn nhất, không chỉ trong lịch sử, mà còn cả với địa lý Thổ Nhĩ Kỳ lẫn thế giới. Điều an ủi lớn nhất là đã có hơn 8.000 người dân được giải cứu khỏi các đống đổ nát”, ông nói thêm.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này sẽ dành khoảng 100 tỷ lira (5,3 tỷ USD) cho công tác hỗ trợ khẩn cấp.
Ở một diễn biến khác, bác sĩ Bachir Tajaldin làm việc trong Hiệp hội y tế người Mỹ gốc Syria (SAMS) nhận định rằng, ảnh hưởng của trận động đất hôm 6/2 đối với Syria “thảm họa hơn nhiều so với những gì xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo ông Tajaldin, nền kinh tế của các khu vực thuộc miền bắc Syria trong hơn 10 năm qua luôn trong tình trạng yếu kém “khiến việc đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại vô cùng khó khăn. Trong khi tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ được điều phối bởi chính phủ, thì các dịch vụ dân sự tại miền bắc Syria lại được cung cấp bởi các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ”.
Nhà báo