Sen quê màu hạ
Vào nửa đầu tháng sáu, đầm sen ở quê bắt đầu vào mùa, nở những bông to như chiếc bát cỡ lớn, một màu hồng thắm bao phủ cả một khoảng trời trên nền lá xanh biếc.
Màu hạ cũng vì thế mà rực rỡ hơn nhường nào. Đầm sen là niềm tự hào của dân xóm Chùa, gọi thế là bởi đầm sen gần ngôi chùa làng. Mỗi độ mùa sen nở, hương thơm tỏa khắp một vùng. Đất thơm bởi sen nồng đượm và lòng người thuần phác. Điều đó không chỉ là nỗi niềm của người lớn xóm Chùa mà còn là của lũ con nít chúng tôi. Đầm sen là tài sản chung của cả xóm, mọi người cùng chăm sóc, gìn giữ và cùng hưởng thụ. Mọi chuyện xảy ra nhẹ nhàng và thuần phác đúng như câu nói “tình làng nghĩa xóm”, chẳng ai tranh giành hay xích mích nhỏ nhặt vì một nụ sen hay khoảng không gian vui chơi bên đầm. Chiều chiều, dòng người kéo ra đầm sen đông nghịt, trẻ con lẫn người lớn náo nức rạo rực. Người ra đầm hưởng thụ hương sen thanh mát, người mưu sinh, người lại chỉ vì một ngọn gió hè cuối chiều nhỏ nhoi. Cái ngột ngạt nắng hạ giảm đi trông thấy khi mùa sen bắt đầu nở rộ, lòng người cũng thêm khoan khoái, an yên.
Người tao nhã, lãng mạn hái dăm ba bông về cắm trong phòng chơi cho đẹp. Người sành ăn uống thì hái bông sen về lấy nhụy làm trà, rồi tâm sen, ngó sen cũng được trở thành món ăn yêu thích trong mâm cơm hàng ngày. Tâm sen được ví như thần dược thiên nhiên chữa trị an thần giúp giấc ngủ an lành và sâu hơn. Còn ngó sen làm nộm hay xào cũng đều rất ngon. Trong ngó sen có nhiều thành phần làm tốt hệ tiêu hóa, hỗ trợ gan và làm đẹp da. Lại nhớ có một thời ngày nào tôi cũng cùng mẹ ngụp lặn trong đầm để bứt ngó sen. Một phần lấy làm bữa ăn cho gia đình, phần còn lại mẹ mang ra chợ kiếm đồng ra đồng vào. Quần áo mới, dép guốc, sách vở, phí sinh hoạt hàng ngày, tiền bán ngó sen góp một phần không nhỏ. Hồi đó cực lắm nhưng mà lại thấy vui, vui vì bản thân thấy mình có ích, giúp đỡ bố mẹ phần nào.
Nhiều lá sen to như cái sàng, cái nia. Trẻ con nghịch ngợm hái những chiếc lá ấy giả làm lọng che vua chơi trò binh lính vua chúa như hồi xưa. Che lá sen mưa nắng cũng không sợ đến đầu. Chơi chán lại dong thuyền ra giữa đầm sen dạo quanh mấy vòng rồi về. Đó là thời trẻ con ngày xưa thế mà lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Còn bây giờ chẳng thấy đứa nào chơi trò như vậy nữa. Trẻ con bây giờ cứ chúi mặt vào các trò điện tử, mắt đứa nào đứa nấy đeo chiếc kính dày cộp, thấy vừa thương lại vừa tiếc. Và nỗi nhớ ấy cứ man mác buồn trong lòng khi mỗi độ về quê tản bộ ra đầm sen ven làng. Ôi, thương nhớ bạn bè, thương nhớ đồng quê xiết bao.
Hồi trước, khi bà tôi còn sống, bà hay làm trà sen để uống. Trà sen dành uống quanh năm, là thức uống giải nhiệt rất tốt. Rồi khi tôi rời quê lên phố, mỗi lần về quê bà lại dúi vào ba-lô lọ trà sen dặn tôi uống dần. Mấy đứa bạn ở phố tới chơi thích thú vô cùng. Câu chuyện cũng thêm rôm rả khi có chén trà sen bên cạnh, lúc đó cả một bầu trời hương đồng gió nội tràn về, lòng bỗng khấp khởi hạnh phúc nhớ quê. Trà sen là thức uống không dành cho người bận rộn. Uống trà sen phải thật thảnh thơi cõi lòng mới có thể cảm nhận được hết vị ngọt, vị thơm thanh khiết ẩn sâu ở tận tâm can, cõi lòng.
Sen bây giờ hay bất cứ sản vật gì vốn ở quê đều có mặt nơi phố thị, một bước ra ngõ là có thể mua được, chỉ cần có tiền. Kể ra sự tiện ích này cũng đã cứu rỗi được không biết bao nhiêu tâm hồn của những kẻ xa nhà nhớ quê. Mỗi mùa sen về tôi thường mua một bó cắm ở trong phòng. Không hề nói quá, kỳ thực vào những ngày hạ nóng nực nằm ngủ hay làm việc trong căn phòng có một đóa sen cảm thấy lòng bình yên lạ kỳ, công việc chính vì thế cũng thấy suôn sẻ hơn.
Ngoài ý nghĩa thực dụng của hạt sen, ngó sen, hương sen đều được sử dụng hữu ích trong đời sống, nhưng ít người biết đến hình tượng của loài sen, đó là nét biểu trưng thiêng liêng của Phật giáo trong các chùa chiền. Bởi hoa sen là hình tượng được kết tòa nơi các tượng thờ Phật-Bồ-tát. Nói về những đặc điểm và đặc biệt của loài sen bà tôi bảo: “Đây là loài hoa duy nhất có (nhân và quả đồng thời) nghĩa là hoa sen, gương sen có đồng một lúc, không giống như những loài hoa khác khi nở, cánh hoa tàn rồi mới có tượng nụ thành trái. Gương sen đã có sẵn trong hoa, vì cánh hoa chưa rụng nên gương chưa lộ ra. Nếu cánh hoa rụng hết thì gương sen lộ ra đầy đặn”.
Một đặc biệt khác mà ta thấy ở loài hoa này: hoa sen có những bông vượt lên khỏi mặt nước hé nụ, trổ hoa, bày gương hạt; lại có những hoa còn đang ở trong nước và cũng có những hoa vừa nhú lên khỏi bùn. Nhưng tất cả những hoa ấy, trước sau đều nở sắc hương thanh khiết.
Tuy hoa sen mọc trong bùn lầy nhơ nhớp mà không bị hôi tanh, hoa vẫn đẹp, hương vẫn thanh khiết nhẹ nhàng. Hoa sen được người ưa quý, không chỉ ở sắc đẹp, mùi thơm như những hoa khác, mà quý ở chỗ: hoa mọc từ nơi bùn nhơ nhưng vẫn giữ được sắc hương thanh tịnh. Một loài hoa “không bị ong bướm bu đậu”. Chính vì những đặc điểm của loài sen, mà kinh Diệu Pháp Liên Hoa lấy hình tượng hoa sen để đặt tên sách và với đặc tính của loài hoa này dù sống trong bùn nhơ nhưng hương vẫn thanh khiết được ví cho phẩm hạnh con người, đó là Tri kiến Phật!
Với những ký ức ngàn xưa chẳng thể, hương sen mầu hạ quê nhà nay dẫu đổi thay, nhưng trong ý thức vẫn là cả bầu trời nhớ thương, dẫu bạn có đi xa một năm, hai năm, hay bao nhiêu năm đi nữa cũng không bao giờ quên được những đặc trưng và hương vị thuần khiết của sen. Cái mùi hương dịu nhẹ ấy đã thấm đẫm vào tàng thức vốn có từ bao đời, chỉ cần một mùi hương thoáng nhớ đã thấy cả quê nhà da diết.
Nguyễn Đức Sinh