Sau Quảng Ninh, Bộ Tài chính đề xuất tổng kiểm tra về “quản lý tiền công đức” toàn quốc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu di tích danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh (tháng 4-2022) – Ảnh: TTXVN
Như báo chí đã thông tin, Quảng Ninh là địa phương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo thực hiện thí điểm kiểm tra về quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa, yêu cầu báo cáo trong quý II-2023.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình, chùa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Văn bản này cũng đề xuất việc kiểm tra tổng thể trên phạm vi toàn quốc.
Di tích có số thu cao nhất là đền Cửa Ông – Cặp Tiên
Báo cáo cho biết đoàn kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ; nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ, trong thời kỳ từ năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 (không áp dụng đối với năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19, các di tích phải đóng cửa).
Đền Cửa Ông là nơi có số thu tiền công đức lớn nhất trong đợt kiểm tra thí điểm về việc quản lý tiền công đức ở tỉnh Quảng Ninh 4 tháng đầu năm 2023 – Ảnh: TTXVN |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tổng số thu việc quản lý tiền công đức ở các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 70,8 tỷ đồng trong năm 2022 (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng); trong khi đó, tổng số chi là 54,4 tỷ đồng.
Riêng 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022; tổng số chi là 29,4 tỷ đồng.
Di tích có số thu cao nhất trong 4 tháng đầu năm ở tỉnh Quảng Ninh là đền Cửa Ông – Cặp Tiên (19,8 tỷ đồng), kế đến là Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử (7,2 tỷ đồng, riêng tại chùa Đồng là 4,3 tỷ đồng); thứ ba là đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ, Móng Cái (5,3 tỷ đồng).
Trong liệt kê các di tích có khoản thu tiền công đức trên 1 tỷ đồng trong khoản thời gian trên có nhiều di tích khác, trong đó có chùa Hưng Học (ở Nam Hòa, Quảng Yên).
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn hơn 50 di tích không có số liệu báo cáo (trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt).
“Không có số liệu báo cáo” không có nghĩa là “không báo cáo”; nhiều báo biến (hơn) 50 di tích đền, đình, cơ sở khác thành… chùa
Ngay sau khi thông báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả tổng kiểm tra tiền công đức thí điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được phổ biến, báo chí đã khai khác nguồn tin này với nhiều cách cập nhật khác nhau, trong đó nhiều tin cho rằng “Chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức”.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện chùa Ba Vàng đã có thông tin phản ứng, khẳng định: “không hề có một đoàn kiểm tra nào đến chùa Ba Vàng trực tiếp kiểm tra việc thu chi tiền công đức; đồng thời cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu chi tiền công đức”.
Thông cáo của chùa đề nghị Bộ Tài chính kịp thời giải thích sự việc trước công luận; Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời xem xét việc đưa tin sai sự thật của báo chí.
Điều nguy hại hơn, nhiều báo đã có cách đặt tiêu đề được cho là ác ý, gán ghép hơn “50 di tích không có số liệu báo cáo” về việc quản lý tiền công đức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là… chùa; trong khi đó, sự thật không phải như vậy, mà các di tích đã được nhà nước xếp hạng các cấp bao gồm cả các đình, cơ sở tín ngưỡng, văn hóa và lịch sử khác.
Sẽ kiểm tra trên phạm vi cả nước trong hai năm 2022 và 2023
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng tại các di tích trên.
Bộ Tài chính cho rằng, đến nay việc đánh giá mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương.
Bộ này cũng nhận định việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, nhằm đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này. Thời gian kiểm tra trong hai năm 2022-2023, Bộ cũng yêu cầu các tỉnh cần gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong quý I-2024.
Đối tượng kiểm tra mở rộng trên phạm vi toàn quốc sắp tới là các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
“Tôi cũng xin nhắc lại khẳng định của Bộ Tài chính, rằng “không có nội dung nào quy định về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo”, do đó, nếu có các vấn đề phát sinh, khó khăn, tôi đề nghị chư Tăng Ni, các vị đứng đầu các cấp Giáo hội phản ánh về Hội đồng Trị sự để Giáo hội có sự can thiệp, hướng dẫn kịp thời, tránh những điều đáng tiếc không đáng có xảy ra”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN