Sao gọi là mặc áo Như Lai?
Áo Như Lai là gì? Phật dạy áo Như Lai là lòng nhu hòa nhẫn nhục. Chữ nhẫn nhục này có nhiều người hiểu theo nghĩa tiêu cực, cho rằng nhẫn là nhục. Vì nhẫn nên chịu thua, vì thua nên nhục. Nghĩ như vậy là sai lầm.
Chữ nhẫn trong đạo Phật nghĩa là có sức chịu đựng, có sức an nhẫn.
An nhẫn những điều trái tai, gai mắt, chúng ta không tức giận, không bực bội.
An nhẫn được những sự đòi hỏi, những nhu cầu thèm khát của thân, chúng ta đều an nhẫn được.
An nhẫn được hoàn cảnh khó khăn, thời tiết nóng lạnh bất thường.
Nên chữ nhẫn nhục trong nhà Phật nói lên một sức chịu đựng mạnh mẽ phi thường.
Như có người chọc giận mình, làm trái ý mình thì chúng ta mạnh mẽ làm chủ, đừng để cơn sân dấy lên, hiện ra ở miệng, ở tay.
Do đó phải có sức chịu đựng cứng cỏi, gan dạ, không thể yếu đuối được.
Kinh Pháp Cú có câu:
“Thắng một vạn quân không bằng thắng mình.
Thắng mình mới là chiến công oanh liệt”.
Cơn tức giận dấy lên mà chúng ta thắng được tức là công phu tu hành mạnh mẽ, sức chịu đựng cứng cỏi chớ không phải tầm thường. Như vậy sao gọi là nhục nhã được!
Thắng được mình còn hơn một ông tướng thắng cả một vạn quân.
Người nhẫn nhục thắng được mình thì đâu phải yếu đuối.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều điều bất như ý. Nếu chúng ta không có sức chịu đựng, không có sức kham nhẫn thì chúng ta sẽ đau khổ liên miên.
Ngược lại chúng ta đủ sức kham nhẫn chịu đựng thì chúng ta sẽ được an vui tự tại.
Vì vậy Phật dạy người tu phải tập đức nhẫn nhục. Đức nhẫn nhục đã được đầy đủ gọi là mặc áo Như Lai.
Người mang sứ mạng của Như Lai
Cho nên người tu không nên có thái độ nóng giận, lúc nào cũng e dè sợ sệt một cơn giận nổi lên.
Nó là cái họa lớn, thiêu đốt công đức bao nhiêu năm tu hành khổ cực của mình.
Đức Phật dạy : “Chỉ một đốm lửa sân làm cháy cả rừng công đức”.
Nếu chúng ta luôn nghĩ tới đạo đức, nghĩ tới công phu của mình thì phải khéo dè dặt, đừng cho những cơn nóng giận khởi lên.
Nhẫn nhục có chia làm ba.
Một là nhẫn với người.
Đối với lời nói trái tai, hành động gai mắt hoặc người mắng chưởi đánh đập mà chúng ta nhẫn được, bỏ qua hết, không buồn giận. Đó là chúng ta nhẫn nhục với người khác.
Trong kinh A-hàm có câu chuyện ngài Phú Lâu Na. Khi Ngài xin đức Phật về phương Bắc giáo hóa.
Đức Phật liền hỏi:
Này Phú Lâu Na, người phương Bắc hung hăng lắm, nếu ông về đó giáo hóa họ sẽ chưởi mắng ông, ông nghĩ thế nào?
Ngài trả lời:
Bạch Thế Tôn, nếu họ chưởi mắng con, con nghĩ họ cũng còn lương thiện vì chưa đánh đập con.
Phật nói:
Giả dụ họ đánh đập ông thì ông nghĩ thế nào?
Ngài thưa:
Bạch Thế Tôn, nếu họ đánh đập con, con nghĩ họ cũng còn lương thiện vì chưa giết con chết.
Phật bảo:
Nếu họ giết ông chết thì ông nghĩ thế nào?
Ngài trả lời:
Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con chết thì họ là người ơn của con vì nhờ họ mà con bỏ được cái thân tứ đại hôi thối này.
Phật nói:
Được. Như vậy thì ông nên đến đó giáo hóa.
Quý vị thấy đức nhẫn nhục của Ngài cỡ nào? Trong đại chúng, chúng ta chỉ nhẫn nhục các việc nói nặng, nói nhẹ với nhau thôi, vậy mà có khi chịu không nổi.
Còn Ngài bị chưởi bới, đánh đập cũng nhẫn được cho đến giết chết cũng nhẫn luôn, không thù hằn mà còn mang ơn nữa.
Đây là tấm gương cho chúng ta học.
Tu là phải như vậy.
Đừng nghĩ mình cãi giỏi, nói hay là tốt.
Càng cãi giỏi nói hay, lấn lướt người thì tội lỗi càng tăng chớ không phải giảm.
Đó là phần thứ nhất, nhẫn với người.
Hai là nhẫn với mình.
Mình có gì đâu mà nhẫn.
Thật ra là nhẫn với mình rất khó.
Nhẫn với mình là nhẫn sự đau đớn, bệnh hoạn.
Có người nào đau bệnh mà không rên không?
Đó là cái bệnh.
Nên chúng ta tu phải ẩn nhẫn khi cơ thể bệnh hoạn, đau yếu, phải bình tĩnh cố gắng hạn chế, đau trăm phần chúng ta chỉ nói đau hai mươi phần thôi.
Chớ mỗi lần đau khóc lên, khóc xuống rên rĩ om sòm cho mọi người chú ý đến mình.
Trong đạo như vậy là kẻ yếu đuối chớ không phải hay.
Kế là nhẫn với sự đòi hỏi của thân, thèm cái này, muốn cái nọ… những sự thụ hưởng.
Như người mới tu chừng một hai năm, đi ngang qua chỗ nướng thịt cá thì phát thèm.
Đó là nhẫn không được nên khởi niệm bậy.
Ẩn nhẫn những thứ thèm muốn, những đòi hỏi của mình gọi đó là nhẫn với mình.
Như vậy nhẫn nhục là có sức chịu đựng rất mạnh mẽ cứng cỏi chớ không phải chuyện thường.
Đối với những gì mình ưa thích cũng phải bỏ.
Như người xuất gia xem thân này là đãy da hôi thối, vậy mà lâu lâu cũng có người nhìn mình xem đẹp hay không?
Rồi sửa sang chút chút cho dễ coi.
Thậm chí ngày nay tôi nghe nói cũng có kẻ thoa kem cho da mịn. Việc đó có trái với đạo lý không?
Người tu khi xuất gia, cạo tóc đã tự nguyện hủy hình thủ khí tiết.
Hủy hình là làm cho thân xấu đi.
Phụ nữ ngoài đời, người ta sửa sang mái tóc cho đẹp, cho duyên dáng.
Còn người tu đã cạo bỏ phức rồi, bây giờ còn muốn thoa môi son hay đánh kem thì coi hết được!
Đó là trái với lẽ thật của mình.
Những gì mình ưa thích trái với tư cách của người tu, trái với bản nguyện của người xuất gia thì chúng ta phải ẩn nhẫn, dẹp nó qua một bên, đừng để nó lôi kéo mình.
Được như vậy mới là người khéo tu.
Nếu không chúng ta sẽ quên đi bản nguyện xuất gia cầu giải thoát ban đầu.
Chẳng những người xuất gia mà hàng cư sĩ tại gia cũng vậy, thấy điều gì mình thích mà trái với đạo lý thì phải giảm, phải hạn chế chớ đừng theo nó.
Như vậy là biết nhẫn với mình.
Ba là nhẫn với hoàn cảnh, thời tiết.
Sống trong đạo cũng có khi gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Trong kinh Phật dạy nơi nào có Phật pháp, dù cho đói rét cũng phải theo thầy tu học.
Còn nơi có gạo dư thừa mà thiếu đạo đức, cũng nên bỏ mà đi.
Như vậy những nơi nào có Phật pháp chúng ta ở đó gặp hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhiều phiền hà, bực bội cũng phải ráng ẩn nhẫn, vì Phật pháp, vì sự tu chớ không vì sự ăn uống.
Người được như vậy là người chiến thắng bản thân mình, chiến thắng được hoàn cảnh.
Rồi còn phải nhẫn với thời tiết bức bách, chúng ta chịu đựng không than van, vẫn thản nhiên tự tại. Đó là chúng ta biết nhẫn.
Như vậy người tu muốn mặc áo Như Lai phải nhẫn nhục, tức là nhẫn người, nhẫn mình, nhẫn hoàn cảnh thời tiết v. v… Lúc nào cũng chấp nhận khó khăn, không bao giờ chán nản.
Người mạnh như thế mới sống đúng với câu Phật dạy: “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình”. Đó gọi là mặc áo Như Lai.
Trích trong: Hoa vô ưu tập 1.
HT. Thích Thanh Từ