Sanh khổ
Theo nhà Phật thì sanh gồm hai phần. Thứ nhất, sau khi ra khỏi lòng mẹ đau đớn nhọc nhằn. Thứ hai, trong cuộc sống của chúng ta, nếu không biết tu, không hiểu đạo thì cả cuộc đời chỉ toàn là đau khổ, không chút an vui. Như vậy khổ lúc sanh ra và khổ trong cuộc sống.
Khi sanh ra có đứa bé nào cười không, hay đều khóc oa oa.
Đó là vì ra đời khó khăn đau đớn quá, nên lọt lòng mẹ là khóc liền.
Cái khóc ấy nói lên sanh là khổ.
Rồi từ bé đến già mấy mươi năm, một cuộc đời khổ nhiều vui ít.
Quí vị thử kiểm lại xem trong suốt một đời, những gì chúng ta mong muốn, đa phần được như ý hay chỉ thiểu phần như ý?
Chắc rằng không ai nói đa phần như ý.
Người thì gia đình ấm no có cơm ăn, áo mặc nhưng con cháu khó dạy.
Người thì con cháu dễ dạy nhưng gia đình lại chật vật thiếu thốn v.v… đủ thứ thuận nghịch, không khi nào được thỏa mãn như ý của mình.
Vì vậy đa số đều bất như ý.
Con người sanh ra ai cũng mơ ước tràn đầy hạnh phúc, nhưng trải qua bốn, năm mươi tuổi nhìn lại cuộc đời không có hạnh phúc mà bất hạnh lại nhiều.
Ít hôm nghe tin người thân mất hoặc phải đi xứ này xứ khác v.v…
Không ai được hạnh phúc trọn vẹn.
Cả một đời người, ba phần tư là đau khổ, chỉ một phần tư an vui thôi, thực tế là như vậy.
Chúng ta đã biết sanh là khổ, bây giờ chúng ta phải làm sao cho hết khổ?
*** Làm sao chúng ta sống trong cõi khổ mà vẫn luôn được an vui?
Điều đó không có gì khó hết.
Nếu sống trong cuộc đời này mà biết rõ ràng cuộc đời là tạm bợ, có rồi sẽ mất, không ai còn mãi.
Như vậy ngày nào chúng ta còn sống thì ngày ấy còn tốt, còn có thì giờ cho chúng ta tự tu, cho chúng ta làm những điều thiện, giúp ích mọi người.
Một ngày sống là một ngày vàng, chúng ta phải sử dụng hết để lo cho mình, cho người, làm sao cho mình và người đều được an ổn.
Làm một điều lành là chúng ta được một nguồn vui.
Chúng ta chuyển cuộc sống khổ đau này bằng một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.
Nói như vậy sẽ có vị nghĩ, nếu người giàu có thì giúp đỡ người này, người kia dễ.
Còn như ta nghèo, không có điều kiện giúp được ai, thì làm sao có niềm vui.
Thí dụ chúng ta không có tiền cho người ăn xin hay đóng góp cứu trợ nạn lụt v.v…, nhưng đang đi thấy đứa bé bị té, chúng ta đỡ lên, vỗ về, an ủi khuyên bảo nó, như vậy có vui không?
Chúng ta không làm được việc cứu giúp bằng tiền thì chúng ta làm việc cứu giúp bằng thân, bằng lời.
Dùng thân và lời giúp đỡ người bớt khổ.
Bớt khổ là họ được vui, người vui thì chúng ta cũng vui.
Cái vui đó không tốn gì hết, chỉ tốn một chút công.
Như vậy tìm nguồn vui đâu phải khó.
Chỉ cần khi thấy một con kiến rớt dưới vũng nước, chúng ta vớt nó lên để trên khô, thấy nó bò mừng rỡ là chúng ta cũng vui rồi.
Người biết tu nhìn lại bản thân mình ngày xưa nhiều nóng giận, nay đã giảm bớt liền cảm thấy vui.
Gặp ai đang có nguy khốn, mình ra tay cứu vớt, từ con người cho tới loài vật, giúp được loài nào cũng có nguồn vui.
Vậy chúng ta sống để làm lợi ích cho chúng sanh.
Tuy rằng khả năng nhỏ bé, hạn hẹp, nhưng với lòng chân thành thì cũng có vui rồi.
Nếu chúng ta biết sống, thì dù đời là khổ hay sanh là khổ, nhưng ngày nào chúng ta cũng lượm cũng mót được nhiều niềm vui.
Đó là chúng ta khéo tu, khéo hiểu Phật pháp, chớ đừng lạy xin Phật cho con vui.
Phật không cho được đâu, chúng ta phải tự tạo lấy nguồn vui từ bản thân mình.
Tuy sanh khổ, nhưng nếu chúng ta biết sống thì sanh trở thành vui, chớ không phải khổ.
HT. Thích Thanh Từ