Sám cầu Quốc thái dân an và ý nghĩa thiêng liêng của đại lễ cầu nguyện

Thay vì chỉ cầu xin cho bản thân, cho gia đình thì mở lòng ra để nguyện cầu cho đất nước. Khi đó cả ‘đạo đức’ và ‘phước đức’ đều tăng lên một bậc. Vì vậy, với những ai tham dự đại lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an bằng cái tâm chí thành, thường họ sẽ được những may mắn, thành công trong năm.

3

Cúi lạy Phật từ bi tế độ

Đem đạo mầu giác ngộ chúng sinh

Cùng chư Bồ Tát quang minh

Độ trì cõi nước thanh bình yên vui

 

Cúi lạy những Vua Hùng dựng nước

Mười Tám đời uy đức muôn trùng

Ngày nay con cháu một lòng

Mở mang xây dựng non sông phú cường

 

Cúi lạy những quốc vương thánh triết

Trải bao triều đại rất oai hùng

Núi sông vang dội chiến công

Đắp nền văn học, lập dòng văn minh

 

Cúi lạy những anh linh hào kiệt

Những hiền tài siêu việt phi thường

Thanh gươm vung giữa sa trường

Hay ngòi bút nhẹ mở đường bay xa.

 

Như thế đó nước nhà rạng rỡ

Bởi thần uy từ thuở xa xưa

Khí thiêng sông núi bây giờ

Nghìn năm sau nữa tôn thờ ngưỡng trông

 

Thềm năm mới nỗi lòng khắc khoải

Đường tương lai lo ngại lắm điều

Những mong đất nước thân yêu

Bình yên hưng thịnh sớm chiều hoan ca.

 

Xin gia hộ chốn xa mưa gió

Người chiến binh mắt tỏ tài cao

Đầu non hay giữa sóng đào

Giữ gìn trời biển chiến bào tung bay

 

Xin gia hộ đất cày ruộng xới

Người nông dân vui với cỏ cây

Trĩu cành hạt trái đong đầy

Mùa thu hoạch lớn tháng ngày hân hoan.

 

 

Xin gia hộ những đoàn thợ giỏi

Giữa công trường bước vội tay nhanh

Công trình nào cũng hoàn thành

Quê hương giàu đẹp văn minh nghĩa tình

 

Xin gia hộ ngư dân bám biển

Như đoàn quân thẳng tiến khơi xa

Gió mùa êm ả thái hòa

Bình yên câu hát quê nhà đợi mong

 

Xin gia hộ hanh thông may mắn

Những doanh nhân cố gắng không ngơi

Đầu tư thuận lợi khắp nơi

Tạo nhiều công việc cho đời ấm no

 

Xin gia hộ người lo việc nước

Trách nhiệm làm công chức thanh liêm

Vì dân chẳng quản nhọc phiền

Công thành danh toại một niềm an vui.

 

Xin gia hộ phấn rơi trắng xóa

Thầy trò cùng vất vả siêng năng

Tương lai đất nước vinh quang

Vì ngày nay có cháu chăm học hành.

 

Chúng con một lòng thành khấn nguyện

Tổ quốc này vĩnh viễn huy hoàng

Bởi người tài đức vẹn toàn

Đêm ngày lãnh đạo lo toan mọi bề.

 

Trước lịch sử lời thề son sắt

Tình quê hương xin đặt lên trên

Điều riêng xin gác lại bên

Để đưa dân tộc vượt lên hùng cường.

 

Trước Phật đài đầu xuân cúi lạy

Xin nguyện cầu quốc thái dân an

Nhà nhà gieo được thiện căn

Nhân lành quả tốt để dành mai sau.

 

Tình sông núi đồng bào cao đẹp

Người Việt Nam đoàn kết yêu thương

Phúc lành thêm lớn càng nhiều

Non sông gấm vóc mọi điều thăng hoa.

Rồi sau nữa nhìn ra thế giới

Sẽ nói lời từ ái đại đồng

Mối tình nhân loại mênh mông

Hòa bình hạnh phúc chung lòng đắp xây.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Ý NGHĨA THIÊNG LIÊNG CỦA ĐẠI LỄ CẦU NGUYỆN QUỐC THÁI DÂN AN

Thay vì chỉ cầu xin cho bản thân, cho gia đình thì người ta mở lòng ra để cùng nguyện cầu cho đất nước. Khi đó cả ‘đạo đức’ và ‘phước đức’ đều tăng lên một bậc. Vì vậy, với những ai tham dự đại lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an bằng cái tâm chí thành, thường họ sẽ được những may mắn, thành công trong năm. Khi ta quên đi cá nhân nhỏ bé của mình để nghĩ cho đất nước, cho cộng đồng thì Luật Nhân Quả tự khắc sẽ đền bù cho ta một năm may mắn.

Những quan điểm sau chúng ta phải giữ gìn trong suốt cuộc đời mình:

– Thứ nhất là lòng yêu nước.

– Thứ hai là tình yêu với nhân loại.

– Thứ ba là tình yêu đạo pháp.

– Thứ tư là quan điểm sống vị tha.

– Thứ năm là niềm tin nhân quả.

– Thứ sáu là quan điểm về lòng trung thành.

– Thứ bảy là tinh tấn tọa thiền.

– Thứ tám là quan điểm dấn thân, hy sinh, phụng sự.

Lễ cầu Quốc thái Dân an là tiếng gọi của lương tâm, của đạo đức chiến thắng vị kỷ. Tại đây không có bóng dáng vị kỷ, chỉ có tình yêu quê hương đất nước – là nơi mà ta đang có mặt, đang hưởng trời đất này, từng cành cây ngọn cỏ đều thấm đẫm bao máu của các anh hùng đã đổ xuống, bao tâm huyết của các lãnh tụ phi thường.

Ngoài ra, đại lễ cầu an này còn là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với đất nước mình. Như vậy, ngoài ý nghĩa tâm linh, nó còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Thông qua đây, mỗi Phật tử lại là một tuyên truyền viên, một người hướng dẫn cho con cháu và những người xung quanh, để ai ai cũng biết yêu thương, biết có trách nhiệm với đất nước mình.

TT. Thích Chân Quang