Sách về chủ đề thiền định ngày càng đa dạng
Trên thị trường hiện nay, không khó để tìm kiếm những bộ sách về chủ đề thiền của các tác giả trong và ngoài nước như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thondup Tulku, Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm…
Các dòng sách được thiết kế nội dung đa dạng hướng đến nhiều đối tượng độc giả. Dù là người mới tìm hiểu về thiền hay có nhu cầu nâng cao kiến thức, các đầu sách đều sẵn có. Một số tác giả nước ngoài còn viết thêm những cuốn sách khổ nhỏ để phục vụ những người bận rộn có nhu cầu tìm đến hoạt động thiền.
Dòng sách thiền ngày càng phát triển
Theo đánh giá từ công ty Thái Hà Books, mảng sách về thiền, chánh niệm đang được độc giả đón nhận rất tốt. Đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 24 đến 35.
Những cuốn sách về chủ đề này ngày càng được đơn giản và cụ thể hóa để mọi người đều có thể ứng dụng và thực hành một cách dễ dàng. Chẳng hạn bộ sách Chánh niệm từng phút giây gồm 3 cuốn chỉ ra bản chất của thiền. Thiền đơn giản là việc con người tập trung và chú tâm vào những giây phút hiện tại, sống trọn vẹn với những khoảnh khắc. Ai cũng có thể vừa đi bộ vừa thiền.
“Vì mảng sách này mang lại nhiều lợi ích cho độc giả cũng như cho chính Thái Hà nên công ty đã đưa ra nhiều ý tưởng khai thác bản thảo cũng như phát triển dòng sách. Mục tiêu chính là trẻ hóa nội dung và tập trung vào những sách có tính ứng dụng, thực hành cao. Những đầu sách của các tác giả/thiền sư lớn sẽ tiếp tục được khai thác như sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sách của Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, sách của Đại sư Tinh Vân, sách của thiền sư Shunmyo Masuno…”, đại diện Thái Hà Books cho biết.
Việc khai thác mảng sách về thiền định cũng được Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam chú trọng và xây dựng thành các bộ sách trong nhiều năm. Đơn vị này xây dựng tủ sách Khoa học Tâm thức Thời đại mới. Mục tiêu của công ty là giới thiệu lối sống tỉnh thức đến cộng đồng và cố gắng đem lại những kiến thức gần gũi về bộ môn thiền.
Đại diện Phương Nam nhận định rằng các bộ sách về thiền đã được tái bản nhiều lần và nằm trong mục bán chạy thời gian dài. Các tựa sách ngày càng đa dạng với nhiều tác giả trong và ngoài nước. Không chỉ các thiền sư, hòa thượng mới viết sách thiền, thị trường hiện nay còn đón nhận thêm các tác giả nổi tiếng có nền tảng là trị liệu tâm lý Sylvia Boorstein và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Một số độc giả chia sẻ rằng với riêng dòng sách thiền họ lựa chọn thể loại audiobooks nhiều hơn. Nguyễn Phương (33 tuổi, trú tại quận 8, TP.HCM) bắt đầu có thói quen nghe sách nói về thiền trên đường lái xe tới nơi làm việc từ mấy tháng trở lại đây. Đặc biệt, sau khi tiếp xúc dòng sách về chủ đề thiền, Phương cảm thấy hứng thú và nghe nhiều hơn. Phương tâm sự: “Có những buổi sáng, khi đến cơ quan mình chỉ muốn la mắng tất cả, mình bị ức chế về tâm lý. Thế nhưng sau khi nghe các cuốn sách thiền, mình tự cảm thấy rằng tại sao bản thân không lắng lại, mỉm cười nhiều hơn, bớt nghiêm khắc với chính mình lại”.
Sách là một công cụ giúp con người thiền định
Theo Niel Seligman (Diễn giả quốc tế về thiền định và kỹ năng sống), thiền và đọc sách có điểm chung là giúp con người tiến vào sự tập trung cao độ. Các cuốn sách sẽ thu hút sự chú ý của bản thân vào bên trong, giảm bớt những tác động ngoại vi. Bộ não sẽ tạo ra những âm thanh, hình ảnh và thế giới cảm xúc mới khi đọc sách. Con người sẽ được thư giãn và tiến vào trạng thái mà Seligman gọi là “chánh niệm”.
Tác giả của cuốn 100 Mindfulness Meditations, Neil Seligman, cũng nhận định rằng dòng sách hư cấu là chất xúc tác tốt cho những người muốn được thiền định bằng việc đọc. “Miễn là câu chuyện khiến bạn hứng thú, việc đọc sẽ là phương pháp thiền của bạn”, Seligman chia sẻ.
Còn với Simone (một blogger chuyên về sách, sinh sống tại Florida, Mỹ), thiền không phải là việc thúc ép bản thân theo một cách khổ hạnh. Nó càng không chỉ là ngồi im một chỗ. Hơi thở là chìa khóa của thiền và đọc sách là cách giúp điều hòa lượng oxy ra vào. Simone nhấn mạnh rằng việc đọc sách không thực sự làm trống tâm trí như thiền mà là đánh đổi suy nghĩ này để lấy suy nghĩ khác. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những cách để những người mới trải nghiệm hoạt động thiền.
Các độc giả của câu lạc bộ sách Book Oblivion lại chọn lý giải sự giống nhau của đọc sách và thiền theo hướng hiện tượng học. Văn bản là một hiện tượng, việc đọc là hành động sáng tạo, vận dụng trí tưởng tượng. Đọc giúp con người điều hướng và rèn luyện sự tập trung. Hoạt động thiền cũng dựa trên một phần lý thuyết này.
Đức Huy