Sách Phật giáo in bằng kim loại cổ xưa nhất thế giới được trưng bày tại Pháp
‘Jikji’ – cuốn sách cổ xưa nhất được thực hiện bằng phương pháp in kim loại – đang được trưng bày tại Thư viện quốc gia Pháp ở thủ đô Paris, trong khuôn khổ cuộc triển lãm về lịch sử ngành in kéo dài đến tháng 7 tới.
“Jikji” được nhà sư Baegun Gyeonghan viết bằng chữ Hán, là tên viết tắt của một tài liệu Phật giáo có tiêu đề đầy đủ “Jikji Simche Yojeol”, tạm dịch là “Tuyển tập các giáo lý Thiền của các vị đại sư Phật giáo”. Cuốn sách được in vào năm 1377 tại chùa Heungdeok ở trung tâm thành phố Cheongju của Hàn Quốc trong triều đại Goryeo (918-1392). Điều này có nghĩa “Jikji” được in vào khoảng 78 năm trước khi “ông tổ ngành in” thế giới Johannes Gutenberg cho ra đời cuốn Kinh thánh bằng máy in của ông tại Đức.
Đây là lần đầu tiên “Jikji” được công bố trước công chúng, 50 năm sau buổi triển lãm “Bảo vật phương Đông” cũng diễn ra tại Thư viện quốc gia Pháp. Thư viện quốc gia Pháp cho rằng ông Gutenberg có lẽ không biết về phát minh của Hàn Quốc ở thời điểm đó. Vị danh nhân này đã kết hợp nhiều hình thức sao chép khác nhau, bằng cách sử dụng các bản khắc gỗ và đồng đã được sử dụng ở châu Âu từ khoảng năm 1400, trong khi các bản khắc này cũng chịu sự ảnh ảnh hưởng của kỹ thuật in ấn du nhập từ Đông Á.
Tuyển tập các giáo lý Thiền của các vị đại sư Phật giáo in bằng kim loại xưa nhất
Giới truyền thông Hàn Quốc đánh giá việc “Jikji” được trưng bày công khai kể từ năm 1973 đã thắp lên hy vọng về sự trở lại của tác phẩm này. Ông Kim Jung-hee – Chủ tịch Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở hải ngoại cho biết: “Triển lãm này được xem là một cơ hội, nếu chúng ta hợp tác và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp dựa trên sự tin tưởng, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có cơ hội quý giá để tiếp cận ‘Jikji” trực tiếp tại Hàn Quốc trong tương lai”.
“Jikji” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào năm 2001. Bản gốc “Jikji” được in làm hai quyển, quyển I và quyển II, nhưng ở Hàn Quốc không có bản gốc nào, mà chỉ có quyển II được bảo quản tại Thư viện quốc gia Pháp.
“Jikji” có mặt tại Pháp nhờ ông Victor Collin de Plancy – nhà ngoại giao Pháp đầu tiên đến Hàn Quốc vào năm 1887. Là một nhà sưu tập các văn bản cổ, ông Collin de Plancy đã mua lại cuốn sách này từ một nguồn không xác định. Theo Cục thống kê quốc gia Pháp, “Jikji” được trưng bày tại Triển lãm toàn cầu Paris năm 1900 và ông Collin de Plancy đã bán cuốn sách này trong cuộc đấu giá năm 1911 với giá 180 franc (hơn 66.000 USD tính theo giá trị hiện nay).
Cuốn sách sau đó được trao lại cho Thư viện quốc gia Pháp vào năm 1950 và được một nhà sử học Hàn Quốc phát hiện 10 năm sau đó, trong quá trình tìm kiếm các hiện vật quý của “Xứ sở Kim Chi” lưu lạc tại Paris. Nhà sử học đã giúp hồi hương nhiều hiện vật có giá trị như các bản thảo hoàng gia từ triều đại Joseon – từng bị lấy đi trong một chiến dịch quân sự của Pháp vào năm 1866.
Ngoài cuốn “Jikji”, cuộc triển lãm tại Thư viện quốc gia Pháp cũng giới thiệu với công chúng bản sao của chiếc máy in nổi tiếng năm 1455 do ông Gutenberg thiết kế, cũng như 2 cuốn Kinh thánh được in theo phương pháp này, cùng bản khắc gỗ cổ nhất của phương Tây mang tên “Bois Protat”, có niên đại khoảng năm 1400.
Thanh Phương