Sắc sắc không không

Một bạn thắc mắc con cứ nghe các thầy nói “sắc sắc không không” và con chưa rõ lắm mối quan hệ giữa tánh không và từ bi, xin thầy lý giải thêm.

 

Xin thưa, Phật pháp là bất định pháp, nên người khổ vì chấp có đến, Phật sẽ nói không, người khổ vì chấp không đến, Phật sẽ nói có.

Cả có và không đều do duyên sinh, vì chưa rõ pháp duyên sinh nên mới khổ.

Còn tánh không là giáo nghĩa cốt tủy của Phật giáo Đại thừa.

Trong cuộc sống, mọi vấn đề rắc rối đều sinh ra từ ngã chấp. Ngã chấp là cơ sở để gìn giữ những định kiến thường hằng (có và không) mà sinh ra khổ. Khi khổ đau bởi một “ngã chấp” nào đó thì khó lòng từ bi với chính mình và với người khác được.

“Duyên sinh vô ngã, tự tánh vốn không”.

Có thể hiểu câu nói trên rằng vì duyên sinh nên vô ngã vì vô ngã mà bản chất mọi sự vật hiện tượng vốn “không”. “Không” không phải là không có gì như người “chấp không” nói theo nghĩa đoạn diệt.

“Không” ở đây chính là duyên sinh: vì cái này có nên cái kia có, vì cái này không nên cái kia không, vì cái này sinh nên cái kia sinh, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Duyên sinh nhìn đơn giản nó giống như cách người thợ nhuộm pha màu. Chỉ cần thêm một chút màu này vào thì sẽ ra màu khác…

“Thêm” chính là duyên mới cho một nhân, nhân ấy cho ra một kết quả khác với ban đầu. Quả ấy lại hình thành nhân, thêm một duyên khác mà ra quả khác nữa.

Vì thế “thêm” (dù chủ quan hay khách quan) thì cũng gọi là duyên sinh, do duyên mà phát sinh.

Chính vì cái quả thay đổi nhanh chóng chỉ trong nháy mắt, sát-na mà chưa kịp gọi tên này thì tên khác đã thay thế, cho nên nó “vô ngã”, tức không có một cái ngã tồn tại độc lập bất biến.

Nếu vô thường là cái tạo ra thay đổi ở bất cứ chiều hướng thuận nghịch, thịnh suy nào, thì vô ngã là cách thức làm mềm hoá cái vô thường ấy và khiến khổ đau giảm đi.

Vô ngã là có “danh” mà không có thực danh. Tất cả ngã của danh nằm trong mối tương quan (duyên sinh) với không gian thời gian. Chẳng hạn khi tới cơ quan thì là nhân viên, giám đốc, đi thăm mẹ thì là con, đứng trên bục giảng là thầy, về nhà làm chồng làm cha…

Duyên sinh là giáo lý nền tảng của đạo Phật

Duyên sinh là giáo lý nền tảng của đạo Phật

Nhìn bức ảnh năm 18 tuổi của một ai đó là Nguyễn Văn X, nhưng Nguyễn Văn X đang đứng trước mặt không phải tấm ảnh. Nhưng không vì thế mà nói tấm ảnh kia không phải Nguyễn Văn X.

Thế thì là danh mà không phải danh, không phải danh mà vẫn là danh. Đốt tấm ảnh đi, Nguyễn Văn X không bị bỏng. Nhưng đốt Nguyễn Văn X thì có thể Nguyễn Văn X sẽ bị bỏng.

Mỗi một tác động tương quan làm thay đổi nhanh chóng một định nghĩa như ở phòng thí nghiệm sinh hóa, thêm chất này vào thì ra một chất khác.

Vì sinh không thật sinh (sắc) diệt không thật diệt (không), nên cái bàn phá đi thành củi, củi cháy ra tro, tro đem bón cây thành phân, cây sinh trưởng ra hoa và đậu trái… Không thể tìm một cái “ngã” cố định bất biến ở đâu.

Không có cái danh nào cố định khi các tương quan thay đổi cùng các nhân duyên sinh diệt chi phối. Cho nên bất cứ sự tồn tại nào cũng liên đới tới một tương quan, tạo ra nhân quả trùng điệp, có thể dẫn tới một hệ quả hay hậu quả.

Ví dụ trong 5 học giới, phạm giới uống rượu, có thể dẫn đến phạm luôn giới trộm cắp, tà dâm, sát sinh và nói dối. Từ một nguyên nhân có thể tạo ra một chuỗi nhân quả liên hoàn khác nhau.

Nhìn vào tương quan để nhận diện vô thường, khổ và vô ngã. Cho nên giáo lý tương quan hay duyên sinh cũng là cốt tuỷ của tánh không.

“Không” đến do sự thay đổi không ngừng diễn ra chỉ trong chớp mắt, sát-na. Vì vậy, sinh và tử, có ở đây mất ở kia luôn tác động đến mọi định nghĩa.

Nhận thấy rõ “tánh không” thì sẽ tăng trưởng lòng từ bi.

Con người và mọi loài, hiện diện tại thời điểm này, không gian kia, hiện diện nơi đáng hiện diện hay nơi không đáng hiện diện, nơi trung tâm cũng như nơi biên địa, cũng chỉ như những lớp sóng trồi sụt, vào ra…

Mọi hiện tướng bày ra trước mắt kia, khi ta còn chưa kịp định danh và vui buồn yêu ghét với chúng thì chúng đã đổi thay hoặc có thể tan biến mất rồi.

Ta có thể nào hận một cái “ngã” luôn thay đổi và tuỳ thuộc vào các duyên (thuận nghịch) như chính ta không?

Cũng thế một người đang ở đây thì thế này, ra chỗ kia thì thế khác. Cái danh kia thật nhỏ bé nhưng đủ duyên thì cũng thật phi thường.

Cho nên, quán tánh không cũng là quán từ bi. Quán rốt ráo thì khi ấy Bát-nhã chính là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, diệt hết mọi khổ ách.

Nếu ai hỏi tu hành là gì, bạn có thể trả lời ngắn gọn: không làm các điều ác, thành tựu các điều lành, giữ tâm ý trong sạch. Trong đó 37 phẩm trợ đạo sẽ giúp cho việc thực hành này tiến bộ thành tựu.

Nhưng với những ai hỏi giáo lý nền tảng của đạo Phật là gì thì cần trả lời dứt khoát đó chính là giáo lý duyên sinh.

Thích Thanh Thắng