Rùa, ba ba mini tràn ra chợ chờ phóng sinh
Dịp rằm tháng giêng năm nay, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống trên TP Huế bất ngờ bày bán rùa và ba ba mini để người dân mua phóng sinh.
Dạo quanh những khu chợ truyền thống ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) như chợ An Cựu, chợ Bến Ngự… dễ dàng gặp nhiều tiểu thương bày bán cá, ốc để thả phóng sinh nhân dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng âm lịch).
Ngoài cá, ốc sông, năm nay ở Huế còn xuất hiện thêm những chậu đựng rùa và ba ba mini.
Dọc tuyến đường Phan Đình Phùng sát chợ Bến Ngự, tiểu thương bày những chậu đựng rùa và ba ba ra vỉa hè sát mép lề đường. Mỗi chậu nhựa đựng cả trăm con rùa và ba ba chờ người mua thả phóng sinh.
Theo quan sát, loài rùa mini được bày bán ở chợ này là loài rùa cạn, mai màu đen và có hoa văn chạy dọc sống lưng. Loài rùa này có kích thước khá nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 6-8cm mỗi con.
Ba ba cũng có kích thước nhỏ, màu nâu xám ánh vàng và có mũi hếch.
Bà M., một tiểu thương ở chợ Bến Ngự, cho biết giá của mỗi con rùa mini là 100.000 đồng, còn mỗi con ba ba có giá 25.000 đồng.
“Rùa này nhỏ con, sống dai và sống được nhiều môi trường khác nhau nên nhiều người mua về thả phóng sinh hoặc nuôi làm cảnh. Ba ba mini này cũng vậy, tuy nhiên loài này phải cẩn thận nếu nuôi để làm cảnh vì chúng rất dữ, có thể cắn đứt tay chảy máu”, bà M. nói.
Chị Trần Thị Tuyết, một người dân ở TP Huế, cho biết đây là lần đầu tiên chị thấy người ta bán ba ba và rùa mini để phóng sinh nhiều như vậy vào ngày Tết Nguyên tiêu.
“Trước đây người Huế chủ yếu mua cá trê con, cá lóc hay những loài ốc sông cỡ nhỏ để thả phóng sinh. Năm nay tôi mới thấy người ta bán rùa, ba ba nhiều đến như vậy”, chị Tuyết nói.
Chị Tuyết cũng lo ngại rằng việc buôn bán rồi thả những loài sinh vật ngoại lai như rùa và ba ba mini ra các sông ở Huế có thể làm mất cân bằng tự nhiên.
Ông Lê Ngọc Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm kiểm tra việc buôn bán rùa, ba ba mini tại các chợ để thả phóng sinh.
Theo ông Tuấn, lực lượng kiểm lâm sẽ kiểm tra nguồn gốc của các loại động vật này xem có phải là động vật rừng hay không, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Chớ phóng sinh sai cách
Trước đó trao đổi với Tuổi Trẻ Online, hòa thượng Thích Hải Ấn, phó trưởng Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nói rằng người dân cần hiểu lời Phật dạy để thực hành việc phóng sinh tích đức đúng cách.
Theo hòa thượng Thích Hải Ấn, với những loài chim thú, đặc biệt là những loài thú rừng bị cấm săn bắt, nếu phật tử, người dân dù mua để phóng sinh cũng vô tình tiếp tay cho lòng tham của người bán.