Rồi cũng như gió bay

Con gái lớn nhà ông Hai đi tu rồi, nghe đâu xuất gia ở một chùa nào đó trong Nam. Đang yên đang lành lại đi tu, chắc là làm ăn thất bại hay buồn tình duyên nên muốn dứt duyên đời.

Ở xóm nhỏ thanh bình này, mấy hôm nay bỗng trở nên xào xáo bởi chuyện đó. Họ đồn đoán, thêm thắt, phán xét theo hướng nghiêm trọng hóa vấn đề. Tính ông Hai vốn bỏ ngoài mình miệng lưỡi thế gian, còn bà Hai thì không sao tránh khỏi những gợn lòng.

Bà Hai đi đâu về, ống quần còn ghim mấy hoa cỏ may. Bà quăng cái nón cời, rồi ngồi bệt xuống nền nhà tủi hờn:

– Con người ta lớn lên thì dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, con mình thì đi vô chùa ở, để miệng đời quở ngày quở đêm!

Ông Hai ngồi trầm ngâm kéo từng hơi thuốc lá bên ấm trà mới châm. Ông lúc nào cũng vậy, chậm rãi và suy tư. Không thấy ông Hai nói gì, bà Hai lẳng lặng vào nhà nấu cơm, khói bếp thơm nồng xộc lên căn nhà già nua như chính tuổi tác của ông bà. Khói bay lờn vờn trong nhà, rồi luồn qua từng kẽ ngói, tan biến giữa thinh không. Bữa cơm trưa hôm đó thật mặn, bởi được chan thêm bao lời gièm pha của miệng đời. Ngay cả việc đưa tay xới cơm, bà Hai cũng kèm theo tiếng thở dài, nghe xiêu vẹo và mòn mỏi. Ông Hai cứ cặm cụi ăn, vừa buông chén xuống thì ông buông một câu thản nhiên:

– Không ai thương mình bằng cơm thương, cơm thương nên mới cho mình ăn được ngon! Ăn mà thở dài khác gì tự làm mình khổ!

– Số tui với ông khổ, con cái toàn chọn điều không như ý! – Bà Hai trút câu than vãn, sau khi nuốt miếng cơm nặng oằn trôi qua cuống họng.

– Là không như ý bà, hay không như ý thiên hạ?

Bà Hai lặng thinh, nhưng sắc mặt vẫn buồn man mác. Rõ ràng là không vừa ý thiên hạ, họ gièm pha, nên bà phiền lòng. Xong bữa cơm trưa, ông Hai ra nằm trên cái võng mắc phía dưới hiên, tay phẩy phẩy cái quạt mo cau, nói vọng ra chỗ bà Hai ngồi rửa chén:

– Họ nói con mình thất bại, nên vô chùa trốn tránh. Họ đâu có biết đó là con đường giác ngộ, không phải đường cùng!

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bà Hai nghe tất thảy những lời ông nói, nhưng làm sao bà hiểu hết mớ câu từ của một người đọc sách, một tú tài như ông. “Con đường giác ngộ” sao? Một cụm từ có ngữ nghĩa quá xa vời, so với một người quanh năm chỉ biết mùi chua của đất phèn như bà. Trong xóm, ông Hai nổi tiếng là người hiểu biết. Thời trẻ, ông đi nhiều nơi, học cao hiểu rộng. So với những người cùng thời, ông thuộc dạng có tri thức. Nhưng thời thế đưa đẩy, ông an phận làm một lão nông. Ông Hai có cái thú đọc sách, chiêm nghiệm kinh Phật. Hễ rảnh rỗi ông lại kê cái ghế ra hiên ngồi, đặt một ấm trà kế bên, từ tốn lật từng trang. Khi ông đọc sách, mặt ông tĩnh lặng như mặt hồ buổi sớm xuân.

Sợ bà Hai vẫn chưa hiểu, ông nhốm người dậy, nói thêm:

– Bà cứ rầu vậy, sao con đường tu tập của con bà thành tựu được? Họ nói chi kệ họ, cứ coi như gió thoảng qua tai!

Bà Hai im lặng, chẳng biết sự im lặng của bà là đã tường tận hay là sự miễn cưỡng chấp nhận. Đối với con cái, bà không hoạch định ra điều gì cả. Chọn lối đời nào cũng được, miễn bình an và đủ đầy. Tu tập là điều con bà phát nguyện từ nhỏ, là niềm tin tôn giáo mãnh liệt, là kết quả của chuỗi ngày nghe ông Hai nói nhiều về Phật pháp. Và hơn hết, đó căn duyên. Thật ra, hạnh phúc được định nghĩa dưới nhiều dạng, mỗi người có chuẩn mực hạnh phúc khác nhau, miễn họ cảm thấy bằng lòng với thực tại là được. Ông bà Hai xem chọn lựa của con mình là lối đi hạnh phúc, nhưng người đời lại lo xa quá, họ cứ cho đó là bất hạnh.

Ông Hai còn có cái thú trồng cây, trồng hoa. Người ta thường nói, vĩnh cửu màu xanh lá cây. Xem việc trồng cây là niềm vui, ấy hẳn là một người có tâm hồn tao nhã. Bà Hai cho đó là việc thừa, nên hay cằn nhằn. Ngược đời, dạo này bà lại có thói quen giúp ông chăm sóc cây trong vườn. Bà dửng dưng hơn với những lời nói thiệt hơn của thiên hạ. Có lẽ, khi đã xế tuổi, người ta bắt đầu thích dựa vào những điều dung dị để sống. Ngoài việc đồng áng, chăm sóc khu vườn là niềm vui của ông bà. Hôm trước đi chợ huyện, ông bà mua được hai cây cam sành miền Nam mang về trồng ngay đầu ngõ. Rải rác trong vườn, trồng khoảng chục gốc bưởi da xanh. Cây lựu đỏ ngay góc sân, được chiết ra thành nhiều cây, vì sợ mùa bão gió quật trốc gốc thì sẽ mất giống. Bà còn tỉ mỉ giúp ông vặt hết lá cây mai già, để ủ sức cho kịp ra hoa.

Khu vườn vì thế mà xanh ngát, có trái chua trái ngọt và hoa lá bốn mùa. Buổi trưa, gió nồm đông luồn qua kẽ lá, nghe lào xào như ru. Thi thoảng, thấy được đôi thằn lằn rượt nhau trên thân cây xoài, nghe cả tiếng con kỳ nhông chạy lộp bộp trên lớp lá khô khi trông thấy dáng người, vài con chim vờn nhau khi tranh ăn mấy trái lựu chín… Rất bình yên!

Có hôm, đang ngồi nghỉ dưới tán cây xoài, ông Hai triết lý:

– Bà thấy không? Đầu tư tâm tư cho loài vô thức như cây cối, lại được thảnh thơi. Quá chú trọng vào miệng lưỡi thiên hạ, chỉ làm mình phiền não!

Bà Hai chỉ “ờ ờ” cho có, chứ chẳng hiểu ý ông là mấy. Mà bà cũng không cần hiểu cặn kẽ, bà chỉ cần cảm nhận được sự an yên là được rồi.

Ở miền quê này, người ta chỉ làm hai vụ mùa, vụ đông – xuân và hè – thu. Không làm vụ thu – đông, vì đây là thời gian mưa bão nhiều, có làm cũng chỉ mất mùa. Thời gian ấy là mùa đất nghỉ, đất chẳng phải vắt kiệt phù sa để nuôi cây trồng. Người nông dân bắt đầu buông việc đồng áng, đây cũng là mùa mà mồ hôi được quyền ráo trên vai họ.

Ông Hai mất, vào một mùa đất nghỉ như thế.

Ông ra đi rất nhanh, nhẹ nhàng và trầm lặng như chính cuộc đời ông. Ông không có một dấu hiệu bệnh tật nặng nào để lường trước được. Ông bảo mệt, lên giường nằm nghỉ. Rồi bảo đừng nói gì thêm nữa, cũng đừng khóc. Lúc đó bà Hai hốt hoảng la lên, thì ổng đã ra đi, mãi mãi. Tai biến ấy mà, đã đến thì trở tay chẳng kịp.

Mấy mẹ con bà Hai chít khăn tang trắng xóa. Bà ứa nước mắt, đứa con gái lớn nắm chặt tay bà: “Má đừng khóc, để người ra đi được thanh thản!”. Đó là đám tang không có tiếng khóc tang thương, người ở lại không bò lê tiếc nuối người đã mất. Mẹ con bà Hai bình thản như một cách chấp nhận quy luật tự nhiên, dẫu buồn đến tận cùng. Cây cối trong vườn cũng được cột tang để tưởng nhớ người trồng, gió vẫn thổi qua khu vườn, xào xạc như ru người vừa nằm xuống.

Sau cái ngày ông Hai về với đất, đứa con gái thứ đi làm xa dọn về ở hẳn với bà Hai. Có hôm, bà ra chợ, nghe người đời xào xạc: “Ổng mất bất tử quá, bệnh vài bữa nửa tháng để con cháu chăm sóc trả hiếu rồi hễ đi!”, “Chồng mất, cha mất mà mẹ con nhà bả không ứa nổi một giọt nước mắt nào!”…

Bà đạp xe về. Suy nghĩ của bà khác họ, bà vẫn thường nghe lúc trước ông Hai nói “sinh, trụ, dị, diệt” – đã là một cơ thể sống thì theo quy luật tự nhiên, con người ta phải già úa và mất đi. Mất vì tuổi già, khác mất vì tai ương. Mất trong thanh thản, khác mất trong bệnh tật vật vã. Sự ra đi nào cũng đáng buồn, nhưng phải đón lấy như một lẽ dĩ nhiên. Đến giờ phút đó, quan trọng là phần tâm linh được yên ổn. Bây giờ, bà chẳng biết phải làm gì, ngoài việc tự an cái tâm cho mình bằng những điều ngày xưa ông hay nói với bà.

Sắp vào tháng bão, bà Hai ra vườn chặt bớt mấy nhánh cây để gió không quật trốc gốc, khu vườn trông trống trải hẳn ra. Buổi trưa nằm ở võng, bà không còn nghe tiếng gió luồn qua kẽ lá. Gió cứ rít thông thốc qua khu vườn trống hoác, trôi tuột qua lòng bà, không đọng lại thứ gì. Đời người, đến một lúc nào đó cũng sẽ như gió bay. Không hình hài, không níu giữ được, tan ra giữa cuộc đời bề bộn này.

Truyện ngắn Lưu Huyên