Quyền lực (4)
Quyền lưc là gì? Câu hỏi chỉ có thể được đặt trong một bối cảnh cụ thể và ứng với một câu trả lời phù hợp. Nhưng tựu chung đó là sự điều hành, chi phối của tự nhiên lên toàn thể vũ trụ để vạn vật luân chuyển, biến dịch, không dừng lại trong vòng tròn sinh-trụ-hoại-diệt.
Cái vòng sinh diệt tương tục ấy có cả âm cả dương, cả thiện, cả ác (tương sinh, tương khắc, trong âm có dương, trong dương có âm). Gọi là quyền lực bởi nó điều hành tất cả, không có gì thoát ra được. Kể cả sự thay đổi, biến dịch trật tự để lập lại một trật tự khác, trước đó. Để rồi, tiếp tục sinh, tiếp tục trụ, tiếp tục hoại và tiếp tục diệt không ngừng nghỉ.
Con người trong vòng biến dịch luân hồi ấy cũng vậy. Cũng tương tục, uế nhiễm, cũng sinh, cũng già, cũng bệnh cũng chết rất tự nhiên. Và chỉ biết khóc than khi đau yếu, bệnh tật, khi phiền não, khổ sở…Để rồi từ đấy họ van cầu một “đấng siêu nhiên” lại là cái quyền lực tự nhiên kia, họ lại tin tưởng, họ lại u mê, họ lại đắm nhiễm vào đức tin tôn giáo, các thánh, các thần…
Chỉ đến khi đấng đại giác Thích Ca chứng đắc, tìm ra con đường thay đổi cái gọi là “số phận”, thoát ra ngoài cái vũ trụ đầy quyền lực của tự nhiên, thoát ra khỏi sự khống chế của “quyền lực” tự nhiên với 4 chân lý tuyệt đối (4 sự thật hiển nhiên không ai có thể phản bác Khổ-Tập-Diệt-Đạo ). Những pháp hành để vượt thoát ra sự khống chế ấy đơn giản, dễ hiểu, dễ nhận biết: Đó là sự vượt thoát: Ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng, nuôi dưỡng thiện pháp. Toàn bộ cái gọi là ác pháp còn có cái tên gọi chung lậu hoặc. Con đường ấy đã dẫn dắt chúng Tỳ kheo (500 Tỳ kheo trong tăng đoàn) vượt thoát mà lịch sử về Đức Phật đã ghi: Cứ diệt sạch lậu hoặc (ác pháp) bằng những pháp hành: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần (ngăn ác diệt ác)…toàn bộ 37 phẩm trợ đạo. Cả 500 Tỳ kheo đã vượt ra ngoài 4 nỗi khổ của kiếp người cũng sinh cũng già, cũng bệnh cũng chết rất tự nhiên kia.
Đáng tiếc cái gọi là đạo (đường đi) của Phật Thích Ca không phải tôn giáo lại hoá tôn giáo và lại biến mất sau sau 500 Tỳ kheo và mãi mãi sau này. Đó là thứ đạo không thoả hiệp không nhân nhượng không liên minh ác pháp. Bởi đơn giản: Nhân nhượng sẽ đến dẫn đến thoả hiệp và cuối cùng là liên minh là bị nhiếp phục bởi ác pháp, bởi quyền lực”. Sức mạnh của ác pháp, của quyền lực là bạo lực, là sự xâm nhiễm, trói buộc, nhiếp phục. Khác với cái thiện luôn nhu hoà, an lành, từ tốn. Chính cái lý đối kháng lại vừa tương thích, tương hợp của “quyền lực” tuyệt đối đã trở thành niềm tin “bất biến” trong sự nghĩ tưởng của con người. Đức Phật (Đấng Đại Giác) đã để lại lời dạy về 7 pháp để đoạn trừ lậu hoặc (Có tri kiến, có phòng hộ, có thọ dụng, có kham nhẫn, có tránh né, có trừ diệt và có tu tập). Với lời tuyên thuyết tâm dẫn đầu mọi Pháp và mỗi con người đều có hai ngã đường hoặc để thoát ra khỏi sự chế ngự của ác pháp, của đối kháng để đi về phía tương hợp, tương ưng, đi về phía thiện pháp, thoát vòng luân hồi sinh tử.
Kỳ Nam