Quy y

Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.

Trong khi đó, một số người xấu mồm lại cho rằng chị lừa tình, lừa tiền bọn đàn ông trong khu phố nên đã trốn đi xa. Duy chỉ có mình tôi hiểu về bản thân chị rất rõ. Chị đi tu là để giải thoát cho bản thân mình.

Trước đây, khu phố tôi rất im ắng, tẻ nhạt đến phát chán. Nhưng từ khi chị dọn về đây sinh sống, thuê một căn nhà nhỏ để mở tiệm may đồ, thì cuộc sống của khu phố trở nên náo nhiệt hơn. Chị đẹp người, khéo tay, lại có duyên ăn nói nên được lòng mọi người. Chị là người thợ may có xu hướng lạ, tuy còn trẻ nhưng lại không thích phát triển nghề nghiệp của mình theo trào lưu hiện đại mà muốn tìm về cội nguồn bằng những kiểu trang phục thuở xưa. Đây là sở thích của những ông bà lão khó tính trong cách ăn mặc ở khu phố này nên họ tìm đến chị rất đông và chị đã làm cho họ ưng bụng bằng những bộ quần áo sắc sảo, tỉ mỉ, mang đậm bản sắc văn hóa. Bọn thanh niên trong khu phố trở nên ngoan lạ thường, không còn bỏ đi chơi đêm hay kiếm chuyện sinh sự nữa. Bọn chúng hay tìm đến chị để may đồ, nhưng ý đồ chính là nhắm vào chị. Rất nhiều người ra sức theo đuổi, cưa cẩm để chiếm lấy trái tim chị. Có kẻ còn lỗ mãng nắm lấy tay chị định dùng cách “áp chế” nhưng kết quả họ chỉ nhận được sự thất bại thảm hại vì chị chẳng bao giờ quan tâm.

Tôi cũng là những kẻ “phàm phu tục tử” trong số đó. Thú thật, với vẻ đẹp dịu dàng như chị thì chàng trai nào mà không loạn nhịp con tim. Nhưng tôi khác ở họ là biết điểm dừng và luôn lắng nghe người khác đóng góp ý kiến. Tôi nhận ra chị không phải là một bông hoa cát đằng để mình bỡn cợt mà chị là đóa sen hồng để mình trân trọng, nâng niu. Dần dần chị nhận ra tôi là chàng trai khá ngoan, đáng tin cậy để chị trò chuyện, tâm sự. Tôi tôn trọng chị, luôn lắng nghe những gì chị nói, xem chị như người chị ruột của mình, dù chị hơn tôi chỉ 1 tuổi. Cả hai chúng tôi thân nhau từ đó.

Chị có một tính cách khiến tôi phải khâm phục đó là sự kiên định. Chị không bao giờ kể cho tôi nghe về đời tư của chị nếu như chị không có cảm xúc, dù tôi có nài nỉ cách mấy cũng bằng không. Một lần, chị đang may dở chiếc áo bà ba bỗng dưng chị khóc. Tôi lo lắng hỏi:

– Chị có sao không? Chuyện gì thế?

Chị đưa tay lau nước mắt và thở dài thườn thượt:

– Chị nhớ nhà quá!

Rồi như cánh đồng khô hạn lâu ngày được cơn mưa tắm mát, chị huyên thuyên về đời tư của mình. Chị sinh ra trong một gia đình khó khăn, nhà có bốn người, gồm ba mẹ và hai chị em. Thấy những hộ gia đình trong xóm phất lên nhờ có con gái lấy chồng ngoại, cha mẹ đã ép duyên chị. Có nhiều gã đàn ông Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…. được bà mối đưa đến nhà chị “xem mắt” và lấy làm hài lòng về nhan sắc của chị lắm. Tuy nhiên, chị không thiết tha về chuyện tình cảm trai gái nên đã thẳng thừng mời những vị khách lạ mặt rời khỏi nhà ngay. Cha mẹ tức giận, đánh đập chị, sau đó thì quăng tất cả quần áo của chị ra sân và quát to: “Mày đi khỏi nhà tao ngay! Thứ con ăn hại!”. Chị khóc sưng mắt, lặng lẽ khăn gói ra đi mà không một lời phàn nàn. Sáu năm ở thị thành, trải qua nhiều nhà trọ, nhiều công ty, giờ chị mới quay về nghề cũ là thợ may.

– Thế sao lúc mới lên thành phố, chị không mở tiệm may đồ? – Tôi thắc mắc.

– Lấy đâu ra tiền đây em? Với lại lúc đó chị còn xa lạ, bỡ ngỡ với miền đất mới nên không được tự tin như bây giờ. Chị phải tích cóp, tiết kiệm nhiều năm liền mới có được như ngày hôm nay đó.

– Em có một thắc mắc, sao chị không tìm một bến đỗ để an phận tấm thân? – Tôi đột ngột chuyển đề tài.

Chị nói một cách thanh thản, nhẹ nhàng:

– Chị muốn quy y thôi em!

Tôi sửng sốt với câu trả lời này. Chị đẹp, hiền, giỏi nhưng tại sao chị lại muốn ẩn mình nơi cửa Phật? Tôi tiếc cho chị quá!

– Thế sao chị không sớm quy y mà vẫn làm con ong thợ miệt mài như thế này?

Chị lại thở dài. Tôi sợ tiếng thở dài não ruột của chị:

– Chị còn gánh nặng, em à! Ba mẹ chị già rồi, quanh năm chỉ sống nhờ vào mảnh ruộng nhỏ sau nhà thì làm sao no bụng. Vả lại, thằng em chị đang học đại học, chị phải thay ba mẹ nuôi nó cho đến ngày ra trường.

– Họ đối xử tệ bạc như vậy, sao chị còn lo lắng cho họ? Em không tán thành việc này! – Tôi phản ứng kịch liệt.

– Em à, dù họ có làm gì đi chăng nữa thì họ vẫn là cha mẹ của chị. Chị cần phải báo hiếu, phụng dưỡng họ. Mỗi tháng, chị vẫn gửi một ít tiền về cho mẹ chi tiêu trong nhà, thay cha mẹ nuôi cho thằng Út đang học đại học ở Cần Thơ.

Nghe chị tâm sự về cuộc đời của mình, tôi càng ngưỡng mộ, thần tượng chị hơn. Chị bao la quá, vĩ đại quá! Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình không làm được chuyện gì cho ra hồn. Hai mươi bốn tuổi đầu, ra trường hai năm rồi mà công việc vẫn lận đận, cứ cách vài tháng là nộp đơn xin nghỉ việc. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình bất hiếu quá, chẳng làm được gì cho cha mẹ mà lại còn làm cho họ phiền lòng vì tính lông bông.

*

Những ngày cuối tuần hoặc cách một, hai tháng là chị rủ tôi đi chùa, làm từ thiện với chị. Nhưng tiếc là những lúc tôi rảnh thì chị lại bận may hàng núi quần áo, còn lúc chị nhàn thì tôi lại tăng ca. Cho nên quen chị nhiều tháng rồi mà tôi chỉ chở chị đi chùa được một lần duy nhất. Đó cũng là lần gần đây, rằm tháng 7, mùa Vu lan Báo hiếu. Cũng rất lâu rồi, từ cái thời để tóc ba vá miểng vùa đến giờ tôi mới đặt chân vào chốn thanh tịnh của nhà chùa. Được vào chùa, cảm giác trong tôi thật lạ, thật yên bình, thư thái. Tôi cố hít một hơi thật sâu như là cách để quên hết mọi phiền muộn của những ngày xô bồ thường nhật. Mùi nhang trầm cứ làm thính giác tôi cứ lâng lâng. Chị hỏi tôi:

– Em cầu gì?

Tôi lém lỉnh:

– Em cầu giống chị!

– Em biết chị cầu gì sao?

– Biết chứ, em đọc được suy nghĩ của người khác mà. Chị cầu cho cha mẹ mạnh khỏe, cho thằng Út học giỏi, phải không?

– Hay nhỉ! Nhưng còn thiếu…

– Thiếu gì chị?

– Chị còn cầu cho em luôn hiếu thảo với cha mẹ nữa.

– Sao chị cầu giùm em?

– Vì em cũng là em trai của chị mà.

Tôi nhận ra, chị cũng có khiếu hài hước đáo để. Rồi tôi và chị bắt đầu đốt nhang khấn Phật. Tôi khấn rất nhanh, chỉ trong vài phút là xong. Trong khi chị quỳ rất lâu dưới tượng Quan Âm Bồ-tát, mắt không nhắm mà mơ màng như đang đi về nơi xa ngái. Tôi lay chị liên tục mới làm chị hoàn hồn. Lạy Phật xong, chị chưa về vội mà nán lại trò chuyện với các vị Ni cô trong chùa rồi dùng chút cơm chay…

Chị em đang vui vẻ thế đấy, vậy mà chỉ cách vài ngày sau tôi nghe mọi người thông báo rằng chị đi tu. Tôi không ngạc nhiên nhưng hơi thắc mắc là tại sao chị quy y sớm thế, trong khi chị hứa sẽ nuôi em mình ăn học cho đến khi ra trường. Tự nhiên vắng chị, lòng tôi thấy buồn buồn, mỗi tối tan ca về nhà, chẳng còn ai để trò chuyện, để kể cho mình những bài học làm người, đạo hiếu, chữ nhân… Rồi cách bốn ngày sau, bất ngờ tôi nhận được cuộc gọi điện thoại từ chị:

– Em khỏe chứ?

Tôi mừng như nhặt được vàng:

– Vâng, em rất khỏe, mà có điều hơi buồn… Sao chị quy y sớm thế, rồi thằng em chị ai lo?

– Trước tiên cho chị xin lỗi vì không thông báo cho em biết trước. Mấy ngày nay chị bận quá, giờ mới có dịp trò chuyện với em. Thực ra chị cũng tính hai năm nữa mới xuống tóc, mà có một Phật tử hứa làm mạnh thường quân giúp chị, tài trợ tiền học phí cho thằng Út cho tới khi ra trường nên chị mới thay đổi ý định. Giờ chỉ còn ba mẹ, nhưng không sao, chị có dành dụm được một ít, đủ để gửi cho ba mẹ hàng tháng trong khoảng hai năm nữa.

– Chị chu toàn cho gia đình quá. Em chúc mừng chị đã thực hiện được ước mơ của mình.

– Cảm ơn em. Thú thật là bây giờ chị thấy lòng nhẹ nhõm và hạnh phúc lắm! Thôi, chị phải bận việc tưới cây và làm bữa cơm trưa, chị cúp máy nhé. Chúc em luôn thành công trên mọi lĩnh vực. Nhớ sống tốt với gia đình và mọi người, em nhé!

Chị cúp máy vội vã. Cảm giác hụt hẫng len lỏi trong lòng tôi… Tôi hiểu, chị không thuộc về thế giới trần tục như tôi nên không sớm thì muộn chị cũng giải thoát cho mình. Lòng buồn nhưng dù sao tôi cũng thầm chúc chị luôn hạnh phúc với con đường mà chị đã chọn.

Nguyễn Trung Thành/Báo Giác Ngộ