“Quy luật của muôn đời” (6)
Cái năng lực không hạn cuộc bởi không gian, thời gian mà nhiều người thích được nghe xin dành vào dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày về hiện tượng tưởng giải, tưởng tri và mối liên hệ của nó đến thức tri đến thân và tâm, đến với bệnh tật, đến những triệu chứng lâm sàng…
6. Những người hai mặt
Đọc bài “Thiền sư Hongyi: Nguyên nhân khiến nhiều người cả đời không làm điều ác nhưng số phận vẫn hẩm hiu” ta sẽ tiếp nhận những thông tin không mới về về hai mặt trái ngược suy nghĩ và hành động của con người (hay nói rõ hơn cách sống 2 mặt, rất phổ biến) vì người ta luôn nghĩ đơn giản điều đó sẽ không ai thấy, không ai đọc được suy nghĩ bên trong ta, trừ quyền năng tha tâm thông. Chính điều này tạo nên một ảo tưởng về năng lực thần quyền trong giới thiền chữa bệnh. Cái cách trò chuyện mà nheo đôi mắt, hay nhắm nghiền lại như đang “lắng nghe bên trong” người đối diện thật sự nghĩ gì cũng khiến người ta chột dạ. Cái năng lực không hạn cuộc bởi không gian, thời gian mà nhiều người thích được nghe xin dành vào dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày về hiện tượng tưởng giải, tưởng tri và mối liên hệ của nó đến thức tri đến thân và tâm, đến với bệnh tật, đến những triệu chứng lâm sàng…
Bạn cần đọc lại “Nghẽn tắt”, “Khai thông”, “Luận về tứ đại”.
Đặc biệt ở “Quy luật của muôn đời” các số trước để thấy mối liên hệ tâm thức trong bốn uẩn Thọ, Hành, Tưởng và Thức với những trường hợp bệnh mà TSH gọi là thần kinh giả. Tôi còn một số bài nữa mà ở trang này chưa kịp tải lên nhằm phân tích về cái “thế giới tâm linh” đầy những nhầm lẫn, cạn cợt và biến cái đơn giản thành phức tạp của “Thiền chữa bệnh”. Trong tâm lý học thần kinh, Phân Tâm Học (PTH) mổ xẻ khá rõ ràng về vô thức, thậm chí sâu hơn nữa về tiềm thức, tàng thức và gây nên bất đồng giữa những bậc thầy PTH (K.Jung và S.Freud).
Tôi không đi sâu phân tích những giới hạn trong bài về “…Người ta nghĩ gì, không buông bỏ được gì, đều có thể gọi tên. Đó là một loại tâm lý xuất phát từ trái tim, thể hiện những suy nghĩ thật nhất của con người…” Hay “…Một người nghĩ gì, cả vũ trụ đều biết điều đó… Khi bạn nghĩ về nó, nó sẽ làm xáo trộn mọi điều… tạo thành một từ trường tương ứng. Những từ trường này sẽ có tác động nhất định đến vận mệnh con người…”.
Trong “Những người quanh tôi” tôi có nói đến số phận của từng con người thông qua tư duy, qua đời sống tinh thần qua cái tâm là chính nhưng chỉ mới nói khái quát. Muốn hiểu rõ hơn, bạn cần tìm hiểu về cơ chế hoạt động của hợp thể tứ đại.
Tôi không phải nhà nghiên cứu vật lý để có thể phân tích những tương tác lý hóa những phân tử ion, những electron và các thành phần đã tạo nên cái từ trường thường thấy ở nghĩa trang. Nhưng việc săn lùng những quả cầu nghiệp lực thu hút tôi mất một thời gian khi còn làm việc tại TTDS Bình Dương. Xin chuyển đến các bạn những dữ liệu về tứ đại qua bài viết của Tuệ Quí, một người tôi chưa quen. Tôi có vài chính sửa theo ý mình, thành thật xin lỗi Tuệ Quí.
1. Pathavi: Yếu tố giãn nở, là đất (chất rắn), chính yếu tố giãn nở này mà các vật chất có một cái ngoại viên và chiếm lấy một khoảng không gian nhất định. Bất kỳ vật nào có chiếm lấy một phần thể tích trong không gian thì đó chính là Pathavi, như vậy, Pathavi không chỉ là đất. Một dòng sông cũng có Pathavi. Đại dương mênh mông cũng là Pathavi và chúng ta thấy đại dương là thấy qua cái Pathavi đó, Pathavi dễ dàng nhận thấy đối với các chất rắn. Đối với chất lỏng, tính Pathavi của chất lỏng phụ thuộc nhiều vào hình dáng của vật chứa chất lỏng đó. Điều này cũng tương ứng với tính Pathavi của chất khí. Bên cạnh đó Pathavi còn là cái tính nặng như kim loại, nhẹ như bông gòn, cứng như đá hay mềm như bột cũng là những trạng thái, những tính chất của Pathavi.
2. Apo: Yếu tố liên kết nước (chất lỏng) trong một vật thể so với các yếu tố khác mạnh là chất lỏng hay yếu hơn là chất khí. Chúng ta biết, vạn vật đều được cấu tạo từ các nguyên – phân tử nhỏ bé. Các phân tử liên kết lại với nhau để cấu thành nên các chất rắn, lỏng và khí. Chúng luôn luôn tương tác (hút và đẩy) nhau, sự liên kết đó chính là Apo. Từ các liên kết to lớn như các hành tinh trong một hệ hành tinh, các căn nhà trong một dãy nhà,…đến các liên kết nhỏ hơn như các mắc xích trong một sợi xích, các tép bưởi trong một múi bưởi,…và cuối cùng là các liên kết bé nhỏ mà mắt người không thấy được, như những giọt nước trong đại dương bao la, hay giữa nguyên tử Oxy và Hydro trong một phân tử nước,… tất cả các liên kết đó đều là Apo. Khi tính Apo mạnh mẽ, chặt chẽ; lúc đó các nguyên tử và phân tử nằm sát nhau thì vật được gọi là chất rắn. Chất lỏng có tính liên kết phân tử yếu hơn chất rắn, tính Apo yếu hơn chất rắn. Do đó, ta gọi các chất là rắn, lỏng hay khí là dựa vào tính Apo của các vật chất.
3. Vayo: Chuyển động gió (chất khí), chúng ta biết, các nguyên tử và phân tử cấu thành các vật chất (rắn, lỏng, khí) luôn luôn chuyển động hỗn độn, không ngừng đó chính là tính Vayo. Sự chuyển động không chỉ vận hành ở chính bên trong mỗi vật chất mà còn là sự chuyện động tương đối giữa vật chất này và vật chất khác. Một vật được xem là đứng yên hay chuyển động khi có một cái mốc cụ thể được ấn định. Tuy nhiên, không có một vật nào được xem là bất động hoàn toàn trong vũ trụ. Khi nó bất động với cái này thì lại chuyển động so với một cái khác. Hành khách trên xe có thể xem là bất động với chiếc xe, nhưng lại chuyển động so với hàng cây bên đường. Bên cạnh đó, chính vị hành khách cũng sẽ không bao giờ bất động hoàn toàn giữa hai khoảnh khắc thời gian nối tiếp nhau, tất cả những sự chuyển động vừa nêu đều là Vayo.
4. Tejo: Nhiệt năng hay trường điện từ lửa, việc xác định yếu tố “nóng” hay “lạnh” ở một vật thể chỉ mang tính chất tương đối. Khi ta nói “lạnh” có nghĩa là nhiệt độ của vật này thấp hơn nhiệt độ của vật khác. Khi ta nói “nóng” đồng nghĩa vật có nhiệt độ cao hơn. Như vậy, cái “nóng” và “lạnh” đều là một yếu tố của nhiệt độ và đều là tính chất của Tejo.
“…Quả cầu nghiệp lực – “tứ đại giai không” đấy các thầy ạ. Nó lơ lửng giữa không trung chờ tái sinh. Quả cầu ấy, hiệu ứng của khí mê – tan bốc lên nơi nấm mồ vừa chôn. Bạn có thể nhìn thấy ở khu nghĩa địa nào đấy. Tại TTDS Bình Dương tôi vẫn lưu giữ hình ảnh”.
Có hai chiều của sự tranh cãi bất tận “có” hay “không” có linh hồn. Tôi nhớ câu chuyện hai người cãi vã rất căng một đề tài nào đó. Bất chợt gặp một nhà hiền triết nhờ ông phân minh. Nhà hiền triết lắng nghe cuối cùng quay qua người bên trái. “Ông nói sai một nửa” Người bên phải có vẻ phấn khích, ông lại quay sang “Ông nói đúng một nửa”. Thế đấy, mọi tranh cãi chỉ giành được một phần đúng, sai chứ không thể chiếm lấy trọn vẹn phần chân lý. Phí công vào những cuộc tranh biện, chi bằng tự bồi đắp hiểu biết, tự đào sâu tư duy để có chánh tư duy, đó cũng là lời Phật dạy.
Linh hồn là gì? Người ta hình dung ra thế giới ma quái, kinh dị, đáng sợ để gán cho linh hồn và sợ hãi, khiếp đảm cái thế giới hồn ma ấy (Giải độc 5: Truyện ma).
Tội cho các thầy, học cho nhiều giáo lý, để tranh cãi, để hý luận dông dài, tranh biện quyết liệt để thắng thua, nhưng…lại rất sợ ma…
Rất nhiều thầy luận về “tứ đại giai không” nhưng sợ thì vẫn sợ. Ngay đến lập luận về định luật “Bảo tồn chuyển hòa năng lượng”- Esmilie du Châtelet (1706-1749) có vẽ trường tồn, vững chãi nhưng từ hàng ngàn năm trước Đức Phật đã thuyết về sự tái sinh, về sự tăng trưởng thiện ác, về nhân quả, về nghiệp đã cho ta thấy vạn vật không chỉ bảo tồn, giữ nguyên, mà thay đổi chuyển hóa tăng trưởng theo định luật vô thường Sinh-Trụ-Hoại-Diệt. Lịch sử về sự biến dịch của vũ trụ chẳng đã chứng minh bằng hiện tượng Big Bang, bằng sự giãn nở không ngừng nghỉ, bằng kỷ băng hà.
Sự biến dịch mà Đức Phật đã giảng giải về 4 thành tố trong vũ trụ chất rắn, chất lỏng, chất khí và nhiệt năng , đó là Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) về sự tương hợp, tương ưng rõ ràng. Sự giả hợp tạm thời, không có cái gì là vĩnh cữu. Giới văn chương tưởng tượng ra thế giới vĩnh hằng đơn giản chỉ là tưởng tri, hoàn toàn không có, không có cái vĩnh hằng ấy. Con người chết đi, tứ đại tan biến và và bắt đầu tiến trình tương tác để cấu tạo một hay nhiều hợp thể khác. Cái quả cầu nghiệp lực mà ta thấy có thể gọi là cái tâm, gọi là linh hồn cũng được. Tôi không chắc một người khi biến hoại hóa ra mấy quả cầu như thế. Nhưng chăc chắn sự mã hóa thông tin trong cuộc đời một con người sẽ tiếp tục với hành vi với tính cách và với số phận xuyên suốt tiền kiếp, hiện tại, vị lai.(Nếu gọi sự vĩnh hằng biến dịch có lẽ cũng đúng, sẽ đúng một phần, có điều quả cầu nghiệp lực là một gián đoạn “tư duy”).
Tuy vậy điều đó cũng không phải đã mặc định số phận mà hoàn toàn chịu sự tương ưng nhân quả, thay đổi của duyên nghiệp thiện ác trong cuộc đời mỗi người. Còn cái quả cầu kia bản thân nó chỉ lơ lửng, vô tri, tạm dừng hết mọi hoạt động, mọi cảm xúc, tư duy, hờn giận, chẳng có thù hằn như khi là một con người. Nhưng đôi khi ta vẫn nghe có trường hợp “nhớ” về tiền kiếp. Điều đó cũng không lạ bởi khối cầu nghiệp lực là hai hợp thể chính tưởng và hành nằm trong mô hình “tứ đại”. Và nó đâu chịu ở yên trong hình thái đó! Đặc biệt chẳng phải “cầu siêu” nó cũng siêu, chẳng phải “cầu an” vì an định hay không lại là quan điểm, suy nghĩ của mỗi một con người. Còn cái linh hồn thì tuyệt đối…không phải là con ma chết oan chết ức, chết tức chết tối đi phá phách, đi quấy rối, đi “nhát” những người u mê, tham dục nhiều, hay sợ hãi khiếp đảm, lậu hoặc đầy ứ trong thân tâm. Tất cả các con ma…đều từ tưởng thức lưu xuất, phóng xuất ra. Năng lực của tưởng là một sáng tạo phi thường, không hạn cuộc, nó là xưởng phim hoạt hình, là hiệu ứng photoshop, và mọi hiển thị chính là sự tương ưng của chủ thể.
Người ta bảo nghiệp đi tái sinh là vậy, không thể tách rời thân tâm đã đành, nhưng luận âm-dương, thiện-ác như “hai mặt đối lập và mâu thuẫn thống nhất cùng tồn tại”, nên lại lấy ma vương làm đạo bạn, nên lại xem mọi sự là thường, lạc, ngã, tịnh, lấy hai vị hộ pháp để bảo vệ chốn thiền môn, thì thôi…không còn gì để nói nữa, chẳng còn gì để bàn nữa! Ta cứ vô tư chìm đắm giữa luân hồi và mặc sức cho phần âm, cho ông ác làm mưa làm gió còn ông thiện lặng thinh, không dám nói một lời.
Cuộc chiến bên trong mỗi người chúng ta như thế đấy, giữa thức và tưởng, giữa thiện và ác, giữa bệnh tật và sức khỏe, giữa phiền não với an nhiên. Đã vậy, làm sao bạn có tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Làm sao bạn có tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không…Nói về giác ngộ mà chẳng biết cảm giác sơ thiền, nói về hướng thiện mà không biết lậu hoặc, ác pháp là gì? Đọc bài thơ “Sống”, bạn sẽ mặc nhiên như thế, hoặc đang tác ý, đang ám thị, đang dụng công, tự bảo mình như thế, phân biệt rõ hai trạng thái của tâm nhé.
Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mĩm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống chan hoà với những người chung sống
Sống là động mà lòng luôn bất động
Sống là thương mà lòng chẳng vấn vương
Sống vươn lên danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Hết.
Kỳ Nam