Quay đầu lại, nhưng quay lại đâu?
Nói quay đầu lại, nhưng quay lại đâu?
Rồi chính đó là bờ mé, nhưng là bờ mé gì?
Chỗ này thì không thể nói suông, giải thích suông mà được, mà là một sự thể nghiệm chân thật ngay chính mình mới rõ suốt.
Để rõ điểm này, xin dẫn chuyện Ngài Văn Thù – Tư Nghiệp.
Sư trước kia sống bằng nghề đồ tể. Một hôm, nhân lúc sửa soạn giết một con heo, bỗng nhiên Sư triệt ngộ bản tánh chính mình, và làm bài kệ:
“Tạc nhật Dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện.
Bồ-tát dữ Dạ-xoa,
Bất cách nhất điều tuyến.”
Dịch:
“Hôm qua lòng Dạ-xoa,
Sáng nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát và Dạ-xoa,
Chẳng cách một kẽ tóc.”
Sau đó, Sư đến gặp Thiền sư Đạo ở viện Văn Thù, Đạo hỏi:
– Trong lúc giết heo, ông thấy cái gì mà cạo đầu đi tham bái hỏi thiền?
Sư không nói một lời, đứng im làm thế đang mài dao.
(Tục Truyền Đăng, quyển 31)
Như vậy, làm Dạ-xoa, từ đâu mà làm?
Từ “Tâm” thôi chớ gì?
Nhưng là tâm ngu si, tâm hung ác.
Làm Bồ-tát từ đâu mà làm?
Cũng chính từ “Tâm” thôi, ngoài tâm lấy gì làm Bồ-tát?
Nhưng là tâm từ bi, giác ngộ.
Nếu ngoài tâm, lấy gì gọi là ngu si, hung ác? Lấy gì gọi là từ bi, giác ngộ?
Cho nên, Dạ-xoa hay Bồ-tát cũng ngay tâm mình thôi, chỉ cần tỉnh ngộ trở lại là xong, không phải tìm Bồ-tát ở đâu xa.
Song trong chỗ này làm sao diễn tả cho người hiểu?
Cho nên chỉ im lặng làm thế mài dao, dành cho người tự chứng biết thôi.
“Quay đầu lại chính đó là bờ mé”, thật có nhiều ý nghĩa nói không thể hết, không thể định nghĩa theo ngôn ngữ, danh từ thông thường mà cho là đã đủ, cần phải có một sự thức tỉnh sâu xa tận nguồn tâm mới không hổ thẹn.
Nói “quay đầu là bờ mé”, là để đánh thức trở lại những tâm đang chạy tìm kiếm lang thang bên ngoài.
Chính bệnh hướng ngoại là bệnh chung của con người.
Nhưng không có gì lạ, bởi gốc do mê mất “bản tâm” từ lâu, không còn nhớ biết mình là gì, nên cứ chạy đuổi theo ngoại trần, luôn luôn tìm kiếm những cái từ bên ngoài.
Dù nói học đạo, vẫn cứ muốn tìm học ở đâu đâu, nếu bảo học đạo mà “không chỗ học”, có chịu chăng?
Chúng ta nhìn kỹ lại, ngày nay khoa học đã tiến bộ đến mức thật là siêu, nhưng vẫn là luôn tìm kiếm bên ngoài.
Do đó càng tìm, càng thấy còn nhiều điều chưa biết, chưa hiểu!
Bởi sức người có hạn, vũ trụ thì bao la, tìm bao giờ cho trọn?
Tìm chưa gì thì đã hết một đời người rồi!
Câu hỏi vẫn còn luôn để sẵn đó.
Trong đạo, nhất là thiền thì luôn luôn đánh thức chúng ta phải tự soi trở lại gốc, biết gốc thì rõ ngọn không phải lo ngại gì.
Song gốc là gì?
Chính là “khéo nhận bản tâm”.
Bởi dù có cảnh mà không có tâm, thì cảnh đó có cũng như không, chỉ là cảnh chết, không thành vấn đề.
Cũng như ngay đây, người sống mà không có tâm, thì sống cũng như chết thôi.
Có điều, đã là bản tâm chính mình, lại phải đi tìm ở đâu? Quả thật càng tìm, càng xa!
Như bài kệ Vua Trần Thái Tông nói về núi thứ nhất:
“Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm,
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh.
Tỷ trước chư hương thiệt tham vị,
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thinh.
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.”
Tạm dịch:
“Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tai đuổi thinh,
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.”
Nghĩa là, ngay trong vô niệm, đang sống trong vô niệm đó, nhưng vừa động khởi, liền rơi vào hữu niệm.
Đã có niệm, tức là đi vào trong sanh tử, là trái với thể vô sanh từ muôn thuở rồi.
Chính ngay chỗ đó, là chỗ mê mất bản tâm.
Do mê mất bản tâm, nên cứ lang thang trong sáu trần cảnh, cứ buông cái này, bắt cái kia, chạy mãi luân hồi trong sáu nẻo, quên hẳn cả đường về!
Trong khi đó, đường về vẫn ở ngay trước mắt!
Giờ đây, dù có nghe nói đến bản tâm, song cũng tưởng tượng là cái gì đó, ở đâu đâu, nên lại đi tìm nữa, thật tự đáng thương cho chính mình là đấy!
Trích trong: Hồi đầu thị ngạn.