Quán sát thiện tri thức như mặt trăng
Ảnh minh họa
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn, sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:
– Này Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.
Thế Tôn nói: Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi. Phạm chí Sanh Văn bèn hỏi:
…
– Cù-đàm, nên quán sát thiện tri thức như thế nào?
Thế Tôn đáp:
– Này Phạm chí, hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng.
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
– Cù-đàm, thế nào là quán sát thiện tri thức như mặt trăng?
Thế Tôn đáp:
– Này Phạm chí, cũng như mặt trăng trong thời mới mọc, còn non, trong vắt, càng ngày càng tăng trưởng. Này Phạm chí, cho đến một lúc, vào ngày mười lăm trong tháng, vành trăng tròn đầy.
Này Phạm chí, cũng vậy, thiện tri thức đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm, người ấy được tín tâm rồi, sau đó lại có hiếu thuận, cung kính, hành vi tùy thuận, vững vàng trên chánh trí, hướng đến pháp và tùy pháp. Người ấy lúc bấy giờ tăng trưởng tín, trì giới, bác văn, thí xả, trí tuệ cũng tăng trưởng. Này Phạm chí, cho đến một lúc, thiện pháp nơi thiện tri thức ấy được trọn đủ như mặt trăng ngày rằm vậy.
– Này Phạm chí, như vậy hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Hà khổ, số 148 [trích])
Trong pháp thoại trước, Đức Phật dạy hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng. Đoạn pháp thoại này, Đức Phật cũng dạy quán sát thiện tri thức như mặt trăng. Chỉ khác là ác tri thức thì như trăng già, ngày càng lu mờ rồi tăm tối như đêm ba mươi. Còn thiện tri thức thì như trăng non, ngày càng sáng dần cho đến rạng ngời trăng tròn vành vạnh.
Trong quá trình tu học, tìm được và thân cận các bậc thiện tri thức có vai trò quan trọng. Ngày nay, có thể tìm thầy gián tiếp trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, phải thân cận mới có thể nhận ra bậc thiện tri thức đích thực. Đầu tiên, cần dựa vào các tiêu chí căn bản như tín tâm, hiếu thuận, cung kính, có chánh trí để nhận diện bậc thiện tri thức.
Lòng kính tin Tam bảo kiên định, tin Phật là đấng Giác ngộ, tin Pháp là con đường đúng đắn nhất để đi đến giác ngộ, tin Tăng là những bậc phạm hạnh đang đi trên con đường đến giác ngộ. Sự hiếu thuận đối với cha mẹ và thầy tổ, sự cung kính mọi người -nhất là những bạn đồng tu. Đặc biệt là phải có chánh trí, chánh kiến, có quan điểm đúng đắn và rõ ràng về Chánh pháp là những phẩm chất của bậc thiện tri thức.
Kế đến, quan sát về “tín, trì giới, bác văn, thí xả, trí tuệ” của người ấy, thấy rõ có sự tăng trưởng theo thời gian để nhận diện bậc thiện tri thức. Năm yếu tố này là thước đo phẩm chất của người tu đồng thời cũng là nền tảng của mọi thiện pháp nhằm hướng đến giác ngộ và giải thoát. Người tu chân chính thì tín, giới, văn, thí, tuệ ngày một tăng trưởng cho đến viên mãn. Mọi hào quang như bằng cấp, chức vụ, chùa to, Phật lớn, tín đồ đông không phản ánh đúng và đủ những phẩm chất của bậc thiện tri thức.
Bậc thiện tri thức có thể là Tăng Ni và cũng có thể là cư sĩ; miễn sao tín, văn, giới, thí, tuệ nơi họ ngày càng tăng thêm, sáng chói như trăng rằm. Vị ấy chính là bậc thầy, bạn đồng tu tin cậy, cần nương tựa lâu dài để học hỏi, soi sáng, trợ duyên cho nhau trên đường vốn dĩ nhiều chướng ngại, khó khăn.