Quả lành của việc giữ giới (Đạo đức)

Hỏi: Khi ta thọ trì giới được trong sạch, ai là người được hưởng quả ấy? Và người ấy được hưởng những gì?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáp:

Ðiểm quan trọng trong sự giữ giới là cố ý xa lánh điều ác: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, và uống rượu. Ðức Phật dạy trì giới là tỏ ý muốn cho con người trở nên thuần lương đạo đức.

Vì thường con người thiên về tội lỗi bởi bẩm tính Tham, Sân, Si nên không nhận định được điều tội lỗi để xa lánh. Vì sự tối mê không nhận định được chính tà nên Ðức Phật gọi là vô minh.

Vô minh là một phiền não quan trọng nhất, nó là nguyên nhân đưa chúng ta luân hồi mãi mãi không ngừng. Khi Ðức Thế Tôn còn tại thế, Ngài thường dạy ta nên cố mau mau xa lánh đời để tìm giải thoát. Vì chúng ta còn nhiều phiền não nên không giác ngộ được các pháp cao sâu mầu nhiệm là Thánh pháp.

Hôm nay chúng ta có được chút duyên lành gặp Phật pháp, vậy chúng ta nên gia tâm học sưu tầm chân lý hầu mạnh tiến trên con đường giải thoát của Ngài đã vạch sẵn.

Khi ta trì Giới được trong sạch, thì chính bản thân ta được hưởng quả an vui, đồng thời người chung quanh ta như vợ con, quyến thuộc sẽ được ảnh hưởng đạo đức của ta, người trì giới là người tự tạo hạnh phúc cho mình, và làm cho người khác vui thích hạnh thanh cao để hành theo. Sự an vui của người xung quanh mình là trong gia đình, ông chồng là người có giới đức thì bà vợ được an vui, vì không còn sợ chồng mình làm những việc xấu xa nhất như tà dâm. Cha mẹ không lo sợ con mình phạm vào 5 điều tội lỗi. Ðó là kết quả ta trông thấy hiện tại là cái quả nhỏ nhất, kế tiếp là khi những người nhỏ trong nhà như con em thấy vậy kính nể và noi theo gương mà hành theo. Người có giới đức trong sạch được hưởng quả tối thiểu là không sợ vi phạm pháp luật quốc gia, không lo có oán thù, không sợ có oan trái. Nhờ có tu giới người Phật tử dọn đường để tu định, và nhờ có giới định nên tuệ được tiến hóa đến nơi giải thoát Niết Bàn.

Trở lại vấn đề trì Giới, trì Giới là xây nền móng vững chắc của người tu giải thoát. Người giữ giới gọi là người xây nền tảng rất kiên cố cho thân và tâm, khi ấy thân tâm mới kiến thiết lâu dài “Ðịnh và Tuệ”. Vì vậy Giới là điều quan trọng nhất mà người Phật tử chân chính cần phải có, nói một cách khác Giới là bước đầu tiên của người tu Phật.

Còn nói về nền tảng thì chắc ông đã hiểu rõ sự cần thiết của nó đến độ nào rồi. Phàm một cái nhà nhỏ mà chưa có nền chắc cũng không được, huống chi xây cất một tòa lầu, hay đắp một quan lộ mà thiếu nền móng vững chắc thì thật là tai hại. Phần đông người đời, quen xem hình dáng hào nhoáng bên ngoài của sự vật, ít ai chịu khó nhìn cho thấy rõ nền tảng trọng yếu bên trong. Như người lái xe chỉ thấy đường bằng phẳng thôi chớ không chịu nghĩ nhờ biết bao nhiêu công phu khó nhọc lúc bắt đầu khởi đắp nền móng vững chắc, nên ngày nay con đường mới được êm ái như vậy. Như người chỉ trông thấy lâu đài nguy nga đẹp đẽ nhưng mấy ai nghĩ đến lâu đài ấy cần phải có một nền tảng kiên cố chắc chắn, tốn hao công lực đến chừng nào. Tuy nhiên xem xét nền móng một quan lộ, một lâu đài tương đối là dễ. Nhưng khi xem nền tảng của một tu sĩ, hay căn bản của sự tu học của chính bản thân ta, quả là một điều khó vô cùng. Ví như một nhà quí phái rất dễ nhận được sự sang trọng, nói năng hoạt bát bên ngoài, nhưng ta làm sao biết người ấy là người Thiện hay Ác.

Muốn biết được nền tảng đạo đức bên trong của người nào thì ta phải xem xét hành động và lời nói của người ấy, hay nói cho rõ hơn là phải lưu ý tới năm thói quen xấu sau đây:

1. Hung ác (sát sinh, hành hạ người hay thú).

2. Mau tay (trộm cắp).

3. Tâm lẹ (là Tà dâm, ý nói người thích tà dâm khi trông thấy sắc đẹp tâm chạy theo liền, ta dễ nhận thấy tính này bằng cặp mắt lố lăng hay cử chỉ của họ).

4. Nói dối, nói lời hung ác, chửi rủa, mắng nhiếc, nói thâm thọc.

5. Thiếu trí nhớ (ý nói uống rượu say sưa làm tâm trí lu mờ).

Người có một trong năm tật xấu trên là người thiếu nền tảng đạo đức vững chắc, người ấy là người chưa đắp được con đường giải thoát chắc chắn.

Phàm người có được trong năm điều ấy thì không làm việc gì nên, chỉ chuốc lấy cái hại cho mình thôi. Nếu ta dùng phải người ấy trong chuyện gì thì càng đem lại tai hại cho ta mà thôi. Sự tu hành để đến nơi giải thoát cần có một nền tảng đạo đức kiên cố. Nền tảng này không thể làm bằng xi măng cốt sắt, nhưng lại bằng Ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Năm điều này là nền tảng chắc chắn nhất của người tu giải thoát.

Khi ở trong một tòa nhà nguy nga lộng lẫy mà có một chỗ nứt rạn thì lòng ta chẳng yên vì ta không biết nó sụp đổ ngày nào. Cũng như người tại gia cư sĩ mà phạm một điều nào trong năm giới răn thì làm cho thân nhân hằng lo sợ dùm mình, như trẻ con tính tình ngỗ nghịch cha mẹ biết rõ nó không thể giữ một trong năm điều răn cho trong sạch, khi đứa bé ấy đi đâu cha mẹ thường phập phòng lo sợ, vì không biết con mình sẽ bị tai hại lúc nào do bởi quả của người không có giới đức hoàn toàn trang nghiêm.

Giữ giới để xây dựng cuộc sống lành mạnh từ vật chất đến tinh thần

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hỏi: Xin cho biết trì Giới ấy chính nghĩa là gì?

Đáp:

Theo phạm ngữ, trì Giới là “Giữ cho được tự nhiên”. Trước hết, tôi xin giải thích tiếng Giới có nghĩa là tự nhiên, rồi sau sẽ giải thích đến tiếng thọ trì.

Thí dụ mặt trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng Tây, không bao giờ thay đổi vị trí, đó là tự nhiên của nó. Sự mọc lặn của mặt trời từ vô thủy đến bây giờ vẫn y như vậy nên gọi là tự nhiên.

Thân người có nhiều cơ quan khác nhau để dùng tùy theo chức năng của nó, như mắt để xem, vì đó là tự nhiên của mắt, không thể dùng mắt để nghe hay ăn. Nếu ta dùng ngũ quan không đúng chức năng của nó thì trái với tự nhiên sẽ không được việc.

Tất cả mọi việc gì yên tịnh, thuận tình, hợp cảnh đó là Tự nhiên. Một trận bão to đột ngột làm hại người, sự việc đó không còn là tự nhiên nữa.

Những ví dụ trên cho thấy rằng: Vạn vật đều có sự tự nhiên của nó.

Muốn hiểu về giới tự nhiên ta cần nên biết tới lời khuyên của Ðức Thế Tôn như giới không sát sinh chẳng hạn. Thử hỏi giết hại và không giết hại, điều nào tự nhiên? Chắc chắn ai cũng đáp: “Tự nhiên là sự không giết hại”. Nếu sự giết hại là tự nhiên của con người thì chúng ta không còn ai sống sót tới ngày nay. Vì nếu ta tránh được người này thì chắc chắn không thoát khỏi tay người khác, mà rồi Pháp luật cũng không trừng phạt kẻ sát nhân. Bởi vậy cho nên mới nói người giữ giới không sát sinh là người giữ được tự nhiên vậy.

Bốn điều tự nhiên còn lại trong ngũ Giới đều có thể hiểu như lời giảng trên.

Trích từ “Giải đáp thắc mắc của người cư sĩ”.

Pháp sư Thông Kham