Quả báo là bài học để điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình

Phải chăng duyên nghiệp của một người không có cách nào thay đổi trừ khi duyên hết, nghiệp tan thì tự khắc sẽ thay đổi và không cần bất cứ một sự can thiệp nào? Phải chăng lòng từ bi chỉ có thể đứng nhìn? Phải chăng chỉ cần đọc kinh cầu nguyện thì tâm ta sẽ thanh thản hơn?

Con thường suy nghĩ về duyên và nghiệp và thấy rằng mọi sự khổ đau hay hạnh phúc, giầu có hay nghèo khổ, thuận lợi hay bất trắc đều có lý do của nó.

Tại sao có người không thoát được sự khổ đau mặc dù họ được giúp đỡ rất nhiều? Tại sao có những người sinh ra từ thuở lọt lòng đến khi già chết không bao giờ thấy khổ mặc dù bất kỳ hoàn cảnh nào?

Tại sao có những người siêng năng làm lụng vất vả cũng không có dư, thường cảm thấy thiếu thốn? Nhưng cũng có người chỉ cần họ làm bất cứ gì cũng may mắn thuận lợi, thường cảm thấy no đủ và hạnh phúc?…

Cũng có người từ khi lọt lòng đã bị đánh đập dã man nhưng không bao giờ thoát được cảnh đầy ải và cũng có người vừa sinh ra đã được chào đón nâng niu như báu vật.

Phải chăng duyên nghiệp của một con người không có cách nào thay đổi trừ khi duyên hết, nghiệp tan thì tự khắc sẽ thay đổi và không cần bất cứ một sự can thiệp nào?

Phải chăng lòng từ bi chỉ có thể đứng nhìn, đau xót và lặng lẽ quay đi?

Phải chăng chỉ cần đọc kinh cầu nguyện thì tâm ta sẽ thanh thản hơn?

Bản thân con cũng thường cảm thấy lo lắng và sợ hãi mỗi khi có biến cố trong cuộc sống của con, nhưng rồi con cũng thấy mọi việc rồi cũng qua đi như một an bài nào đó theo quy luật tự nhiên của nó và rồi con lại thấy thân tâm nhẹ nhàng hơn.

Nhiều khi có người nói con vô tâm đến nỗi không khóc lóc khi ai đó bị vướng vào cảnh khổ, nhưng con không đáp trả vì con biết trong tâm con luôn thương xót nhưng không thể giúp gì được, đành chỉ quay đi. Vậy thưa Thầy phải chăng thật sự con đã hành động sai?

Con xin Thầy chỉ dạy.

382234914_2343488452507882_2859718744400299214_n

Đáp: 

Không cần thay đổi duyên và nghiệp quả do nhân quá khứ, nhưng nghiệp nhân hiện tại thì có thể thay đổi theo hướng đúng tốt. Khi hiểu nhân quả là bài học giác ngộ thì nên nhận lãnh quả báo để học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình.

Người mê cứ gieo nhân xấu nhưng không muốn gặt quả khổ.

Người trí xem quả khổ là yếu tố cần thiết thức tỉnh thái độ nhận thức và hành vi sai xấu để họ sống đúng tốt hơn.

Nếu có giúp thì nên giúp người khác thay đổi nhân cho đúng tốt chứ không thay đổi quả mà chính họ đã gây ra…

HT. Viên Minh