Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư (II)
Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư (I)
2. Phương thuốc trị lành tâm bệnh cho con người
Kinh Dược Sư gửi một thông điệp đến tất cả mọi người về một lý tưởng độ sinh của đức Phật Dược Sư về một con đường tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, thông qua những nguyện lực, tha lực của đức Phật. Nó đánh thức con người nhận thức rõ bản chất của nội tâm, làm trỗi dậy chất liệu giác ngộ tiềm ẩn bên trong của chính con người, mà từ lâu chúng ta lãng quên, thờ ờ, lạnh nhạt, sống vô tình, vô nghĩa với chính bản thân chúng ta.
Những đức tính cao cả, những phẩm chất tốt đẹp của con người được gợi mở, nhớ lại từ hình ảnh vị “Phật lương y” để chúng ta tự mình chuyển hoá tâm thức mình, làm sống dậy ông “Phật Dược Sư” của chính mình. Do đó, đức Phật Dược Sư chỉ cho con người thấy được cái bệnh tiềm tàng bên trong chúng ta đó là:
“Bệnh tham, sân, si, tật đố; bệnh kiêu mạn, ngạo nghễ; bệnh không biết thiện ác; bệnh không tin tội phước; bệnh bất hiếu, ngũ nghịch; bệnh huỷ nhục Tam bảo…bệnh dầu gặp thầy thuốc cũng không nhằm; cho đến nhiều thứ bệnh tai nạn, lấn hiếp, huỷ nhục, buồn rầu, bức rức, thân tâm chịu khổ…”.
Đối với căn bệnh trầm kha của con người quá sâu nặng, dù cho chuyên gia tâm lý tài giỏi như hiện nay cũng khó có thể trị lành bệnh, nếu có chăng cũng chỉ là một liều thuốc “an thần” nhằm trấn an tinh thần và lãng quên tạm thời trong cuộc sống. Mặt khác, nếu tìm đến sự lễ bái bằng hình thức, sự mong cầu từ hình tướng cũng không thể trị được tận gốc căn bệnh nan y của con người.
“Thuốc từ bi, hỷ xả, thuốc nhẫn nhục nhu hoà, thuốc chính tín Tam bảo, thuốc cần tu phước huệ, thuốc lục Ba la mật, thuốc cam lồ đầy đủ, thuốc mong cầu pháp vị, thuốc tu tâm dưỡng tính, thuốc phản bổn hoàn nguyên, thuốc có lỗi biết ăn năn, thuốc thiện xảo phương tiện, thuốc không động thanh sắc, thuốc thanh tâm đoạn dục…”.
Phương pháp quán chiếu tâm là một trong những phương pháp hết sức đặc thù của Phật giáo, là nền tảng cốt lõi trong các pháp môn, tất cả vạn pháp đều xuất phát từ tâm.
Tuy nhiên, không phải căn bệnh nào cũng phải sử dụng thuốc như nhau, phải tuỳ theo bệnh của con người có nặng, có nhẹ mà hoà trộn theo tỷ lệ phù hợp với tâm bệnh của họ. Cũng như một vị bác sĩ, một lương y tài giỏi bắt mạch kê toa phải phù hợp với bệnh lý; người bệnh nhức đầu, cảm sốt, không phải lúc nào cũng uống panadol, tylennol, mà phải khám, bắt mạch để chẩn đoán nguyên nhân của căn bệnh, nó xuất phát từ đâu, từ bệnh lý thông thường hay bị nhiễm bệnh từ virus, hệ thần kinh, não bộ có vấn đề hay không.
Song, vấn đề ở đây là con người phải nhận thức rằng bệnh của chúng sinh là bệnh huyễn, thuốc là phương tiện trị lành căn bệnh, một khi bệnh đã lành thì không thể uống thuốc nữa, nếu uống thuốc tiếp tục thì người không bệnh sẽ trở thành bệnh và có khi bệnh càng nặng thêm.
Do vậy, mô típ “xin – cho” hay “hữu cầu tất ứng” không phải là vấn đề cốt lõi trong trường hợp này. Bởi lẽ, đức Phật đã xác định rất rõ trong kinh: “Như Lai nói pháp chỉ là một tướng, một vị. Nghĩa là tướng giải thoát, tướng ly, tướng diệt, cứu cánh Niết bàn, chung quy đều về chơn không”. Tuy nhiên, chúng ta thường đi ngược lại, ưa thích những hình thức, xem trọng hình tướng bề ngoài hơn là bản chất của nội dung câu chuyện.
Do vậy, mà Trần Thái Tông đã nói: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê, con đường tắt sáng tỏ lẽ sinh tử, ấy là đại giáo của đức Phật”.
Vì sự mê muội, chuộc hình thức, sự tướng bên ngoài nên chư Tổ, chư Phật, chư Bồ tát dùng phương tiện “pháp hội” để chỉ rõ “bản chất” bên trong bằng sự trình bày “hình thức” của nó. Do đó, nếu nói thẳng “nhất thừa thật tướng” thì mọi vấn đề sẽ đứng yên, phẳng lặng, không thể trình bày, sẽ không có “tăng, giảm, cấu, tịnh, thiện, ác, tội, phước, bệnh, thuốc”.
Bởi vì, trong tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, thiên nhiên, vật chất, con người là sự vận động và phát triển, nó tuân thủ theo quy luật của sự vận động và phát triển của xã hội. Do vậy, phương tiện là chiếc đò đưa người sang sông, là nhịp cầu nối liền hai bờ mê – ngộ.
Phương tiện như người chiêm bao thấy thân có bệnh cần phải cầu thầy thuốc trị lành căn bệnh. Nếu không dùng phương tiện, không dùng hình thức, biểu hiện hình tướng thì không thể thực hiện sứ mệnh cứu độ nhơn sinh. Phương tiện, hình thức bên ngoài cũng ví như giấc mơ trong chiêm bao, một khi thức dậy chúng ta sẽ không còn thấy hình tướng hiện ra trong mộng và thật sự chúng ta không có bệnh. Cái “không bệnh cũng không”, con người không bệnh thì cần gì thầy thuốc chữa bệnh?
Do đó, pháp hội Dược Sư với hình thức là một đàn tràng trang nghiêm, thanh tịnh với đủ mọi lễ nghi được tổ chức cho tín đồ Phật tử ngày nay cung kính lễ bái, chiêm ngưỡng, cầu nguyện với tâm thành kính đối với đức Phật, Tam bảo, là một việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, là niềm tin của tín đồ vào tha lực của đức Phật Dược Sư cứu lành vết thương lòng, chữa lành tâm bệnh của con người.
Mặc dù vậy, chúng ta không nên phô trương “sức mạnh của hình thức”, chấp vào hình thức xem đó là một cứu cánh, là đại diện cho tư tưởng, triết lý thậm sâu của đức Phật về một lý tưởng tu tập để đạt đến giác ngộ. Điều đó, có thể làm chuyển hướng tư tưởng chủ đạo của kinh Dược Sư.
Tư tưởng kinh Dược Sư phản ánh một đường lối tu tập hết sức nhiệm mầu, sâu sắc, hướng dẫn chúng ta tự mình thắp sáng ngọn lửa giác ngộ trong tâm, đào tạo, rèn luyện chúng ta trở thành một “thầy thuốc” của chính mình và có thể tự mình trị hết những căn bệnh, khúc mắc ẩn chứa, tiềm tàng trong nội tâm.
Con người cần nên học theo phương pháp “bắt mạch và trị bệnh” của Phật Dược Sư, không phải là học theo cách lễ Phật Dược Sư như thế nào. Chúng ta thường bỏ “gốc” chạy theo “ngọn”, không thấy được cốt lõi của vấn đề, nên con người khổ đau và mãi mãi cũng chỉ là đau khổ.
Câu chuyện ở đây là làm thế nào cho mọi người khai mở được chân lý, thường “khởi lòng từ bi, hỷ xả, bình đẳng; thường làm lợi ích an lạc, như thế nhiếp niệm chính quán, không đoạn kiết sử, không trú sử hải, quán sát các pháp không, như thật tướng” .
Đặc biệt, điểm nhấn ở lời dạy của đức Phật là “các pháp không như thật tướng” là cốt lõi của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết nó một cánh rốt ráo; cũng như chúng ta tìm được bệnh và hướng giải quyết, chữa lành căn bệnh đó như thế nào cho hết bệnh.
Cho nên phương pháp tu tập theo kinh Dược Sư đó là quán chiếu nơi tâm mình, để thấy rõ “chân – vọng”, “thật – giả”, tâm nhân nơi đâu mà “có tâm” hoặc không nhơn nơi đâu mà “có tâm”? Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ dạy các thiền khách rằng “phản quang tự kỷ bổn phận sự” đó là nhiệm vụ mà người tu tập cần phải nhận thức, phải sống và thực hành cho thật tinh tường.
Phương pháp quán chiếu tâm là một trong những phương pháp hết sức đặc thù của Phật giáo, là nền tảng cốt lõi trong các pháp môn, tất cả vạn pháp đều xuất phát từ tâm. Tâm là đầu mối của mọi tội lỗi, phiền não, đau khổ, sinh tử và cũng từ nơi tâm, con người giác ngộ được chân lý, giải thoát được những hệ luỵ đau khổ.
Chỉ khi nào chúng ta triệt phá được đường dây “sinh tử” bằng một tấm gương “không pháp, không tâm” thì tội phước, sinh tử, Niết bàn vốn không có thật tướng. Cho nên trong kinh đức Phật dạy rằng:
“Người hành giả không thấy tâm sinh tử đâu lại có tâm Niết bàn. Đã không có cảnh sở quán, cũng không có tâm năng quán, không thủ không xả, không nương không dựa, cũng không an trú nơi vắng lặng, vứt bặt sự nói năng không thể bàn cải, khi quán tâm không, thì tội phước không có chủ tể, tội phước tính nó vốn không, thì tất cả các pháp đều không, tâm vương tâm sở không, pháp không trú pháp” .
Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho mọi người thấy được cái giá trị cốt lõi, thông qua các hoạt động, sự kiện mang tính hình thức, hình tướng bên ngoài. Điều đó có nghĩa là giữa lý luận và thực tiễn cần được triển khai một cách đồng bộ; đồng thời làm rõ nội dung của kinh, lời Phật dạy cho mọi người, thì việc tổ chức pháp hội, trai đàn mới mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc.
Phần lớn chúng ta chỉ chú trọng đến những điểm nổi bật của hình thức, sự phô trương của nét đẹp hình tướng hơn là nét đẹp của triết lý. Nét đẹp của một con người không nằm ở chiếc áo đẹp sặc sỡ, một thân hình đoan trang, mà nét đẹp con người phải chứa đựng những đức tính tốt, phẩm chất đạo đức, nhân cách sống, tinh thần lợi tha, sống có nghĩa có tình, có đạo lý làm người, phù hợp với truyền thống của một dân tộc.
Do đó, đối với Phật giáo, hình thức chỉ là một khía cạnh nhỏ, là một phần của cuộc sống, nó không nói lên được tất cả ý nghĩa, triết lý sâu xa của Phật giáo. Cho nên, nếu không làm sống dậy chất liệu giác ngộ nơi con người, thì theo dòng thời gian, sự mai một của năng lực nội tại trong con người chúng ta sẽ không còn và khi đó mọi vấn đề về Phật pháp chỉ là hình tướng, là võ ngoài của một “thực thể” đáng tin cậy bị vùi sâu trong quá khứ.
Tóm lại, kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo. Nội dung của bản kinh truyền tải cho mọi người, tu sĩ, cư sĩ, tín đồ Phật giáo một thông điệp hết sức sâu sắc có ý nghĩa, triết lý cao siêu về giá trị cốt lõi của giáo lý Phật giáo. Ngoài sự biểu đạt về phương tiện, hình thức cúng bái, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tín ngưỡng của con người trong đời sống tinh thần.
Kinh Dược Sư còn chỉ ra cách tiếp cận một phương pháp trị liệu về căn bệnh tâm lý của con người hết sức hiệu quả. Bắt mạch tìm bệnh và phương thuốc trị bệnh, là một liệu trình trong phương pháp trị tâm bệnh của đức Phật Dược Sư, mang đến cho con người một khát vọng tìm về chân lý hết sức sâu sắc.
Đó là khát vọng về một con đường tự trị liệu cho chính mình bằng cách khơi dậy chất liệu giác ngộ của tự tâm, từ đó xây dựng lộ trình tu tập, rèn luyện bản thân, nhằm hướng đến một mục tiêu cao cả như kỳ vọng đặt ra trong cuộc sống, đó là hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, giúp ích cho xã hội, sống vì tha nhân; đồng thời hướng tới đỉnh cao của chân lý giác ngộ, giải thoát.
*TT. TS Thích Lệ Quang – Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Huyền Dung (dịch), Kinh Dược Sư bốn nguyện công đức, NXB. Tôn giáo, năm 2013.
2. Thích Trí Quang (dịch), Dược Sư kinh sám, ấn bản điện tử.
3. Tuệ Nhân – Thích Mật Trí (dịch), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, năm 2019.
4. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
Chú thích:
1. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.30.
2. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.101.
3. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.122.
4. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.124.
5. Tuệ Nhuận – Thích Mật Trí (2019), Kinh Dược Sư và sám pháp Dược Sư, NXB. Tôn giáo, tr.125.
6. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr27.
7. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr140.
8. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.tr141.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học