Phước duyên trong cuộc sống

Đệ tử Phật gồm có chúng xuất gia là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và chúng tại gia là Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. Trong chúng xuất gia lại có Sa-di và Sa-di-ni là chúng tập sự, chưa chính thức vào hàng Tăng. Chúng xuất gia Ni còn có thêm Thức-xoa-ma-na.

 

Riêng chúng tại gia có ba cấp bậc là tại gia ngũ giới, nhưng nâng lên con người có chí hướng thượng thì thọ thập thiện giới để bảo đảm sau khi bỏ thân này, sanh lên cõi trời. Và người có chí nguyện làm Phật tương lai thì thọ Bồ-tát giới. Vì Phật Thích Ca nói Ngài tu hạnh Bồ-tát trải qua vô số kiếp, đầy đủ tâm đại bi mới thành tựu quả vị Phật.

Vì vậy, bước đường tu của đệ tử Phật có những chặng đường khác nhau. Người mới phát tâm tu giữ năm giới là tốt, không đọa ba đường ác. Nhưng người thực hành trọn vẹn mười giới chắc chắn sanh ở cõi trời, nói cách khác, sanh vào thế giới hoàn toàn an lành. Vì thế giới loài người chúng ta sống là ngũ thú tạp cư thì họ cũng là người nhưng mới ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sanh lại, nên thường những người này nghèo đói, bệnh hoạn, tật nguyền, ngu dốt, hung dữ.

Có căn lành và nhân duyên tới thì căn lành bộc phát. Thiếu nhân duyên, căn lành không bộc phát được.

Có căn lành và nhân duyên tới thì căn lành bộc phát. Thiếu nhân duyên, căn lành không bộc phát được.

Thực tế cho thấy trong thế giới này, chúng ta sống chung với những người như vậy. Qua những vụ án, chúng ta thấy rõ người phạm pháp rất hung dữ, vì họ từ ba đường ác sanh lại. Nhưng nếu họ được gặp Phật, thánh Tăng, chân tu hướng dẫn làm họ nhớ đến nỗi khổ đã trải qua ở địa ngục mà phát tâm tu, thì họ cũng trở thành hiền. Ngược lại, nếu gặp người ác, họ sẽ ác theo liền, vì họ sống trong hoàn cảnh nghèo đói lại gặp người nghèo đói, ngu dốt, tham lam đến xúi giục nên hai người này kết hợp với nhau, trở thành ăn cướp, ăn trộm. Nghiệp bên trong ác rồi và tiếp xúc với hoàn cảnh bên ngoài khiến họ dễ dàng trở thành người ác.

Trong đạo tràng mình cách đây mấy năm có Phật tử thấy chú mồ côi, tội nghiệp, đưa vô chùa cho công quả để tu. Nhưng mồ côi và hoàn cảnh nghèo khó là túc nghiệp không tốt, nên vô chùa, nổi tánh tham làm những việc không tốt. Cuối cùng không cho ở chùa, trả về nhà thì gặp những người không tốt dìu dắt, cho đi làm những việc không tốt nữa. Nghiệp ác dễ tạo, nghiệp thiện khó tạo là vậy.

Các Phật tử về đây tu, tụng niệm, lễ bái, nghe pháp là có căn lành lớn với Phật pháp mới tu được. Nhiều người muốn tu không được vì nghiệp ác sâu dày. Chúng ta tu, nhận thấy người ở ba đường thiện sanh lại, đó là người sanh lại làm người, thì kiếp trước họ đã giữ năm giới, nên tánh họ không tham.

Tôi nhớ trước khi đi học ở Nhật, có Phật tử quý trọng, tặng tôi đồng hồ đeo tay bằng vàng để phòng khi gặp khó khăn thì dùng đó để sống. Ở Nhật, một hôm tôi bỏ quên chiếc đồng hồ trong nhà tắm. Người dọn phòng mới trình cho ban chủ nhiệm chiếc đồng hồ. Họ nói đồng hồ này không phải của người Nhật vì người Nhật không dùng loại này, chắc của người ngoại quốc và ngày hôm đó chỉ có mình tôi vô nhà tắm. Họ đã tìm trả tôi chiếc đồng hồ vàng. Người dọn phòng và người chủ nhiệm không tham thì biết họ là người đời trước tái sanh lại, nên có tánh không tham vì đã giữ năm giới, trong đó có giới không gian tham, trộm cắp.

Chọn người không tham làm bạn, mình yên tâm hơn. Còn sống chung với người tham, dù mình cố giữ, họ cũng tìm cách lấy.

Nếu mình chưa có phước, làm bạn với người cao sang cũng khó. Họ từ cõi trời sanh lại, vì đời trước họ đã tu thập thiện, nên đời này, họ có những điều đặc biệt là thông minh, ngoại hình dễ coi, sức khỏe tốt, ai cũng thương quý và làm gì cũng thành công. Ta có duyên làm bạn với người này là phước ta cũng lớn.

Làm bạn ngang hàng với nhau, tức họ thông minh, ta cũng thông minh mới chơi với nhau được. Vì họ thông minh, mà ta đần độn, họ nói mình không hiểu thì khó làm bạn. Kinh Pháp hoa nói ý này qua thí dụ cùng tử nghèo khó không thể làm bạn với người giàu có, chỉ làm mướn cho ông chủ nhân hậu từ cõi trời xuống, rất giàu có là may mắn lắm rồi. Thể hiện lý này, chúng ta thường nói mình tu là làm tôi cho Phật. Thí dụ Phật tử đến chùa quét dọn giảng đường, nhổ cỏ, quét sân chùa, v.v… là để kết duyên với Phật, được gần Phật, không dám nói làm bạn với Phật.

Người từ cõi trời xuống, nên có phước báu rất lớn. Thực tế là họ hy sinh làm việc lợi ích cho đời, không tính toán, không so đo, nhưng không bao giờ thất bại, trái lại, họ luôn gặt hái thành công mỹ mãn.

Nhớ mấy chục năm trước lúc tôi còn học ở Nhật, có sinh viên Việt Nam học kinh doanh mới nghĩ cách làm giàu, anh đặt hàng người Việt chở sang để bán. Nhưng anh đợi mãi mà hàng không đến, lại gặp người bạn rủ đi Hàn Quốc chơi. Anh vừa đi thì hàng tới và tình cờ bà bán hàng lại gặp tôi ở phi trường. Bà đến năn nỉ: “Thầy ơi, cứu con”. Bà làm sao mà phải cứu? Vì con chở hàng cho anh sinh viên, nhưng không liên lạc được, mà con phải trở về Việt Nam liền đêm nay. Con không biết làm sao. Sau khi suy nghĩ, bà đặt ba điều kiện, một là thầy lấy số hàng này, chỉ trả tiền vốn cho con thôi, không tính lời lãi gì hết. Hai là thầy không có tiền trả, thấy nhận hàng giùm con, bao giờ thầy có tiền trả cũng được. Ba là nếu thầy sợ không có tiền trả, cho con cúng thầy.

Tự nhiên, tôi cảm thấy chị này là người tốt, liền nói với chị rằng tôi chấp nhận điều kiện một, vì tôi mới nhận được học bổng nên có tiền trả cho chị về.

Nhận số hàng mây tre lá Việt Nam, tôi không biết làm gì và cũng không có chỗ để. Tôi liền tặng hết cho các chùa mà tôi quen biết. Nhưng chỉ một tuần sau, tôi nhận lại nhiều chi phiếu giúp tôi tiếp tục công việc nghiên cứu. Việc làm này tôi không tính toán gì, nhưng phước của mình khiến được như vậy. Phước phát xuất từ tâm tốt của mình, là tâm cứu người, giúp người. Phật cũng dạy rằng xưa kia, Ngài tu tâm tốt mà thành Phật.

Vì vậy, chúng tại gia và xuất gia muốn thành Phật phải tu hạnh Bồ-tát nhằm cứu đời, gặp người hoạn nạn, mình sẵn lòng giúp, không cần trả ơn. Nhưng việc làm này là công đức, kiếp tái sanh gặp lại, họ trở thành bạn tốt của mình. Người làm nên sự nghiệp nhờ bạn tốt, hay tán gia bại sản vì bạn ác.

Tu Pháp hoa là pháp Phật dạy cho Bồ-tát, nhưng người hành Bồ-tát đạo được là người có niềm tin và căn lành. Không có căn lành và không có niềm tin không thể hành Bồ-tát đạo. Vì người có niềm tin, có căn lành nhìn sự vật khác. Người có căn lành thấy gì cũng thương, cũng muốn giúp. Người không có căn lành, nhưng có ác nghiệp hay quậy phá. Thật vậy, người có tánh ác hay chọc phá, giết hại. Có căn lành mình hay động lòng trắc ẩn với người hoạn nạn.

Thực tế cho thấy người săn bắn, chài lưới có ác nghiệp, họ dùng đàn chó rượt con thú chạy trối chết, hoảng sợ thì họ thấy thú vị, lấy cái khổ của thú vật làm niềm vui cho họ.

Người có căn lành xem tivi thấy dã thú giết nhau, như sư tử bắt con ngựa ăn thịt, mình thấy thương con ngựa quá. Hoặc thấy người ta giết tê giác, voi để lấy sừng, lấy ngà, cảm thấy tàn nhẫn quá. Căn lành là chỗ đó, vì tánh lành thấy việc ác không chịu được, cảm thấy buồn.

Tôi thấy người đứng ở bờ kênh câu cá để giải trí, trong khi Phật tử phóng sanh cá. Thấy con cá mắc câu run rẩy giữa trời, thấy thương quá. Buổi sáng ở chùa tôi cho cá ăn, nó quẩy đuôi mừng rỡ, tôi cũng vui. Nó đau mình cũng đau, đó là căn lành.

Người tu được phải có căn lành, mới phát tâm từ, hành Bồ-tát đạo, cứu giúp, về sau mới làm Phật được.

Có căn lành và nhân duyên tới thì căn lành bộc phát. Thiếu nhân duyên, căn lành không bộc phát được. Thực tế như người ở khu đất này hai mươi năm trước, chùa chưa có, làm sao tụng kinh, nghe pháp, đó là nhân duyên chưa tới. Mình sanh ra đời, có đủ duyên mới tu được. Năm mươi năm trước, vùng này chiến tranh ác liệt, người chết rất nhiều. Bên hông chùa mình dài qua bên kia là ấp chiến lược, còn bên này là vùng giải phóng. Lúc đó, tới đây rất nguy hiểm. Năm 1899, Tổ mua đất chùa này, như vậy hơn một trăm năm, nhưng không làm chùa được. Năm 1999 mới đủ nhân duyên thù thắng để tôi xây dựng được chùa và Phật tử có nơi thanh tịnh tu hành.

Có căn lành, mình nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ở đâu cũng có chùa để tu, có thầy bạn dìu dắt tăng tiến đạo Bồ-đề.

Vì vậy, người có căn lành rồi, khi gặp duyên, họ phát tâm tu. Tôi có nguyện ai có nhân duyên tu Pháp hoa với tôi, xin Bồ-tát, Hộ pháp khiến họ tới cùng tu; ai không có duyên, tới quậy phá, nhờ Hộ pháp thiện thần đưa đi chỗ khác.

Phật tử hiện diện nơi đây, ngồi yên nghe pháp để tăng trưởng đạo Bồ-đề, là chúng ta có căn lành thì căn lành nhân đây phát lên, càng nghe pháp niềm tin càng vững, tầm nhìn của mình càng sáng. Lúc mới nghe pháp, quý vị chưa thấm, chỉ tụng kinh, nghe pháp, căn lành chưa tiếp thu được nhiều. Nhưng khi căn lành tiếp thu được kinh, tầm nhìn của mình khác hơn, nghĩa là người xung quanh có hoàn cảnh sai khác, nhưng mình thấy ai cũng dễ thương, đó là căn lành mình phát. Nhưng nghiệp ác phát thì mình không chấp nhận được ai.

Căn lành mình phát, mình thương người, thương vật, thương tất cả chúng sanh. Và căn lành phát lên rồi, thấy đúng như pháp. Người không có căn lành tụng kinh Pháp hoa, họ cho rằng Phật nói kinh Pháp hoa trên núi Kỳ Xà Quật, ở mỏm đá nhỏ chỉ bằng pháp tòa của tôi ngồi, làm sao có chỗ nghe pháp cho 12.000 Tỳ-kheo, 6.000 Tỳ-kheo-ni và vua A Xà Thế cùng quần thần, 70.000 chư thiên, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la… dẫn vô số quyến thuộc.

Mình không cãi, vì họ không có căn lành, nên không có niềm tin. Và với người không có căn lành, không có niềm tin, thì tám năm cuối cùng, Phật nói kinh Pháp hoa, lúc đó, Kiều Trần Như, Mục Kiền Liên và các Thánh tăng chết rồi. Họ không có căn lành nên không thấy những người này, họ chỉ thấy con người hiện hữu bằng thân vật chất thôi.

Mình có căn lành vẫn thấy Phật sống, nếu Phật chết rồi thì mình tu làm gì. Mình thấy Phật vẫn sống và những người theo Phật vẫn sống, nhưng sống trong thế giới Phật. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói dễ thương rằng tất cả mọi người đều chết, nhưng nhìn kỹ không ai chết. Nghĩa là nhìn kỹ con người thật bên trong thì không ai chết.

Vì vậy, tôi nhìn thực tế là họ chết rồi, nhưng tôi thấy trong thâm tâm tôi là nhìn họ bằng tình thương, bằng suy nghĩ thì họ vẫn hiện hữu, đó là tu có cái nhìn khác, không giới hạn ở thế giới sanh diệt, nhưng thâm nhập thế giới tâm linh của tuệ giác. Thật vậy, tôi sang Nhật thăm lại ngôi trường đại học trước kia, hỏi thăm không còn thầy nào sống, nhưng thâm tâm tôi, những người này còn sống ngang qua tâm mình. Và tâm mình vẫn thấy họ, vẫn sinh hoạt chung với họ. Ai có ý thức này thì dễ tu.

Cũng nằm trong lý này, lúc mới tu ở tổ đình Huê Nghiêm, hàng ngày tôi quét dọn tháp Tổ, nhưng nhân duyên của tôi với vị Tổ nào đó, khiến tôi nghe được tiếng tụng kinh của Tổ dù ngài đã tịch cả trăm năm rồi. Mình tu Bổn môn đi về lý này, ở chỗ vắng nhưng cảm giác có đông người, cả chúng hội cùng tụng kinh.

Từ lý này, mình hình dung Đức Phật Thích Ca có công đức vĩ đại, biết bao người trải qua hàng ngàn năm cho đến ngày nay luôn hướng tâm về Phật, đương nhiên họ vẫn ở thế giới Phật. Hiểu như vậy, mình nỗ lực tu để thâm nhập thế giới Phật, nghe Phật thuyết pháp mới quan trọng, đó là loại hình thế giới của tâm, của tu chứng.

Phật dạy người có Chánh niệm dễ đi vào thế giới Phật. Có Chánh niệm là họ tập trung được và thấy Phật bằng suy nghĩ của mình. Và Phật có Thánh chúng thường tùy với Phật, họ sống thì theo Phật, chết họ vẫn theo Phật chứ.

Phật nói ai cũng có quyến thuộc là ông bà tổ tiên của ta. Thực chất họ đã chết, nhưng quý vị có căn lành nghĩ họ vẫn còn sống, có người nghĩ ông bà tổ tiên ở trên đầu mình. Nhưng Phật nói ông bà tổ tiên ở trong trái tim mình, nên mình nghĩ tới họ, họ xuất hiện trong trái tim mình, trong tình thương của mình. Và điều này nếu xét về thực tế, theo khoa học ngày nay, thì mình hiểu ngay rằng ADN của hai người cùng huyết thống đồng nhau.

Theo tôi, ví như máy thu hình, thu âm. Người này nói bằng tâm, người kia cũng nói bằng tâm. Một bà đến thưa với tôi rằng bà nằm mơ thấy con trai về đầy máu, hôm sau nhận được giấy báo tử. Hai người cùng huyết thống, cùng ADN giao cảm với nhau được. Ngày xưa gọi đó là thần giao cách cảm, ở xa nhưng cái thần đồng nhau.

Hai người cãi nhau vì họ không hiểu nhau, suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Phật nói ở Cực lạc, không cần nói vì họ đã hiểu rồi. Họ nói bằng tâm là dùng tâm để hiểu nhau. Phật tử tập sống được với pháp này sẽ thấy an lành. Tôi từng sống ở những tu viện, mọi người hiểu nhau, không cần phân công, mỗi người tự biết việc của mình phải làm, mỗi người một việc khác nhau, nhưng hỗ tương nhau là thế giới của người tu không cần nói, không cần bảo.

Hạng người thứ hai chưa nói chuyện bằng tâm được, phải dùng lời nói với nhau, nhưng họ cũng không nghe, không hiểu, đành chịu. Phật có ba hạng người theo học, với hạng người nói cũng không hiểu, Phật xếp vô hạng kết duyên thôi. Còn chúng đương cơ là chúng Thanh văn, nghe Phật dạy, họ hiểu và làm theo. Chúng thứ ba quan trọng nhất là Bồ-tát, Phật không nói, nhưng Bồ-tát cảm tâm, họ tới mỗi người một việc giúp đạo tràng phát triển được. Chúng thứ ba cảm tâm mà làm.

Khi tôi có ý xây dựng Học viện Phật giáo đào tạo Tăng tài, có người mà tôi chưa quen, chưa gặp nhưng họ cảm được việc làm này, gởi tiền cúng để trường sớm được hoàn thành, đó là đồng hạnh đồng nguyện. Nếu mình có được nhiều người đồng hạnh đồng nguyện thì điều mình muốn, họ cũng muốn, việc mình làm họ cũng muốn làm, như vậy đạt được kết quả cao nhất.

Mình tu chưa có kết quả tốt, còn nhiều khó khăn, vì Bồ-đề quyến thuộc ít nhưng ma chướng nhiều. Mình phải kiên nhẫn. Mình làm gì, họ cũng không chấp nhận, mình phải tự ẩn nhẫn tu để vượt qua chướng ngại này. Bao giờ mình có quyến thuộc Bồ-đề nhiều và giỏi, mình không kêu gọi, họ cũng tới để hợp tác làm, chắc chắn việc sớm thành công. Với người không hiểu mình thì không nói, vì nói mất lòng. Ngay như Phật cũng khẳng định rằng chưa đến lúc nói sự thật thì Phật cũng không nói, vì họ sẽ đọa địa ngục, nên Phật chỉ nói cho vui lòng người thôi. Như vậy, theo Phật dạy, chúng ta thấy rõ có ba hạng người, nên mình không chấp vào người nào.

Phật nói cho họ vui là phương tiện, không phải chân lý. Thí dụ Phật thấy trẻ con hành hạ con cua, Phật nói khác. Nó bẻ càng cua, Phật hỏi ai bẻ tay con, con có đau không. Dạ đau chứ. Vậy con không thấy nó đau sao? Rõ ràng Phật dạy trẻ con rất bình dị, dễ thương, dễ nghe.

Đối với chư thiên, Bồ-tát, A-la-hán, Phật nói khác. Chư thiên nhiều phước báu, Phật giúp họ phát triển tâm từ và trí giác. A-la-hán hiểu rồi, Phật nói trong thiền định. Bồ-tát cảm tâm Phật, cảm hạnh Phật mà tự làm theo, Phật chỉ cần trợ duyên một chút. Còn với người sơ tâm, Phật phải nói bằng lời một cách dễ hiểu, dễ làm.