Phước báu thật sự có được là đến từ tâm thành và thái độ

Một trong những điều mà người Thái xem trọng trong việc hộ trì đời sống bình an cho mình và người thân đó là việc làm phước. Họ chú trọng việc tạo ra phước cho mình từ lời nói đến việc làm, phần lớn người Thái họ rất an vui, và họ rất giàu có về vật chất lẫn tinh thần.

Thái Lan là một trong những nước chịu ảnh hưởng từ Phật Giáo Nguyên Thủy, đời sống tinh thần của người dân cũng thấm nhuần từ lời Phật dạy hơn là các nước theo Phật giáo phát triển như Trung Quốc hay Việt Nam…

Một trong những điều mà người Thái xem trọng trong việc hộ trì đời sống bình an cho mình và người thân đó là việc làm phước.

Việc làm phước ấy được biểu hiện qua thái độ sống hằng ngày như: luôn cung kính Tam Bảo, không nói lời làm mất lòng người khác, luôn vui vẻ với mọi người, biết cung kính và tôn trọng những vị thầy đã chỉ dạy cho mình điều hay lẽ phải. Họ biết dành thời gian vào chùa tu tập vào các ngày nghĩ lễ, ngày cuối tuần, khi gia đình có người thân mất… trong sinh hoạt hằng ngày, họ xem việc đặt bát cúng dường lên chư Tăng như một bổn phận cao cả của người Phật tử trong việc hộ trì Tam Bảo. Họ chú trọng việc tạo ra phước cho mình từ lời nói đến việc làm, nhiều người tin rằng chính Thái Độ sống nhiệt tình, tử tế đối với người khác cũng là vun bồi phước. Nhờ huân tập những điều ấy hàng ngày nên phần lớn người Thái họ rất an vui, và nếu so với Việt Nam thì họ rất giàu có về vật chất lẫn tinh thần.

Còn ở Việt Nam, ngoài những Phật tử thuần thành có tín tâm kiên cố, biết vai trò của mình trong việc hộ trì Tam Bảo và đường hướng tu tập. Thì đa số, chỉ khi gặp những bất toại nguyện thì mới làm phước để cầu xin. Phần lớn tín đồ đến chùa là để cầu cúng một điều gì đó với tâm mong cầu chứ không phải tâm vị tha buông xả. Ngay cả việc làm như thế nào mới thực sự có phước thì vẫn mơ hồ vì không được chỉ bảo rõ ràng.

Phước đức hỗ trợ người tu

74718070_962508717463236_3253518682558562304_n

Giống như một người đang đứng ở mảnh đất thấp thì khó có thể thấy rõ được phía cao hơn. Cũng vậy, khi một người thiếu phước, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần hạn chế, tư duy chỉ quanh quẩn làm sao để đáp ứng nhu cầu đời sống như ăn mặc vẫn còn chưa thỏa thì nói gì suy nghĩ đến những giá trị tinh thần thanh cao và vững chắc hơn. Từ đó, đời sống tiếp nối từ cái khổ này sang cái khổ khác.

Có những trường hợp, khi đủ ăn đủ mặc, họ không nghĩ tới việc làm phước để dành hộ thân, không biết phát tâm tu tập, không gần gũi các bậc thiện tri thức để học hỏi thay đổi tư duy và đời sống của mình, đến khi hưởng hết phước, những tai hoạ ập xuống thì không ai giúp được mà chỉ bế tắc trong đau khổ, lúc ấy muốn làm gì để bớt khổ hơn thôi thì cũng rất khó khăn.

Lại có những người vì thiếu phước, sanh ra trong môi trường khổ cực, chịu nhiều thiên tai bất hạnh, nghèo đói, nên đời sống tinh thần và vật chất rất thấp chẳng khác nào ở cảnh giới súc sanh và địa ngục. Có khi sự sống chỉ nhờ vào sự giúp đỡ từ thiện. Với góc nhìn thế tục, người ta đổ lỗi cho số phận, nhưng với cái nhìn Trí Tuệ, nguyên do là từ nhiều đời thiếu tu, không biết tạo phước mà ra. Ngay cả phước báu cao như ở cõi trời, nếu không biết tu tạo hằng ngày, lúc hưởng hết phước cũng bị đọa xuống các cảnh giới thấp và đau khổ hơn.

Vì thế, trong các loại bố thí thì Pháp Thí mới là bố thí cao nhất, bởi khi không biết giáo pháp, người ta không biết thay đổi từ Nhân mà chỉ nhìn vào Quả để vẫy vùng và đau khổ trong ấy mà không biết cách thoát ra như thế nào. Với những người đã thiếu phước, chúng ta có giúp đỡ về vật chất thì cũng chỉ mang tính tạm thời, khó làm cho họ được tiến hóa cao hơn, trừ khi chỉ cho họ thấy ra nguyên nhân của sự bất hạnh ấy và quay về tu tập để tự thân chuyển hóa thì may ra mới thay đổi phước nghiệp cho mình.

Mặt khác, Phước báu thật sự có được là đến từ Tâm thành và Thái Độ. Nó không đến từ việc làm hay hiện vật. Nếu làm việc gì cho mình và cho người mà không có sự chân thành, thiết tha và hoan hỷ, chỉ khởi xuất từ sự tư duy đối đãi hay tính toán về mặt lợi ích thì chỉ hạn chế trong nhân quả, kiểu như một người đi buôn, nếu bỏ vốn ra đầu tư nhiều thì có cơ hội kiếm được nhiều lợi nhuận. Làm phước với tâm như vậy thì sẽ dễ thất vọng và mệt mỏi. Vì những gì làm với tâm tham cầu thì sẽ còn bất toại nguyện, bởi phước hữu lậu trên mặt thế gian thì còn bị vô thường chi phối nên phải theo sự dòng thịnh suy liên tục.

Còn phước vô lậu thì đến từ tâm tu tập với sự hỷ lạc, xả ly, vô cầu mới bền vững. Vì vậy, có những người, làm một việc dù nhỏ nhưng với tâm lớn, có sự nhiệt tình và hoan hỷ, biết gần gũi các bậc chân nhân, biết sống chánh niệm tỉnh thức, tránh xa các người và cảnh xấu ác, không nói lời vô ích thị phi, biết kiểm thúc thân khẩu ý v.v…nên phước báu họ nhận lại từ cuộc sống rất nhiều. Ngược lại, có những người đem giá trị vật chất rất lớn đi làm phước nhưng kỳ thực phước báu rất ít vì tâm hoan hỷ và buông xả không có, mà làm với tâm mong cầu, có ý đồ danh lợi hoặc để phát triển bản ngã của mình, vì vậy mà còn thất vọng và còn nhiều bất toại nguyện trong cuộc sống.

Cho nên, nếu hiểu biết như thế nào mới thật sự làm phước và vai trò của phước trong việc hộ trì đời sống bình an cho mình, thì mới không xem thường những suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình trong đời sống hằng ngày.

Không ai có thể thay ai chịu những nghiệp lực, chỉ có phước đức mỗi người làm mờ các nghiệp của họ. Như người xưa từng nói “cái phước rước cái họa” hoặc như kinh Phước Đức có bài kệ khuyên rằng:

“Ai tu tạo phước đức

Được an lạc luôn khi

Ở đâu cũng hạnh phúc

Tới đâu cũng bình an”

Bất hạnh không phải do trên trời rơi xuống, cũng không phải do ai mang lại cho mình, chỉ vì vô minh không biết đường đi nẻo về, không biết rõ ràng nhân quả, nên từ nhiều đời ta đã không biết cách tạo phước bằng việc làm, tạo đức bằng tu tập, mà ngược lại chỉ tạo nghiệp xấu nên mới sinh ra trong môi trường không tốt, luôn gặp những điều bất toại nguyện xảy ra. Ai biết sợ đau khổ, biết tầm quan trọng của phước báu trong việc hộ trì thân tâm mình, thì mỗi người nên tùy căn cơ của mình, phát nguyện làm những việc phước đức để phòng hộ cho mình tránh những bất hạnh ở hiện tại và về sau, để tiến hóa cao hơn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Phước không chỉ đến từ sự biết bố thí cúng dường bằng vật chất mà còn đến từ sự phòng hộ thân, khẩu, ý tránh xa những bất thiện, biết cung kính và gần gũi những bậc chân nhân, trau dồi thân tâm để phát triển những thiện lành, biết sống chánh niệm và tỉnh giác trước những tác ý không lợi mình lợi người, bớt những lời thị phi vô nghĩa.v.v…

Mỗi người, nếu biết cách thương mình, thì không phải ngồi cầu trời khẩn Phật để có phước mà chính mình có thể tạo ra trong đời sống mỗi ngày từ Thái Độ sống, từ suy nghĩ, lời nói và việc làm. Đừng đợi khi bất hạnh xảy đến mới cầu xin Phật, Chúa hay tìm cách hóa giải thì muôn phần gian khó.

Sư cô Trúc Lan Nhã