‘Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí’ và sự cảnh báo của người xưa
“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” hay “phúc vô song chí, họa vô đơn hành” là thành ngữ mà người xưa dạy hậu thế về sự may mắn sẽ không đến nhiều lần còn xui xẻo thì xuất hiện bất cứ lúc nào.
Nguồn gốc của câu ‘Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí’
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ cuốn “Thuyết uyển. Quyển thứ nhất. Quyền mưu” của tác giả Lưu Hướng, một học giả nổi tiếng thời nhà Hán. Nguyên văn của câu nói này là “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai” nghĩa là phúc, những điều may mắn thường sẽ không đến một cách liên tiếp còn tai họa thì thường lại nối gót nhau mà đến.
Nội dung chủ yếu của cuốn “Thuyết uyển” mà Lưu Hướng sáng tác là các đúc kết của ông từ việc soi lại lịch sử, từ những sự tình mắt thấy tai nghe, từ những ý kiến thảo luận mà đưa ra đạo lý về sự hưng vong của đất nước, sự thành bại của việc trị quốc hay những kinh nghiệm giúp người đời xu cát tị hung. Trong đó “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai” là một trong những nhận thức của ông từ thực tế.
Liên quan đến câu thành ngữ “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai” có một câu chuyện như sau:
Hàn Chiêu Hầu là vị quân chủ thứ 6 của nước Hàn thời Chiến Quốc, còn được gọi là Hàn Chiêu Ly Hầu hay Hàn Ly Hầu. Trong thời gian Hàn Chiêu Hầu tại vị đã bổ nhiệm Thân Bất Hại làm tướng, tiến hành cải cách triều đình, chỉnh đốn các biện pháp cai trị khiến trong nước thái bình phát triển, ngoại quốc không xâm phạm. Nhờ vậy, nước Hàn trở thành một trong bảy nước hùng mạnh thời Chiến Quốc.
Năm Hàn Chiêu Hầu thứ 22, tướng Thân Bất Hại qua đời. Ba năm sau, Hàn Chiêu Hầu muốn xây dựng một cung thất cao rộng, quyền quý nguy nga. Lúc ấy, quan đại phu nước Sở là Khuất Nghi Cữu lớn mật tiên đoán cho Hàn Chiêu Hầu rằng: “Tôi cho rằng ngài không thể bước qua cánh cửa này!”
Giải thích nhân quả về họa phúc đắp đổi nhau?
Hàn Chiêu Hầu hỏi Khuất Nghi Cữu: “Ngài vì sao lại đoán bừa như vậy?”
Khuất Nghi Cữu đáp: “Phàm là mọi việc phải xem thời cơ, gặp thời thì suôn sẻ thuận lợi, không gặp thời thì sẽ bất trắc, không thuận lợi. Trước đây ngài từng rất thuận lợi nhưng khi đó ngài không cho xây dựng. Còn năm trước, nước Tần mới tấn công lãnh địa Nghi Dương của nước Hàn xong, năm nay nước Hàn lại gặp đại hạn, khốn quẫn thiếu thốn. Lúc này ngài không thương xót cho tình cảnh khốn khó của dân chúng mà trái lại lại hào nhoáng xa xỉ, phung phí. Làm như vậy nhất định là chiêu mời họa. ‘Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai’ chính là nhằm vào việc như thế này đấy!”
Quả nhiên, năm sau khi tòa nhà Hàn Chiêu Hầu cho xây dựng hoàn thành thì ông cũng tạ thế. Sự tình này ứng nghiệm với lời tiên đoán của Khuất Nghi Cữu.
Lưu Hướng còn răn người đời rằng “Trên phải biết thiên mệnh, dưới phải biết nhân sự”. Người biết thiên mệnh có thể sớm nhìn thấy nguyên nhân của họa phúc, tồn vong. Vì thế, họ có thể phòng bị trước từ lúc sự tình còn chưa xảy ra mà tránh được tai họa. Bậc trí giả thông hiểu việc đời vừa thấy sự tình liền có thể phán đoán được thành bại dựa vào thiên thời địa lợi nhân hòa. Giống như Khuất Nghi Cữu nhìn thấy việc làm của Hàn Chiêu Hầu không hợp thiên thời địa lợi nhân hòa nên tất sẽ gặp họa.
Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí và thông điệp của người xưa
Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí là câu thành ngữ mà người xưa muốn nhắn gửi đến hậu thế rằng mọi việc xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người đều liên quan đến đức và nghiệp của một người. Ngọn nguồn của sự tồn vong hay họa phúc mà một người gặp phải trong đời là do đức và nghiệp của người ấy chi phối. Đức chiêu mời phúc, nghiệp đưa tới họa. Người có đức lớn thì thuận lợi, thọ mệnh dài còn nghiệp lực lớn thì sẽ gặp rất nhiều điều trắc trở trong cuộc sống, thậm chí là yểu mệnh. Con người sống trong xã hội không ngừng theo đuổi dục vọng về danh lợi tình.
Trong quá trình theo đuổi dục vọng ấy con người lại không ngừng tạo nghiệp, mà quên tích đức. Khi phúc báo từ đức sinh ra đã dùng hết rồi, nghiệp lực còn chưa trả xong thì những khó khăn, những sự tình không như ý, thậm chí là tai họa sẽ nối tiếp nhau mà đến. Đây cũng chính là đạo lý mà cổ nhân nhắc tới “phúc bất tận hưởng” (phúc không thể hưởng hết).
Để có được nhiều tốt đẹp trong cuộc sống, bản thân mỗi người phải biết gieo cho mình những mầm thiện. M\ầm thiện bắt đầu từ trong suy nghĩ tới hành động. Bởi quy luật nhân quả rất công bằng, muốn hưởng phước phải gieo mầm.