Phóng sự điều tra về những chiêu trò tàn sát thú rừng dã man của người Việt
Tàn sát chúng sinh có sự sống là điều mà Phật giáo luôn luôn phản đối. Việc ấy gây hệ luỵ khôn lường cho lâu dài, cho kiếp sống này. Chúng tôi xin đăng lại loạt bài báo này, một series phóng sự đạt giải A báo chí quốc gia năm 2021 của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, báo Dân Việt.
Series Phóng sự điều tra: Những chiêu trò tàn sát thú rừng được thực hiện bởi nhóm phóng viên báo Dân Việt nhằm hé lộ cho độc giả những chi tiết bên trong những “phi vụ” săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép của những kẻ chuyên buôn hàng con (thú rừng). Hơn một năm ròng theo sát cũng như tiếp xúc điều tra, các phóng viên đã được tận mắt chứng kiến cả một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú cùng sự tàn nhẫn và chà đạp lên các quy định pháp luật của những kẻ buôn lậu.
Hơn 1 năm ròng sắm sanh trang phục, thiết bị và “học lỏm” kiến thức của dân buôn hàng con (thú rừng) nhằm vào vai chủ một chuỗi nhà hàng “Đặc sản thú rừng” đi lùng hàng mối lớn, nhóm phóng viên đã chứng kiến một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú đến cá thể cuối cùng và chà đạp lên các quy định đạo lý cùng luật pháp. “Bến đỗ” của tất cả các chuyến đi trong bài viết này chi là địa bàn Thành phố Vinh (Nghệ An) lên dọc tuyến quốc lộ 7 “huyền thoại”: xuyên các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đến giáp biên giới Việt – Lào. Chỉ một khúc đường ở một trong 63 tỉnh thành của nước Việt đã như thế này, thử hỏi tài sản thiên nhiên của chúng ta để lại cho con cháu có phải chỉ là một sự “tận diệt” chua xót và đáng xấu hổ hay không?
Bẫy lớn, súng to. Vạc lửa nấu cao hổ, cao sư tử, cao da tê giác vài trăm độ và có vam khoá sắt với camera theo dõi “nồi cao tiền tỷ” với nhiều cặp mắt người giàu nhìn táu hạu 3 ngày đêm. Những “đầu gấu đầu mèo” cơ bắp ngổ ngáo, xăm trổ xanh lèo đầy mình, đeo vàng miếng và nanh hổ to như quả chuối. Các cuộc nhậu dốc cạn mình cho rượu, gái và thịt rừng. Đi qua cái mẽ ngoài đó. chúng tôi gặp những kẻ “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” theo đúng nghĩa đen mà các cụ đã chỉ dạy: thiên nhiên bị chọc tiết, con người đau đớn vì tra tay vào còng hoặc vướng vòng lao lý.
Bài 1: Mánh khóe “hóa kiếp” đủ loại thú rừng trong sách đỏ
Chúng tôi vào vai “tay chơi” hoặc “người buôn” trong thế giới buôn bán thú rừng ở thời điểm này, phải nói là “chưa bao giờ khó thế”. Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị 29 về nghiêm cấm buôn bán sử dụng động vật hoang dã, triệt phá các tụ điểm vi phạm trên cả nước, tỉnh Nghệ An cũng liên tiếp ra quân xử lý. Hàng nghìn người dân Nghệ An ký cam kết không sát hại, bán buôn và ăn thịt thú rừng. Các đối tượng bắt đầu rút vào hoạt động bí mật. Họ lợi dụng mạng xã hội một cách tinh vi để giao dịch, ít tiếp xúc trực tiếp.
Những “ông trùm” tinh vi thời 4.0
Họ kiểm tra kĩ nhân thân từng người. Nguyên tắc: ai giới thiệu người vào “sân chơi” thì người đó phải là người các đối tượng nắm được đằng chuôi: tức là biết nhà cửa, địa chỉ, người thân (để có thể sẽ tiến hành trả thù). Thế nên, chúng tôi đã có nhiều cuộc tìm hiểu mà vĩnh viễn không bao giờ dám công bố ở trên báo, thậm chí không dám phối hợp với công an kiểm lâm để xử lý. Vì thế, chúng tôi phải in “card-visit” nói rõ mình là chủ chuỗi nhà hàng đặc sản: với địa chỉ giả, số điện thoại “sim ảo mang tên người khác”, zalo “ảo tung chảo” – đăng các hình ảnh minh họa nhậu thú hoang, bán hàng rừng “rinh rượp”.
Làn sóng phẫn nộ về nạn bạo hành động vật đến cùng cực
Qua nhiều cuộc “thẩm tra lý lịch” lạnh sống lưng, chúng tôi đã ngồi chung bàn nhậu với Minh (tên nhân vật đã được thay đổi), một trùm buôn thú rừng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Giống như nhiều dân anh chị buôn động vật hoang dã xuyên quốc gia khác, Minh được tôi luyện qua các va chạm với nhiều lực lượng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nên rất cáo già.
Minh đang có một nhà hàng lớn mang tên ghép giữa mình và con trai. Ở đây bán đủ mặt hàng vi phạm luật pháp Việt Nam cũng như Chỉ thị của Thủ tướng. “Tin tưởng” nhau rồi, Minh mới lộ nguyên hình là một “tập đoàn” buôn hàng rừng “khủng”. Có hàng là gửi hình liền.
“Em bắt được con cầy hương, em chơi súng săn. Chúng nó đi săn ầm ầm bán cho em. Cầy hương bị bẫy gãy chân, cái bẫy kẹp vẫn dính vào chân con này nhé. Em quay video gửi bác, xem con vật giãy giụa hẳn hoi. Nếu “máu” thì đến, em làm 7 món luôn. Trút (tê tê) thì em cắt tiết và làm bảy món” – nói rồi, Minh mở điện thoại đắt tiền ra, cho chúng tôi xem video loài vật hiền lành quý hiếm “buôn một con đã dính án hình sự” đang giãy dụa, máu chảy tong tỏng…
Nhà hàng của Minh ở cách Khu Sinh thái Mường Thanh (huyện Diễn Châu) không xa. Chuồng nhốt thú rừng sống, cầy bị gãy chân do dính bẫy rất rộng. Thịt rừng đông lạnh thì dĩ nhiên là nhiều hơn.
Chúng tôi bước vào, camera giấu phải cực kín, thái độ thật thản nhiên và phải có mối quen “dẫn” trước. Khắp nơi trong khu vực của Minh và những người như Minh, bao giờ cũng có một giàn camera giám sát. Thấy nghi, khách về, là họ sẽ trích xuất video, soi kĩ từng chi tiết, từng hành vi “ngáo ngơ” của đối tượng. Thử đủ trò, tinh vi nhất là trò đột ngột hỏi giá các loại thú rừng mà “ông chủ nhà hàng đặc sản” (là tôi, nhà báo nhập vai) đi tìm mối vẫn hay… mua. Tay gấu, cả bốn chiếc, anh vẫn mua giá bao nhiêu? Cầy hương hai triệu mấy một ký thì bác lấy được? Chồn đèn, chồn bạc má thì sao? À, buôn ngoài Hà Nội, anh biết thằng Khang vẫn lấy hàng từ Mô Dăm Bích về không? Đột ngột, anh ta khoe “hàng vảy”, tức là con Trút theo tiếng Bắc Trung Bộ, tức là con tê tê, con xuyên sơn giáp theo cách gọi phổ thông. Rồi bất ngờ hỏi: bên ngoài đó, các anh làm món gì cho khách? Vảy nó bóc ra bán giá bao nhiêu?
Nếu không là dân “trong nghề” (hoặc đã được tập huấn kỹ) đảm bảo bị Minh bóc mẽ sau một nốt nhạc.
Trong nhà tràn ngập các loại thú nhồi tiêu bản, đại bàng, chim ăn thịt các loại đứng oai phong, bên dưới là beo lửa, mèo rừng mắt xanh lè, nhia răng hù dọa. Minh khoát tay: “Tất cả đây là hàng do em giết thịt, giữ lại làm kỉ niệm, dân chơi mà!”. Đặc biệt, trong điện thoại của Minh có lưu rất nhiều video mô tả cảnh anh ta cắt tiết, giết thịt, chế biến đủ món với các con tê tê (trút) cùng nhiều loài hoang thú. Cao điểm, Minh gọi điện thoại, có người đi ô tô, xách đến một con tê tê nặng hơn 3kg, vẫn đang cuộn tròn, thỉnh thoảng chú ta thò đầu ra ngơ ngác nhìn… lô xô bát đĩa trên bàn nhậu.
Một toán khách đến, vừa đuổi bắt rồi dùng gậy sắt đập chết một con cầy hương – chú ta đi bập nhễnh do dính bẫy nát bàn chân – ở trong lồng sắt lớn nhốt nhiều loại thú khác. Minh vừa hò hét người ta cắt tiết, dùng máy khò (thui) con vật bằng ngọn lửa ga xanh lèo đỏ đọc, Minh vừa giải thích về cơ chế buôn bán thú rừng và qua mặt cơ quan chức năng. Minh cho biết, thợ săn cả vùng này đi vào rừng tìm thú rừng cho anh ta bán. Thú từ Lào về và nhiều món “phục vụ người giàu” khác thì từ châu Phi. Cái gì cũng có.
Động vật bị ngược đãi tại “thiên đường” du lịch Bali
“Cứ lên mạng đọc về bọn buôn tê tê bị bắt, là thấy em ngay”
Như để kiểm tra xem khách là loại người nào, Minh gọi đến rất nhiều “bà con”, trong đó có anh trai của Minh, tên là Hải. Các gã cao to, xăm trổ, nhiều người định cư lâu năm bên Lào để “làm ăn”. Anh trai Minh tự tin vỗ ngực, uống hết nửa ly rượu đại, loại cốc to như ly bia hơi: “Anh chả cần hỏi về em, cứ lên báo ở trên mạng mà đọc. Em “nổi tiếng” lắm. Đi buôn tê tê sang Trung Quốc, bị bắt ở Quảng Ninh, nhiều vụ lớn. Kệ, em vẫn ngồi uống rượu với anh mà. Sướng khổ là do… ta tự nghĩ ra”.
Minh khoe mình có súng săn hiện đại. Chúng tôi “ngâm cứu” thì khẩu đó là CPC, chắc trị giá vài chục triệu đồng, loại “trứ danh”. Anh trai Minh đòi đứng khỏi cuộc nhậu cho khách xem “cả rổ tay gấu”. Cái nào cũng lông lá móng vuốt. Tôi đã xem bộ tay gấu tương tự gồm 4 chiếc ở xã bên, nên tự tin bảo, anh lạ gì, vấn đề là bán dưới giá 16 triệu đồng/tay gấu thì anh mua. Nếu không thì cân nhắc đã. Hải hiểu ý. Ngồi khoe về đủ mánh đi hàng con xuyên từ Lào về Việt Nam và sang Trung Quốc. Minh bảo, đã thế em mang tê tê ra cho anh luôn.
Tôi đồng ý. Tiệc chưa tàn, trong bếp, vợ Minh xinh xắn, trẻ măng, cứ ngồi mô tả về các mặt hàng “nhà em” có sẵn. Cậu đầu bếp trẻ măng đang giết một con cầy. Đầu con vật vô tội bị cắt lìa, thui vàng, mắt nó trợn lên, răng nhia ra trắng ởn. Vài cái ria đen dài chưa kịp cắt cạo vẫn vểnh lên, trông con vật vừa bị sát hại vẫn toát lên vẻ láu cá. Có gì đó hài hước một cách bi thiết.
Vài phút sau, tại căn bếp “kín đáo” ấy, có một gã xách đến chiếc bao tải xác rắn màu xanh nhạt. Anh ta bảo: 3 triệu đồng/kg tê tê sống. Con này 4kg. Con gì? “Hàng vảy”. Đây là cách họ nói giảm, nói tránh, nói kiểu ám hiệu để đề phòng tai vách mạch dừng. Con động vật rừng này có vảy, giá chợ đen rất đắt. Nó được giới khoa học, giới bảo tồn liệt vào danh sách loài động vật hoang dã bị săn lùng và buôn bán nhiều nhất thế giới. Ai buôn bán vận chuyển, chỉ “dính” một con là hoàn toàn có thể “bị khởi tố hình sự”? Minh tự hào: “Khách nhà em, “chén” hết thịt xương con vật tội nghiệp rồi, thứ mà họ cân, đếm, cất giấu kĩ nhất để đem về là bộ vảy này!”.
Nhờ bộ vảy này mà cô (chú) ta có thể dũi hầm, xuyên núi để kiếm thức ăn, đào hang hoặc trốn chạy “thiên địch” hoặc kẻ thù nguy hiểm nhất là bọn hai chân: “thợ săn”… Tin vào sức mạnh “xuyên sơn” nhờ bộ vảy của tê tê, nên người Trung Quốc và người Việt Nam (cùng với việc săn lùng nó để ăn thịt) đã sẵn sàng mù quáng bỏ nhiều tiền ra để tìm mua “hàng vảy” về làm… “thần dược”.
Trở lại câu chuyện, Minh và người bán tê tê hỏi tôi: “Anh lấy mấy con”, bạn tôi đỡ lời: “Lấy một con ăn thử thôi. Nếu sếp thích thì lấy nhiều sau”. Họ bỏ con tê tê ra khỏi bao tải, chú ta cuộn tròn xoe, cứng ngắc. Họ cầm đuôi con vật hiền lành và ra sức rũ để chú ta không cuộn tròn nữa. Gã lực điền cầm đuôi hất mạnh một cái, con tê tê lại duỗi ra dài bốn năm chục xăng ti mét, vảy, đầu, chân, đuôi như động vật thời tiền sử. Hết lực “vảy”, chú tê tê lại co mình, như cuộn dây cáp, như quả bóng xù xì. Họ đặt chú ta lên cân. Ngã giá.
Kệ các nỗ lực bảo tồn của nhân loại tiến bộ, ở nhà hàng này và nhiều nhà hàng khác mà chúng tôi khảo sát, họ giết tê tê rất thường xuyên. Đánh tiết canh, quay video. Trong quá trình chúng tôi điều tra, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đã liên tiếp bắt nhiều vụ buôn bán vận chuyển tê tê trong địa bàn. Và từ tài liệu điều tra về ổ nhóm trên đã được nhóm Phóng viên chính thức báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh, làm việc trực tiếp với Trưởng phòng PC05, trực tiếp dẫn điều tra viên đi trinh sát.
Ngày 1/8/2021, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đúng tại “ổ” của các đối tượng mà bài viết này phản ánh, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Nghệ An đã bất ngờ ập vào kiểm tra thu giữ 4 cá thể tê tê còn sống trong khi đang giao dịch mua bán. “Trùm” buôn rừng tra tay vào còng số tám, 4 con vật quý hiếm được bảo vệ toàn cầu (mang các cái tên Pangolin – Xuyên sơn giáp – tê tê – trút) được cứu sống trước giờ lên bàn nhậu. Lập tức, chúng được chuyển lên chăm sóc, cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát – sau đó, sẽ thả về với môi trường sống tự nhiên của chúng. Vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
Nguồn: Báo Dân Việt