Phật giáo qua góc nhìn của các học giả
“Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ” là cuốn sách thuộc Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới, tuyển chọn tác phẩm của các học giả từ những đại học hàng đầu thế giới.
Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ là cuốn sách mở đầu cho tủ sách về Phật giáo của Omega+, được xuất bản với sự giới thiệu và hợp tác dịch thuật của Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới.
Trong tọa đàm giới thiệu sách diễn ra qua nền tảng Zoom vào tối ngày 14/9, thầy Pháp Cẩn – Giám đốc Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới – cho biết hai tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn tác phẩm là tính hàn lâm và tính cập nhật.
Hội nhập quốc tế về Phật học
Về tính hàn lâm, dự án lựa chọn công trình của các tác giả có bằng Tiến sĩ ở những đại học hàng đầu thế giới.
Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ được viết bởi 3 tác giả đều là những nhà nghiên cứu Phật học uy tín ở Đại học Oxford. Cuốn sách giới thiệu tổng quan về tư tưởng và triết lý Phật giáo, đồng thời mô tả và đối chiếu các trường phái tư tưởng khác nhau. Sách có giá trị trong nghiên cứu tôn giáo, thần học, văn hóa và triết học.
Sách dành cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về triết lý và đặc điểm cơ bản của Phật giáo, giúp người đọc hiểu rõ hơn về các khái niệm cốt lõi của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ cổ điển, từ thời Đức Phật đến thời kỳ hiện đại với nhiều quan điểm mới mẻ cùng những tranh luận đa chiều.
Sách bao gồm các chương về lập trường giáo lý của Đức Phật, tư tưởng chính của Đức Phật, bản chất và nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa, một số trường phái tư tưởng Phật giáo chính thống, triết lý Đại Thừa, Đức Phật trong Phật giáo Đại thừa, và Mật tông/Kim cương thừa ở Ấn Độ.
Về tính cập nhật, dự án đã tìm hiểu về những cuốn sách cùng đề tài từng được xuất bản trước đó tại Việt Nam, để chọn lựa được những cuốn sách có tính mới, bổ sung hoặc phản biện những khám phá, kết luận trong những cuốn sách xuất bản trước đó.
Cùng chủ đề với Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ, sách Tư tưởng Phật giáo Ấn-độ (Edward Conze, 1962) Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ (Pháp sư Ấn Thuận, 1988) đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam xuất bản tại Việt Nam.
Thầy Pháp Cẩn nhận định rằng như vậy thì độc giả Việt đã có nguồn tư liệu tham khảo về cách nhìn của cả phương Đông và phương Tây về Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay đã hàng chục năm, thậm chí gần một thế kỷ trôi qua nên nghiên cứu Phật học đã có những khám phá mới. Đó là lý do mà Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ được chọn giới thiệu đến độc giả Việt.
TS Phạm Văn Tuấn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm – nhận định rằng cuốn sách là một đóng góp cho kho tài liệu Phật học thế giới ở Việt Nam, vốn chỉ được dịch tương đối ở mảng sách tiếng Trung, hạn chế ở mảng sách tiếng Nhật và tiếng Anh.
Sau khi chọn lựa được sách, dự án tiến hành mua bản quyền, triển khai dịch thuật – hiệu đính – biên tập. Hiện nay dự án có đội ngũ dịch thuật khoảng 40 trí thức là các nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học ở nhiều trường đại học trên thế giới.
Dự kiến dự án gồm 20 tủ sách, mỗi tủ có từ vài cuốn đến vài chục cuốn. Mỗi tủ sách sẽ có những chủ đề nhất định như… Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ có thể được xếp vào các tủ Phật giáo Ấn Độ, Triết học Phật giáo, Tổng quan Phật giáo. Danh mục tài liệu tham khảo cuối sách dài gần 40 trang, liệt kê những sách, tạp chí Phật học uy tín viết bằng tiếng Anh để độc giả mua, tìm hiểu thêm.
Không phủ nhận giá trị của những tác phẩm phi hàn lâm, song thầy Pháp Cẩn bày tỏ nguyện vọng đưa các giáo trình chuẩn mực có tính quốc tế về Việt Nam, từng bước thực hiện ước mơ hội nhập quốc tế về Phật học tại nước nhà.
Pháp học hay Pháp hành
Trước câu hỏi Pháp học hay Pháp hành thì quan trọng hơn và cái nào nên làm trước, sư Pháp Cẩn nói rằng đạo Phật đặc biệt ở chỗ “người bình thường ai cũng có thể thành Phật, giống người học bơi ai cũng có thể biết bơi”. Ông cho rằng Pháp học và Pháp hành bổ túc, trợ lực cho nhau, có người Pháp học trước, Pháp hành sau và cũng có thể ngược lại: “Trong Pháp hành có Pháp học và trong Pháp học có Pháp hành”.
Sư cô Như Hiếu – người hiệu đính Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ nhận định rằng “pháp học như là bản đồ định hướng, để người học không lạc đường, tiết kiệm thời gian”. Do đó, nếu có thể, người học Phật được cổ vũ học pháp trước rồi mới hành pháp.
Ông Trần Việt Quân, Sáng lập Viện Đào tạo Bách khoa – Cộng đồng Sống tử tế, nói rằng Phật giáo có tính ứng dụng rất cao trong đời sống. Phật giáo giúp còn con người thay đổi (theo ngôn ngữ tâm lý học) hay nếp nghĩ (theo ngôn ngữ đời sống), từ đó thay đổi thế giới bên trong và dẫn đến thay đổi thế giới bên ngoài, “vì thế giới bên ngoài chính là phản ánh thế giới bên trong”.
“Cách ta nhìn đời quyết định ta có hạnh phúc hay không”, ông nói, lấy ví dụ rằng nhìn năm tháng trôi qua có người thấy mình già đi, lại có người thấy mình chín chắn, trưởng thành hơn.
Theo ông, lời Phật dạy có những câu “đơn giản nhưng hay vô cùng”. Nhờ Pháp hành, Pháp học mà “tốc độ thay đổi bản thân cho chín chắn, trưởng thành của tôi nhanh hơn 5 lần”. Ông cho biết nhờ ứng dụng thiền Vipassana trong 2 năm mà ông làm được điều 18 năm trước đó chưa đạt được, là kiểm soát cơn giận.
Có Phật giáo, con đường hoàn thiện mình “rút ngắn lại không còn lòng vòng như xưa nữa”. Theo ông, chỉ cần hiểu được nền tảng lý thuyết cơ bản, đơn giản là những người học Phật có thể thực hành được ngay.
Tâm Anh
(ZNews)