Phật giáo Nam Tông Khmer trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phật giáo Nam tông Khmer luôn chia vui, sẻ buồn trong mọi hoàn cảnh, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, Chính phủ, Ban Tôn giáo chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, quý mạnh thường quân đã hỗ trợ mọi mặt.
Lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Sukhà Sanghassa Sàmggì Sàmagganam Tapo Sukho” dịch là: “Sự hòa hợp của chư Tăng hoặc của phe đảng đem lại sự an vui, sự cố gắng của những người hòa hợp đem đến sự an vui”.
Mục tiêu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đoàn kết – Hòa hợp – Trưởng dưỡng đạo tâm – Trang nghiêm Giáo hội.
Từ lời dạy của Đức Phật và mục tiêu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer tham gia với GHPGVN từ mới thành lập đến nay luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Đồng thời, cũng là một trong chín hệ phái cùng chung ý chí thành lập GHPGVN, cùng chung tay góp sức lập thành một hình ảnh đẹp trong ngôi nhà chung GHPGVN. Một sức mạnh thực tế của tổ chức GHPGVN trong nước và ngoài nước, với lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN đã nhấn mạnh luôn bình đẳng trong việc phân chia chức vụ của Giáo hội. Tùy thuộc vào số lượng, Chư Tăng có được đầy đủ các quyền trong các kỳ họp, kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc, được ưu tiên phát biểu tham luận của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer; nói lên thực tế, kiến nghị cụ thể, thể hiện về tâm tư nguyện vọng của Chư Tăng, nhất là việc học chữ dân tộc Khmer, Kinh – Luật – Luận, môn học Pali với mục đích là gìn giữ tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ nghi tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Do đó, các nghị quyết của Hội nghị thường niên cũng như Đại hội Phật giáo toàn quốc luôn có cụm từ “quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer”.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đang diễn ra trong tinh thần hòa hợp và đại hoan hỷ nói lên kết quả hoạt động Phật sự trong 5 năm qua. Căn cứ vào nghị quyết tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Chư tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, ra sức vận động Chư Tăng và Phật tử luôn gắn kết chương trình hành động với GHPGVN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại địa phương. Thực tế đó là: Vận động đoàn kết phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống, trùng tu chùa chiền sáng, xanh, sạch đẹp, mở các lớp học chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc ba tháng hè đồng mở lớp Pali – Giáo lý cho Chư Tăng. Đối với những chùa có đủ điều kiện tổ chức lễ hội theo phong tục tập quán diễn ra hàng năm của dân tộc và Phật giáo Nam tông khmer như: Chôl Chnăm Thmây, Đại lễ Phật đản, lễ SeneĐônta, Dâng y Kathina, Ok Om Bok,…. Duy trì các trường lớp được GHPGVN quan tâm đó là: trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam bộ tại tỉnh Sóc Trăng, trường Trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các Tăng sinh có nguyện vọng đi học những lớp cao hơn như: giới thiệu Tăng sinh học cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh và giới thiệu một số vị đi học tại Thái Lan, Miến Điện, Srilanka, Ấn Độ, Campuchia…., xin liên kết với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, mở các lớp Cử nhân, Cao học tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer luôn chia vui, sẻ buồn trong mọi hoàn cảnh, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, Chính phủ, Ban Tôn giáo chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, quý mạnh thường quân đã hỗ trợ mọi mặt, trong đó có chia sẻ, khắc phục hậu quả của Đại dịch Covid-19. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoạt động Phật sự trở lại bình thường, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy những việc tồn đọng như: Thực hiện thông tư của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về Đại hội đại biểu Phật giáo các quận, huyện đến thông tư số 06 và 40 về Đại hội đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố cho kịp tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc.
Trong 05 năm qua, thuận lợi trong mọi hoạt động Phật sự theo thông bạch, thông tư của Trung ương GHPGVN, sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nổ lực vươn lên của nội bộ, Chư tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung của GHPGVN đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp, được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận, thông qua Trung ương đã tặng cho Chư tôn đức những huân chương, huy chương của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bằng tuyên dương công đức của Trung ương GHPGVN và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương. Đồng thời, những ngảy lễ quan trọng của chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ như Chôl Chnăm Thmây, Đại lễ Phật đản…. chúng tôi ưu ái được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các cấp Chính quyền địa phương sở tại tổ chức đến thăm chúc mừng, tặng quà cùng chia sẻ niềm vui trong hoạt động Phật sự được hanh thông. Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, thời tiết mưa bão, lũ lụt… Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đoàn Chính phủ, Quốc hội và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm viếng các chùa tại Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, Nam Bộ nói chung. Trong Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX này chúng tôi xin kiến nghị:
1. Về tổ chức, trong hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm phân bổ số lượng chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer có trình độ năng lực trong 02 Hội đồng theo tỷ lệ %, theo quy chế của Trung ương GHPGVN.
2. Về Giáo dục, quan tâm sự hỗ trợ giúp đỡ các trường, lớp từ Sơ cấp, Trung cấp đến Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Mặc dù, TƯGHPGVN từ lần thứ I đến thứ IX đã giúp cho tổ chức Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer và nhiều hội thả, tọa đàm, nhưng chỉ đạt được bước đầu, cần quan tâm thêm, nhất là xây dựng cơ sở của Học viện và xây dựng Quy chế hoạt động của Học viện.
3. Phật giáo Nam tông khmer và dân tộc Khmer là một. Do đó, cần quan tâm tạo điều kiện hết sức thuận lợi nhằm duy trì, gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc, từ tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ nghi, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… mang tính dân tộc Khmer cần được bảo tồn tại lâu dài, góp phần bảo tồn văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Đào Như
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Tham luận báo cáo tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX (2022-2027)