Phật giáo không mang tính áp đặt và đe dọa

Nếu ai đã từng theo Phật và tin vào Phật, tìm hiểu về Phật như một tín ngưỡng và mang ý niệm thiện lành thì đều hiểu một chân lý ở Phật là lòng từ bi, hướng thiện, là bậc giác ngộ tinh tấn và trí huệ.

Những gì Phật dạy cho các đệ tử của Người cũng đều trên tinh thần dung hòa, minh triết và nhân văn, thế nhưng tại sao thỉnh thoảng chúng ta lại nghe những lời phàn nàn: “Ai đó mang Phật ra để áp đặt người khác, nói những lời hù dọa người khác, vậy theo Phật có thật sự từ bi không? Có bị bắt tội như vậy không?”, “Những gì Phật dạy mình, mình chưa làm được nên mình không dám theo Phật vì sợ mang tội”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Để giải đáp điều này, chúng ta cần tìm hiểu được lý do vì sao người ta than phiền như vậy? Có phải thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe một số người mang danh nghĩa nhà Phật ra để phê phán người khác ở nhiều góc độ khi ai đó đi ngược với quan điểm của mình, chẳng hạn như:

“Đọc Kinh Phật mà đọc sai là sẽ bị mang tội” thành ra người ta không dám đọc Kinh; “Quy y Phật rồi là không được lạy người đã mất”, làm cho người ta nghĩ đến với Phật lại trở thành bất nghĩa; “Đi Chùa mà không thắp nhang là không được phước” thành ra ai cũng phải chen chúc thắp nhang; “Thờ Phật phải để chỗ cao ráo trang nghiêm, để chỗ chung đụng là mang tội” thành ra người nghèo chòi tranh vách đất không dám thờ Phật; “Lấy chồng lấy vợ là phạm tội tà dâm”, làm cho người có gia đình cảm thấy bị xúc phạm. Hoặc như “Toàn bộ Kinh điển của Phật không bao giờ dạy yêu chính mình”, ai dạy yêu chính mình là bọn tà sư, ai yêu chính mình là người ích kỷ. Thậm chí một đoạn trích trong bộ phim “Cuộc đời Đức Phật” dựa theo tác phẩm “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một đoạn “Nếu như ở trên đời này, con đi tìm tình yêu chứ không phải tìm người mình yêu, vậy thì con sẽ phát hiện ra con chính là người duy nhất để con yêu và tha thứ”, câu nói hàm chứa thông điệp nhân văn nhằm giúp cho con người thoát khỏi sự đau khổ mê lầm nhưng vẫn có người mang đạo Phật ra để một lần nữa phản bác và cho rằng “Đây tư tưởng do bọn phương Tây cài cắm chứ Kinh Phật không bao giờ dạy người ta như vậy”.

Thiết nghĩ, theo Phật là gieo lời hay ý đẹp thì tại sao chúng ta phải gán cho bằng được cái xấu vào những quan niệm khác với ý của mình? Như vậy, vô tình từ lòng tín ngưỡng tìm sự bình an lại trở thành áp lực, sợ hãi bị quở phạt, cuối cùng mình là người theo Phật mà mình tuyên truyền về Phật một cách chỉ trích, áp đặt, khiến người ta hoang mang lo lắng, làm cho người chưa đến với Phật đã cảm thấy bị tù túng, bị xúc phạm, mất đi quyền con người, từ đó họ có những suy nghĩ không đúng về đạo Phật và không muốn tìm về Phật nữa.

Khi đọc những câu chuyện về Phật, chúng ta cảm nhận Phật là người yêu thương chúng sinh hơn cả bản thân mình vì đức hy sinh, lòng nhân từ, trắc ẩn của Người đã vượt qua khỏi phạm vi một người bình thường, Người xuất chúng và trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác. Để trở thành Phật, Người đã trải qua vô số kiếp tu tập, chuyển hóa chứ không phải chỉ một kiếp mà thành. Phật khai thị cho con người về lòng từ bi từ những việc làm của Người chứ Người không áp đặt ai theo Người đều phải làm được như Người tất thảy bởi nếu làm được hết như Người thì chúng ta là Phật hết rồi chứ không phải là người trần tục nữa, nhưng đến bây giờ, Phật vẫn chỉ có một mà thôi.

Giáo lý của Phật, khi đọc qua, chúng ta nhận thấy không mang tính áp đặt giáo điều, không mang tính phi thực tế, không phiến diện một chiều vì những gì Người đúc kết lại và truyền dạy đến cho chúng sinh là từ những minh chứng chân lý ưu việt.

Trong nhà Phật, giáo huấn và pháp hành luôn đi đôi với nhau, lời nói và việc làm của người nhà Phật phải song hành thì mới tạo được niềm tin cho người khác, ngược lại, khi mình nói mà bản thân mình không làm được thì đó chỉ là những lời nói suông, không mang lại lợi lạc gì, cho nên dù trải qua nhiều năm, giáo lý của Phật vẫn được xem là phù hợp với nhân loại bởi kinh điển Phật giáo đã nhìn ra những tiềm năng cao nhất của con người, khai mở lại thời đại tăm tối của tâm linh, sát thực đời sống hiện tiền, thế nhưng Người không khẳng định triết lý của mình là những điều “bất hoại, bất diệt”, như Người từng nói: “Tất cả mọi Pháp đều có thể thay đổi theo quy luật sinh-diệt nên không quá bám chấp vào các Pháp một cách bảo thủ mà không nhận thấy sự thay đổi, bởi tất cả vạn vật đều là vô thường. Hiểu được điều này, con người sẽ không dính mắc và không bị khổ đau chi phối”.

Kinh điển Phật giáo là một kho tàng mà người phàm chúng ta có trải qua muôn ức kiếp vẫn chưa đọc hết, mà đọc qua rồi, chúng ta cũng không hiểu hết, mà hiểu rồi cũng chưa chắc đã thực hành trọn vẹn, thế nên những gì chúng ta tiếp nhận và hành trì từ đạo Pháp của Người giống như một nắm cát trong sa mạc mà thôi.

Những điều Đức Phật giáo huấn từ người thường đến các vị Tỳ Kheo là từ thấp đến cao. Phật có thể xẻ thịt da để cứu chúng sinh thoát đói, Bồ Tát Thích Quảng Đức có thể tự thiêu, trầm mình trong lửa để cứu nguy Phật giáo nhưng chúng ta đâu dễ gì làm được vì chúng ta là người phàm. Người theo Phật cũng không vì thế mà áp đặt, so sánh, bắt ai đến với Phật cũng phải nhìn vào gương Phật và Bồ Tát để mà hy sinh như vậy bởi một người dám xẻ thịt mình, dám tự thiêu là khi người đó đã có khả năng vô hiệu được sự đau đớn về thể xác. Thân tâm bất diệt trong muôn nghìn vọng tưởng chỉ có những bậc tu hành ưu việt, những vị Bồ Tát trải qua qua vô lượng kiếp mới làm thành. Khi chúng ta mang những việc siêu phàm của bậc Thánh Tăng ra để so sánh và chỉ trích người phàm tục thì liệu có ai còn dám đến với đạo Phật nữa hay không?

Đa số ngày nay, người ta tìm đến Phật vì sự an vui, tâm linh mầu nhiệm, đạo Phật vừa truyền thống vừa phù hợp với đời sống hiện đại, đạo Phật đề cao tinh thần tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng chứ không đẩy con người vào con đường cuồng tín cực đoan, người ta đến với Phật vì thấy được bình yên, được chữa lành vết thương sau vấp ngã, người đến với Phật cảm nhận ý niệm nhân văn, cao đẹp, tìm được phương pháp khai mở nội tâm, quán tưởng thần thức, giúp con người có đời sống khỏe mạnh và an lạc. Ngày nay, đạo Phật phát triển và đi vào đời sống con người từ những điều gần gũi như: ăn chay, ngồi thiền, làm từ thiện, ý thức nhân quả, sống xanh…. Đạo Phật không đưa con người đến với triết lý lạ lẫm cao siêu mà chính từ sự chân thật gần gũi hằng ngày. Từ chân lý hoàn hảo của đạo Phật đã mang lại sự cân bằng, hạnh phúc cho con người và từ đó người ta tìm đến Phật.

Khi đã là một người hiểu về Phật pháp thì chúng ta không nên mang Phật ra để áp đặt, quy chụp hay dọa dẫm ai bởi người tìm đến Phật cũng chỉ là người phàm trần đang gặp nhiều chướng duyên, đau khổ và họ tìm đến Phật chỉ đơn giản là tìm sự bình yên, định tĩnh mà thôi. Nếu trong đạo Phật có sự áp đặt, bắt buộc chúng sinh phải làm những điều mà người ta chưa làm được thì đó không còn gọi là tự do tín ngưỡng mà là sự cuồng tín cực đoan bởi vì nó mang nặng tính đạo giáo thần quyền chứ không phải là sự giác ngộ trên tinh thần thấu hiểu.

Sự chân thật, khai mở, minh triết và uyên thâm của giáo lý nhà Phật cùng với tinh thần từ bi, trí huệ, đạo Phật luôn chú tâm hướng con người đoạn diệt đau khổ, hóa độ chúng sinh, mang lại đời sống thanh bình nên khi đến với Phật, người ta thường nghĩ đến tâm an, tin vào nhân quả để tránh hành vi tội lỗi. Khi mang lời dạy của Phật đến với người khác, chúng ta cũng mang bằng sự thiện lành, nhẹ nhàng cho họ, giúp họ thoát khỏi vướng mắc khổ đau, chữa lành vết thương từ cội rễ.

Người đắc đạo thì dùng đức, dùng đạo để cảm hóa. Người chưa đắc đạo dùng quyền thế, dùng áp lực, lôi kéo buộc người khác làm theo, người theo Phật không nên sân si hơn thua, bè phái đả phá những người khác quan niệm của mình nhằm tạo một đế chế độc tôn tối thượng mà chỉ có mình là nhất. Đạo Phật chúng ta không thể tồn tại dưới hình thức bắt buộc, giáo điều vì chúng ta biết con người trôi trên dòng tham sân, mê đắm vô tận, muốn kéo người ta ra không phải ngày một ngày hai, cảm hóa là phải có sự tôn trọng, kiên nhẫn, người ta thấy hợp với một pháp môn nào đó thì người ta theo, không hợp thì người ta không theo, không phải người ta không theo mình là mình chỉ trích, quy chụp, hù dọa người ta.

Khi đã là người tu hành hay một Phật tử thì chúng ta nên dùng sự thấu hiểu để giúp người ta hướng thiện, tránh mang đạo Phật, hình ảnh của Phật để áp đặt, áp đảo, dọa dẫm người khác bằng lời lẽ nặng nề, và càng không nên dùng nơi cửa Phật để xem đó là thành trì bảo vệ, tôn sùng mình. Việc vay mượn sự uy nghiêm của Phật nhằm đánh vào lòng tín ngưỡng, tin tưởng của tín đồ để điều khiển họ thuận theo mọi quan điểm của mình là việc làm không chánh thiện, xa rời đạo lý nhà Phật, không mang lại lợi lạc gì cho người đến với Phật mà còn làm cho người ta hiểu sai ý nghĩa về nhà Phật.

Ngày nay, đạo Phật đã phát triển, thâm nhập vào các quốc gia ở phương Tây và tạo được nhiều niềm tin ở các tín đồ, Phật tử, thế nhưng người phương Tây vận dụng Phật giáo vào đời sống của họ không hẳn là đầy đủ hoàn toàn như các nước phương Đông bởi sự khác biệt về văn hóa, đời sống, thói quen, tư tưởng. Người phương Tây đa số theo đạo Thiên Chúa và ảnh hưởng từ quan niệm, tín ngưỡng của Thiên Chúa giáo từ rất lâu đời nên khi tiếp cận với một hệ giáo khác, người ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu và phân tích chứ không phải là tin tưởng, áp dụng một cách vô điều kiện.

Trước những khác biệt đó nên khi đến với Phật giáo, họ sẽ phải thay đổi nhiều thứ, liệu họ có thay đổi được không hay chỉ thực hiện được một số nội dung nào đó? Thế nên mới có câu hỏi rằng “có Phật giáo thế tục hay không?” và câu trả lời là “không có Phật giáo thế tục” mà chỉ là người ta vận dụng tinh thần Phật giáo như thế nào để phù hợp với cuộc sống của họ mà thôi. Đó cũng là bước tiến để đạo Phật đến gần với các nước phương Tây từ những nguyên tắc cơ bản nhất. Lẽ tất nhiên, chúng ta không thể mang những giáo pháp nhà Phật ra để áp đặt, phỉ báng họ vì họ chưa thực hiện được hết theo tinh thần Phật giáo.

Từ những yếu tố trên, chúng ta thấy rằng, đến với đạo Phật là đến trong sự tinh tấn, đến khi cảm nhận được ý nghĩa cao đẹp của nhà Phật chứ chúng sinh không đến với đạo Phật trong sự mù quáng, thiếu hiểu biết. Người đến với Phật cần vận dụng hành vi và nhận thức từ thực tiễn cho đến lúc thích nghi, không vì sự hù dọa, chỉ trích từ bất kỳ ai mà cố ép mình làm những điều mình chưa làm được để rồi thấy theo đạo Phật như một cực hình.

Chúng ta cũng không vì thấy mình còn khuyết điểm, sợ mang tội mà không dám tìm đến với chánh pháp bởi vì con người thì ai cũng có khuyết điểm, không nhiều thì ít cho nên đến với Phật là để nhận ra cái sai, giảm bớt cái xấu, cải thiện nghiệp quả, nếu không có khuyết điểm, không có tật xấu thì chúng ta là Tiên là Phật hết rồi, chúng ta đâu phải người phàm mà tìm đến Phật nữa.

Người hướng cho chúng sinh đến với Phật cũng vậy, khi mình đã có may mắn để tìm đến con đường của Phật pháp sớm hơn người khác thì hãy mang lòng từ bi, trí huệ của mình để cảm hóa chúng sinh, để dẫn dắt người khác đến với Phật chứ đừng mang Phật ra để áp đảo, hù dọa người ta bằng những lời lẽ nặng nề, tà kiến, nếu người ta đang mê lầm, đang đi sai hướng, mình càng phải dùng lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu của mình để mình cảm hóa người ta, đưa người ta đến với con đường của Phật một cách bình an nhất.

Đến với Phật là đến bằng tự do tín ngưỡng, bằng sự cảm thấu tinh thần chánh đạo chứ không đến với Phật vì sợ sệt một cá nhân nào nên phải nghe theo. Người nhà Phật cũng gieo cái tâm thiện của mình để cảm hóa chúng sinh, không coi mình là bậc tối thượng, không coi người khác là kẻ u mê. Mình buông bỏ được rồi, mình cũng không chỉ trích người chưa buông bỏ, mình đi tu mình cũng không nên chỉ trích khi thấy người khác đi chơi, mình mang cái tốt, cái thiện của Đạo Phật để thuyết phục người ta đến với mình chứ đừng nên đả kích người đang ở chiều ngược lại. Đạo Phật đâu có giáo điều, đâu có khắc nghiệt với chúng sinh. Nếu mang tư tưởng áp đặt gán lên người khác là chúng ta không những không cảm hóa, dẫn dắt được người khác mà còn làm cho người khác ác cảm hơn với chúng ta và có cái nhìn sai lệch, tiêu cực hơn khi nghĩ về đạo Phật.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (The Anguttara Nikaya/The “Further-factored” Discourses) cũng đã ghi chép lại 10 điều Phật dạy không nên tin, đó là lời cảnh tỉnh của Đức Phật đối với những niềm tin mù quáng và cũng là rào chắn cho những ai mượn danh nghĩa Phật để tuyên truyền một cách lệch lạc, sai lời.

Cuộc sống luôn luôn thay đổi trong sự vô thường, con người cũng theo dòng luân hồi sinh tử, đến một thời điểm nào đó, không riêng gì đạo Phật mà các Tôn giáo khác cũng sẽ có ít nhiều thay đổi để phù hợp với bản chất hiện hữu bởi Tôn giáo là nền tảng tư tưởng, nhận thức và hành động của con người, lấy con người làm gốc, nếu xa rời thực tế thì sẽ khó tiếp cận, vì vậy một Tôn giáo trung thành với sự cũ kỹ, không thích nghi trước sự thay đổi và phát triển của nhân loại cũng sẽ bị mai một dần, người cá nhân hóa Tôn giáo càng không thể nào tồn tại.

Nói như vậy không có nghĩa là Tôn giáo sẽ bị bóp méo và lệ thuộc hoàn toàn vào con người mà Tôn giáo phải tìm được cách để trường tồn và trở nên hưng thịnh, cách để hưng thịnh là khi đạo pháp đó chân thực, tiếp cận sát với dòng chảy hiện tại, giải quyết được những mâu thuẫn tồn tại sâu bên trong đời sống và ý thức con người, tháo gỡ được những nút thắt nội kết, khai sáng tư tưởng và tìm ra được những chân lý tối thượng mà con người hướng đến.

Cuối cùng, khi chúng ta giúp người đến với Phật bằng tâm từ, bằng sự chân tình, thấu cảm thì người ta sẽ thấy Phật là nơi nương tựa, Tự Viện là chốn bình yên, khi Phật tử, tín đồ nhận ra những điều cao đẹp từ ngôi nhà Phật giáo thì tự khắc người ta sẽ dùng cả thân mạng này để cống hiến, hy sinh mà không cần ai phải giáo điều, áp đặt.

Võ Đào Phương Trâm