Phật giáo không của riêng một ai!
Tôi là một người đã chấp nhận những học thuyết này của Phật giáo – vậy với những người không chấp nhận hay không đồng ý thì chân lý ấy có tác động thế nào? Xin được khẳng định một cách tiên quyết rằng nền đạo đức Phật giáo và giáo lý Phật giáo hoàn toàn không mang tính chất giáo điều.
Cơ duyên gặp gỡ – “Phật giáo và chân lý vô thường”
“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”
Có thể nói đây là một trong những câu thơ mà bản thân tôi khá yêu thích từ tác phẩm “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tôi giống như hầu hết những người Việt Nam khác, được lớn lên trong những lời ru êm ái, những lời kể chuyện ấm áp của các bà, các mẹ, các chị… Chúng ta có thể lớn lên như thế và có thể những ký ức như thế đó sẽ phai nhòa theo tháng năm bởi áp lực vô hình mà cuộc sống đặt ra.
Nhưng đối với chính tôi, những chuyện kể dân gian được bà nội kể hằng đêm là một trong những thứ ảnh hưởng sâu sắc với đời sống tinh thần của tôi đến tận bây giờ. Và một trong những đề tài mà tôi mong chờ được bà kể nhất là các sự tích của Phật giáo, câu chuyện xuất gia và thành đạo của Phật Thích Ca.
Không tránh khỏi sự vô thường của vạn pháp, bà nội tôi đã thanh thản đón nhận “quả vô thường” cuối cùng của cuộc đời mình, để thay đổi và tái sinh vào vòng sinh mệnh khác. Bà tôi không mất đi và cũng như không bao giờ rời xa tôi; người thân bạn bè của chúng ta dù có không còn thân tướng duyên hợp hữu hình bên ta hằng ngày nhưng vẫn còn đó mà thôi!
Ấm thân tứ đại tuy đã hoại diệt, sự liên tục biến chuyển giữa bốn thành tố cơ bản theo nhìn nhận của Phật giáo: đất – nước – gió – lửa. Nhưng dưới tuệ quán của một người chấp nhận, thấu suốt học thuyết vô thường, vô ngã của Phật giáo thì đó đơn thuần cũng chỉ là sự biến chuyển từ dạng thức “tồn tại” này sang dạng thức “tồn tại” khác. Bản chất của tất cả các pháp, bao gồm cả những đối tượng vật chất (sắc uẩn) như thân thể con người, động vật, tiền tài, vật chất xa hoa… cho đến những thứ phi vật chất (thọ – tưởng – hành – thức uẩn) như niềm vui, nỗi buồn, sự suy tư, sự trải nghiệm, và sự tham – ái…; nhất thiết là hoàn toàn thanh tịnh rỗng không, và tĩnh mịch.
“Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.” [1]
Bởi thế, không có một bản thể nào tồn tại đằng sau những pháp vật chất hay phi vật chất đó và cũng không có được một thế lực nào thay đổi được sự vận hành của các pháp hữu vi đó. Dù cho thế lực đó có những năng lực siêu nhiên, huyền bí nào thì hoàn toàn cũng không sao thay đổi được quá trình nhân quả nhất định phải diễn ra.
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.” [2]
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến một kết quả, và nó cũng đồng thời lại là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các kết quả khác; vòng lặp sinh diệt, tương tác lẫn nhau liên tục ấy có thể gọi là “trùng trùng duyên khởi”. Sự vô thường không phải là tất cả nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta được sinh ra trong đời này, nhưng không thể nào chối bỏ nó không phải là một trong các nguyên nhân quan trọng để tạo nên kết quả là sự sống của mỗi cá thể hiện tại. Cũng chính nhờ chân lý vô thường ấy: chúng ta khôn lớn thành người nhờ vào thức ăn nước uống và nhờ các bài học, có thể thành người cha, có thể thành người mẹ… thì cái ngày mà xác thân vật chất thường được xem là của chúng ta này đây đi đến sự hoại diệt cũng là tất yếu trong quá trình của một sự sống. Người ta có thể không chấp nhận chân lý, nhưng sẽ không ai có thể chối bỏ chân lý. Chúng ta nên chủ động tinh thần để tiếp nhận tiến trình vận hành của chân lý hơn là sợ hãi, trốn chạy và chối bỏ chân lý. Nên với thế giới quan Phật giáo, tôi thiết nghĩ bản thân mình có thể tu tập sự quán chiếu như thế để đưa đến việc vui vẻ chấp nhận chân lý trong một số nghịch cảnh mà nếu muốn chúng ta cũng không bao giờ có thể thay đổi được.
Đương nhiên, nếu chúng ta hội đủ duyên lành để sống theo phạm hạnh và giới luật của một người xuất gia thì phạm vi giải quyết nỗi khổ niềm đau của Phật giáo sẽ không dừng lại ở “một số nghịch cảnh” mà hoàn toàn có thể đoạn tận triệt để những nghịch cảnh, chướng ngại cho đau khổ hình thành.
Chân lý mang tính phổ quát, khách quan của Phật giáo
Tôi là một người đã chấp nhận những học thuyết này của Phật giáo – vậy với những người không chấp nhận hay không đồng ý thì chân lý ấy có tác động thế nào?
Xin được khẳng định một cách tiên quyết rằng nền đạo đức Phật giáo và giáo lý Phật giáo hoàn toàn không mang tính chất giáo điều. Với Phật giáo, một người dù họ có là ai đi chăng nữa nhưng họ không có tri kiến giải thoát, đắm chìm trong vô minh thì không bằng cách nào mà người đó có được đời sống phạm hạnh cao quý, giải thoát giác ngộ và sống một đời an vui được! Đức Phật chưa bao giờ tự nhận bản thân mình là một vị giáo chủ sáng tạo ra một tôn giáo, hay là một đấng sáng thế nào cả. Ngài cũng không bao giờ tự nhận mình có quyền năng thay đổi quy trình vận hành của chân lý – mà ngay cả Ngài cũng phải chịu tác động của quy luật vô thường – kết quả đó là Ứng thân (Hóa thân) của Ngài vẫn được cha mẹ sinh ra, nuôi lớn nó bằng thức ăn, nước uống và cuối cùng thì nó vẫn phải tan rã.
Bởi Phật Thích Ca đơn thuần là bậc đạo sư đã giác ngộ và Ngài không có quyền uy ban phúc, giáng họa bằng thần thông của mình. Nên thế Phật giáo cũng không yêu cầu một người từ bỏ tôn giáo vốn có của mình để đi theo Phật giáo dù bất kỳ lý do nào. Chúng ta mong cho tất cả mọi người ở mọi tôn giáo, truyền thống khác nhau có thể đồng hành bên nhau và đều được an yên, tĩnh lặng trong giây phút hiện tại. Bản thân mỗi cá nhân theo hoặc không theo tôn giáo đều có thẩm quyền đến với những triết lý này và tìm cho mình một vài sự sáng suốt hữu ích giúp cho cuộc đời mình và cuộc đời của những người chung quanh vui vẻ và hạnh phúc.
Một người khi đến với Phật giáo, khi hiểu đúng – đủ những điều này thì hoàn toàn có thể tự mình dùng toàn bộ năng lực tinh thần để tư duy, quán xét, ngẫm nghĩ và thẩm tra tính đúng đắn; sau đó có thể đi đến chấp nhận và vận dụng điều đó một cách linh hoạt, uyển chuyển vào đời sống này theo những cách thức khác nhau phụ thuộc nền tảng và hoàn cảnh văn hóa của mỗi cá nhân.
Khi người Kàlàmà ở Kesaputta đặt nghi vấn với Phật rằng: trong các vị Bà-la-môn và Sa-môn này ai nói thật, ai nói dối? Đức Thế Tôn đã dạy như sau:
“Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là có tội; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!”. (A. I. 188) [4]
Trí tuệ không hẹp hòi ở khái niệm tôn giáo, mà nó phát xuất từ ánh sáng giác ngộ của chúng ta!
Chú thích:
[1]: Thư viện Hoa Sen. (2014). Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Truy cập ngày 21/11/2022 tại https://thuvienhoasen.org/a21196/bat-nha-ba-la-mat-da-tam-kinh
[2]: Tâm Chơn. (2011). Bài Kệ Trong Kinh Kim Cang. Truy cập ngày 21/11/2022 tại https://thuvienhoasen.org/a9421/bai-ke-trong-kinh-kim-cang
[3]: Ngài Bhaddanta Kumarabhivasma, Chủ tịch Hội đồng tối cao của các nhà sư Phật giáo tiếp kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô (Francis), trong cuộc gặp ngày 29 tháng 11 với các nhà sư của hội đồng tại chùa Kaba Aye ở Yangon, Myanmar. (Nguồn: CNS/Max Rossi, Reuters)
Gerard O’Connell. (2017). Pope Francis: Buddhists and Catholics must unite against “intolerance, prejudice and hatred”. Truy cập ngày 21/11/2022 tại https://www.americamagazine.org/faith/2017/11/29/pope-francis-buddhists-and-c atholics-must-unite-against-intolerance-prejudice-and
[4]: Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch giả). (2020). Kinh Tăng Chi Bộ, chương III, phẩm VII, V, 66, trang 171-176. NXB Hồng Đức.