Phật dạy về điều kiện để Tỳ kheo sống biệt lập
Không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để bước vào con đường này. Nếu chưa điều phục, đoạn giảm tham dục để muốn ít và biết đủ và nhất là chưa thiết lập được chánh niệm vững chãi thì tốt nhất cần phải nương tựa vào Tăng chúng, không được ở riêng.
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ kheo không đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng. Thế nào là năm?
Này các Tỷ kheo, ở đây, Tỷ kheo không tự vừa đủ với y phục nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với đồ ăn khất thực chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với sàng tọa nhận được chỗ này chỗ kia; không tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được chỗ này chỗ kia; và sống với nhiều tư duy về dục.
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ kheo không đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng.
Này các Tỷ kheo, ở đây, Tỷ kheo tự vừa đủ với y phục nhận được chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với đồ ăn khất thực chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với sàng tọa nhận được chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được chỗ này chỗ kia; và sống với nhiều tư duy về viễn ly.
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ kheo đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Sống biệt lập, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.544)
Phật dạy các Tỳ kheo hãy lìa ba thứ này, chẳng nên gần gũi
Lời bàn:
Không phải đợi đến ngày nay Giáo hội mới đề cập đến việc Tăng Ni ra ở riêng, lập am, cất cốc, dựng thất… mà từ thời Thế Tôn, vấn đề này đã được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng với các tiêu chí, điều kiện cụ thể.
Trước hết, Thế Tôn luôn ca ngợi, tán thán những ai lập hạnh và dấn thân trên con đường độc cư thiền định. Bởi sống độc cư là thực hiện hạnh viễn ly, tạo môi trường lý tưởng cho thực tập thiền định để chứng đạt hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để bước vào con đường này. Nếu chưa điều phục, đoạn giảm tham dục để muốn ít và biết đủ và nhất là chưa thiết lập được chánh niệm vững chãi thì tốt nhất cần phải nương tựa vào Tăng chúng, không được ở riêng.
Vì thế, đa phần những người tu sơ cơ phải gắn bó với Tăng. Tăng chúng có năng lực bảo hộ, soi sáng và trợ duyên rất nhiều cho người xuất gia. Rời khỏi đại chúng trong khi chưa đủ hành trang để sống một mình là tự phế sự nghiệp tu học. Kinh nghiệm của các bậc cao tăng tiền bối “Tăng ly chúng Tăng tàn” đã chứng minh điều ấy.
Trước thực tế, việc Tăng Ni sống biệt lập với đại chúng, xây dựng am cốc ngày càng gia tăng hiện nay, chưa hẵn là điều đáng mừng. Đức Phật tuy khuyến khích hàng xuất gia sống độc cư thiền định nhưng quy định các điều kiện khá chặt chẽ và tiêu chuẩn cũng khá cao. Do đó, những ai tự xét đã hội đủ các quy chuẩn để sống biệt lập thì nên dấn thân để thành tựu giải thoát. Đối với những ai tự thấy mình còn nhiều tham dục, chưa đủ điều kiện để sống riêng thì cần trở về nương tựa Tăng.
Quảng Tánh