Phật dạy: “Chớ coi thường đốm lửa nhỏ”
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana cùng chúng Tỷ kheo. Rồi Thiên chủ Sakka đi đến, sau khi đảnh lễ, nói lên bài kệ hỏi Thế Tôn:
Giết vật gì, được vui
Giết vật gì, không sầu
Có một loại pháp gì
Ngài tán đồng sát hại
Tôn giả Gotama?
Thế Tôn trả lời:
Giết phẫn nộ được vui
Giết phẫn nộ không sầu
Phẫn nộ với độc căn
Với vị ngọt tối thượng
Pháp ấy, bậc Hiền Thánh
Tán đồng sự sát hại
Sát pháp ấy, không sầu
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 11, phẩm 3, phần Sát hại gì, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.527)
Lời bàn:
Ảnh minh hoạ.
Một trong những ý nghĩa của A la hán là giết giặc phiền não (sát tặc). Và người tu cũng là một chiến sĩ, luôn chiến đấu không ngừng với nội tâm, vượt lên cái ác để chiến thắng nghiệp lực, hoàn thiện chính mình. Hình ảnh Bồ tát Văn Thù, tay cầm kiếm trí tuệ sángngời, biểu trưng cho tinh thần chiến đấu và chiến thắng giặc phiền não của người tu.
Vì thế, chuyển hóa nóng giận là việc cần phải làm trong mỗi phút giây của đời sống hàng ngày. Ai cũng có phẫn nộ, nó tiềm ẩn trong tâm, tùy theo duyên mà bùng nổ. Do đó, luôn ý thức sự nguy hiểm của nóng giận để thực tập “một điều nhịn, chín điều lành”.
Điều cần yếu là thiết lập đời sống hướng nội, thường xuyên thấy rõ tâm mình, để nhận ra những ý niệm giận dữ khi mới manh nha, còn trong trứng nước. Phát hiện cơn giận khi còn là đốm lửa nhỏ thì mới có khả năng giập tắt.
Để giập tắt một đám cháy, cần phát hiện sớm và đủ phương tiện chữa cháy. Cũng vậy, muốn chuyển hóa ngọn lửa sân hận, cần nhất là chánh niệm tỉnh giác và từ bi. Tỉnh giác là khả năng quán sát, rõ biết thân và tâm, hiểu mình và hiểu người. Nhận diện trọn vẹn về cơn giận đang hình thành với các tác động kích thích bên ngoài sẽ dễ dàng khống chế và chuyển hóa nó. Mặt khác, nước từ bi cam lồ phải luôn đầy đủ và sẵn sàng mới có thể tưới mát, giập tắt lửa sân kịp thời.
Cho nên tu tập trí tuệ và từ bi, hiểu rõ để yêu thương và tha thứ là phương thức giết giặc nóng giận hiệu quả nhất. Pháp này được Thế Tôn tán đồng và những người con Phật ứng dụng để xây dựng cuộc sống bình an.
Chú thích:
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
(Trích “Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya”
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)