Phật cho thiền định, giải thoát, Niết-bàn
Cốt lõi của kinh Pháp hoa mà Tổ Phước Huệ đã nhận ra rằng trên bước đường tu hành của chúng ta, dù xuất thân từ giai cấp nào của xã hội, cũng phải thực dạ tu hành và được Phật công nhận hộ niệm thì chúng ta cũng trở thành bạn của các vị Hiền thánh, La-hán, Bồ-tát.
Câu tiếp theo bài tán thán kinh Pháp hoa của Tổ Phước Huệ như sau: “Hoạch kế châu nhi bạo phú: Khánh châm giới chi tương đầu”, nghĩa là được viên minh châu của vua cho thì trở thành người rất giàu có. Nếu học kinh Pháp hoa, suy nghĩ và thực tập thì thấy đây là thành quả mà Phật dạy chúng ta trong phẩm 14 An lạc hạnh.
Trước đó, trong phẩm 12 Đề Bà Đạt Đa, Từ Ân đại sư phát hiện ngũ trùng bất nhị pháp môn. Theo cái thấy thông thường, có năm thứ đối ngược nhau là giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, trí ngu, nam nữ, nhưng thực ra, ngộ được yếu chỉ kinh Pháp hoanhư ngài Từ Ân mới nhận ra năm cặp đối nhau nói trên không hề có sự đối nghịch nhau gọi là ngũ trùng bất nhị.
Thật vậy, chúng ta nhìn kỹ khôn dại của cuộc đời thấy rất rõ ý của ngài Từ Ân chỉ dạy. Thực tế tôi thấy có người khôn lanh, tính toán giỏi, ai cũng nghĩ là họ sẽ có được sự nghiệp lớn, nhưng cuối đời, tôi thấy họ thân tàn ma dại. Ngược lại, có người ẩn nhẫn tu hành trong Chánh pháp, họ chẳng giỏi tính toán gì cả, nhưng từng bước họ được an lạc, giải thoát. Như vậy, thử hỏi người này dại hay không. Thiết nghĩ khôn dại của cuộc đời khó mà biết được theo trí phàm. Chúng ta tu phải nhận ra được sự thật này.
Ngài Từ Ân nói bất nhị là không có hai, tức không khác. Thí dụ người lớn tuổi không khác gì người trẻ tuổi, vì nhận thức của họ còn non kém như người trẻ. Vì vậy, trí ngu, già trẻ, sang hèn, giàu nghèo, nam nữ chỉ có giá trị tương đối. Và theo kinh Pháp hoa tu hành không có sự đối đãi già trẻ, trí ngu, giàu nghèo…, nhưng tùy theo hoàn cảnh bên ngoài mà ứng xử gọi là tùy cơ ứng biến để chúng ta nhận biết được, hiểu được sự việc một cách đúng đắn giúp chúng ta giải quyết việc một cách nhẹ nhàng, tốt đẹp.
Phẩm 14 nói về An lạc hạnh và kết thúc phần Tích môn Pháp hoa. Tích môn nói về sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca trên cuộc đời nhằm chỉ dạy cho người đang sống, nên đây là bài học quý giá nhất mà chúng ta cần học.
Phần An lạc hạnh có hữu tướng an lạc và vô tướng an lạc. Người tu phần nhiều đi vào vô tướng an lạc, như Phật cũng thực hiện vô tướng an lạc, tức là không thấy bề ngoài, nhưng an lạc trong thế giới nội tâm.
Thử xem thế giới nội tâm của chúng ta có được an lạc hay không. Thực tế cho thấy người giàu có nhưng tâm vẫn khổ đau, ngược lại, có người nghèo mà tâm an lạc. Trong kinh có nói đến người chủ trại bò chạy đi tìm đàn bò bị mất, vừa đi vừa khóc. Phật mới nói các thầy Tỳ-kheo may mắn hơn trưởng giả này vì không có con bò nào để mất, chỉ cho người trụ vô tướng có tâm an lạc.
Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta cố gắng thực tập pháp Phật, đạt được kết quả thấp nhất là Ly sanh hỷ lạc, đi vào được thế giới vô tướng. Vì chúng ta biết hữu tướng luôn thay đổi ở trạng thái sanh diệt từ dạng này sang dạng khác, từ thể này chuyển đổi sang thể khác. Thí dụ chúng ta bình tĩnh quan sát thân ngũ uẩn luôn thay đổi. Phật nói thân con người thay đổi theo từng hơi thở, hít vào thở ra là chúng ta đã trở thành người khác rồi. Như vậy, muôn vật luôn biến đổi không ngừng, chúng ta muốn tồn tại phải thích nghi với sự thay đổi của mọi việc, của sinh hoạt xã hội mà chúng ta đang sống. Nếu không thay đổi thì sẽ trở thành lỗi thời.
Phật dạy chúng ta tu, phải thực tập cho được Ly sanh hỷ lạc, trước nhất là chúng ta không lệ thuộc vào vật chất. Phật dạy tu quán pháp vô ngã, tức vật thay đổi, tâm cũng thay đổi luôn, nên hôm nay người ta nói như vầy, ngày mai họ nói khác, thì mình thấy cũng bình thường, không bực tức.
Tu quán thân, quán tâm, quán thọ và quán pháp để không bị vật chất và tình cảm chi phối. Bấy giờ, chúng ta trụ vào hỷ lạc của vô sanh. Phật trụ vào pháp vô tướng an lạc thì Ngài được cái lạc đầu tiên là nhịn đói nhiều ngày mà vẫn thấy hỷ lạc bên trong.
Thực tế vị Hòa thượng mà tôi rất kính trọng đã thực hiện pháp hỷ lạc này. Đó là cố Đại lão Hòa thượng Trí Quang, ngài tuyệt thực 100 ngày nhưng không đói vì ngài đã vào được quả Tu-đà-hoàn, không bị tình cảm bên ngoài chi phối, nên chúng ta thấy sau đó, ngài có đời sống rất khác với trước khi ngài tuyệt thực. Nghĩa là ngài sống an nhiên, tự tại, không bị vinh nhục của cuộc đời, tức tình cảm thế tục quấy rầy. Đối với ngài, ai nói gì cũng được, vì ngài có hiểu biết và cuộc sống đúng đắn, thích nghi theo từng hoàn cảnh. Đó là kết quả bước thứ nhất của sự tu hành vô tướng an lạc.
Bước thứ hai là Định sanh hỷ lạc, tức có định rồi thì tùy theo định nào mà chúng ta có an lạc đó. Thường thì người ta trụ Diệt tận định. Các vị tôn túc nói vào Diệt tận định, không biết gì bên ngoài, nên phiền não mất. Riêng tôi may mắn sang Nhật tu học, gặp các thiền sư Nhật dạy cách tu thiền, nhận ra Định sanh hỷ lạc, tức nhập Diệt tận định, mình không biết bên ngoài, như giáo chủ Kỳ Na giáo nhập định này thì 500 chiếc xe chạy ngang cũng không thấy, không biết. Nói cách khác, chúng ta không biết gì về cuộc đời này, thậm chí thời gian tu học ở Nhật, tôi quên cả tiếng Việt, vì tu ở trong thế giới định này sướng quá, tôi diệt tận phiền não, trần lao, nghiệp chướng bên ngoài.
Và may mắn hơn, ở bước thứ hai, tôi vào Đại học Rissho nghiên cứu Pháp hoa tam muội của Nhật Liên Thánh nhân. Ở Diệt tận định chúng ta trở thành than nguội củi mục là người không biết gì, nên được vô tướng an lạc. Nhưng bước thứ hai, chúng ta biết rõ cái gì xảy ra, giúp chúng ta tránh được hiểm nguy. Và một trong những điều cần biết là chúng ta biết phiền não sanh ra từ ngũ ấm.
Vì vậy, kinh Pháp hoa, Phật dạy chúng ta tu, người nào phá được phiền não, phá được ngũ ấm ma, bấy giờ mới được tặng viên minh châu trên búi tóc, tức là trí tuệ, tới đây mới có Pháp hoa.
Khi chúng ta chưa diệt được phiền não, còn bị ngũ ấm ngăn che thì dù tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa chỉ là nhai chữ thôi, không phải là Pháp hoa thật. Thi sĩ Thông Bác diễn tả rất hay ý này rằng: “Nguồn trong cát nở, cá vàng nhai kinh”. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại văn tự kinh, nhưng thực ra chúng ta có nhận ra được tinh ba Phật dạy hay không và có thể hiện được trong cuộc sống hay không.
Vì vậy, căn bản là đạo quân Hiền thánh phá dẹp được ma quân, Phật mới cho thiền định, giải thoát, Niết-bàn. Đầu tiên là Phật cho chúng ta thiền định. Thật vậy, khi Phật tại thế, chúng ta thấy các vị Thánh Tăng đắc quả A-la-hán dễ dàng quá, vì Phật ban cho quả vị Thánh. Điều này dễ hiểu, thực tế chúng ta sống gần các vị cao tăng đạo đức, chúng ta được giải thoát an lạc một cách tự nhiên. Trái lại, nếu gần người ác thì tâm ác chúng ta cũng dễ sanh ra.
Ngoài sự giải thoát này, Phật còn cho chúng ta thiền định nữa. Các đệ tử Phật vào định dễ đắc La-hán, thậm chí chỉ thấy Phật là đắc La-hán. Điển hình như Kiều Trần Như đắc La-hán khi Phật vừa đến trước mặt ông. Bốn người bạn của Kiều Trần Như chỉ sau một mùa hạ cũng đắc La-hán. Sau này, Xá Lợi Phất được Mã Thắng đưa đến gặp Phật, vừa thấy Phật, ông cũng đắc La-hán. Đây là thiền định mà Phật cho các vị này. Vì họ sống với Phật, hạ quyết tâm thực hiện pháp Phật, đó là nhịp cầu để đạo lực thanh tịnh tuyệt đối của Phật tác động mãnh liệt vào tâm họ khiến họ không khởi phiền não và ngũ ấm của họ tự lắng yên tạo cho tâm trí họ bừng sáng trong quỹ đạo của Phật.
Ngoài thiền định, giải thoát, Phật còn cho Niết-bàn. Niết-bàn là sống với bản thể của sự vật, mà bản thể của sự vật là vô sanh. Tu theo Phật, các ngài từ thế giới sanh diệt mà chứng được quả vô sanh và các ngài chỉ ở vô sanh thôi.
Bài giảng ngày 30-10-2021 tại chùa Huê Nghiêm
HT. Thích Trí Quảng