Phật cảnh giữa lòng cố đô
Chùa Huyền Không Huế là một trong những điểm đến ít người biết đến khi du lịch cố đô.
Nơi đây có thể nói là cõi thiền giữa lòng đất Thần kinh bởi ngôi chùa là một địa điểm hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những xô bồ ngoài phố thị. Đặc biệt, kiến trúc ngôi chùa độc đáo rất đáng để bạn bỏ công tìm đến chiêm ngưỡng.
Chùa Huyền Không ở đâu?
Tại Huế có đến 2 ngôi chùa Huyền Không khiến nhiều người dễ nhầm lẫn nếu không tìm hiểu kỹ. Chùa Huyền Không Huế hay còn gọi là chùa Huyền Không Sơn Trung an tịnh tại thôn Nham Biền, xã Hương Hồ, TP.Huế. Từ chùa Thiên Mụ đến chùa Huyền Không chỉ 3km.
Một ngôi chùa khác là chùa Huyền Không Sơn Thượng với vẻ đẹp cùng sự bình yên lay động những tâm hồn đang trên con đường tìm lại năng lượng cho mình. Những người yêu thích không gian thiền môn thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, trong lành thì ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.
Huyền Không Sơn Thượng: Chốn bồng lai giữa ngọn đồi xanh mát
Khác với chùa Huyền Không Huế, chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm tách biệt với những xô bồ cuộc sống, ẩn mình giữa một thung lũng sâu, ngôi chùa dường như chốn bồng lai tiên cảnh không vướng thế sự.
Phải qua những đoạn đường quanh co, trắc trở mới đến được cổng chùa. Khi đến Huyền Không Sơn Thượng, khung cảnh mở ra trước mắt du khách sẽ là một thế giới khác: một không gian xanh mát với rừng thông vi vu, gió thổi mát lành. Không có bất kỳ những vướng bận, áp lực cuộc sống, toan tính đời thường nào có thể ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh nơi cửa Phật.
Theo đó, Huyền Không Sơn Thượng nằm trên một ngọn đồi có độ cao khoảng 300m. Tổng diện tích ngôi chùa lên đến 10.000 m2, được quy hoạch gồm 2 khu vực chính: Ngoại viện và Nội viện. Ngoại viện đảm nhiệm vai trò tổ chức các nghi lễ đại chúng, còn nội viện là khu vực “ngoại bất nhập”, yên tĩnh, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài – dành cho sự tĩnh tu của chư Tăng.
Ngôi chùa tạo cảm giác gần gũi, thanh tĩnh bởi toàn bộ vật liệu được dùng để xây dựng đều là gỗ.
Khuôn viên Nội viện và Ngoại viện được thiết kế thành nhiều hạng mục nhỏ, hòa hợp cùng thiên nhiên. Tự nhiên và mộc mạc đến nỗi những hàng cột to cao ngoài chánh điện đều bóng loáng và nhuốm màu thời gian mà không phải do sơn phết loại sơn nào. Những hồ nước xung quanh chùa cũng là mẹ thiên nhiên trao tặng.
Chùa Huyền Không Huế: Địa điểm du lịch không thể bỏ qua
Nhắc đến Huế, ngoài chùa Thiên Mụ, cách ngôi chùa nổi tiếng này khoảng 3km là Huyền Không, ngôi chùa Nam tông mang vẻ đẹp rất khác – trở thành điểm check in không thể bỏ qua khi du khách đến cố đô
Ít ai biết chùa Huyền Không ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ được dựng nên bằng tre và nứa.
Vào khoảng năm 1978, nhà sư Giới Đức đã thực hiện di dời chùa từ phía Bắc đèo Hải Vân, Phú Lộc đến vị trí như hiện nay. Để có được một ngôi chùa tú hảo như hiện tại, Hòa thượng Pháp Tông, đương kim trụ trì đã khởi công xây dựng lại vào năm 1993 và hoàn thành vào 2 năm sau đó.
Chùa Huyền Không Huế được xây dựng từ các vật liệu như bê tông, cốt thép rất chắc chắn. Khuôn viên ngôi chùa với tổng diện tích lên đến khoảng 6.000 m2, bên trong khuôn viên được trồng rất nhiều cây xanh tạo không khí trong lành cho chùa.
Trong khuôn viên chùa có Bảo tháp Đại Giác, được xây dựng mô phỏng theo đại tháp Mahā Bodhi Gāya nổi tiếng ở Ấn Độ.
Ngọn tháp chính được sử dụng vật liệu chủ yếu bằng gạch đất sét nung, khung chịu lực là dầm và cột bê tông. Bốn ngọn tháp phụ đảm nhận vai trò trang trí và để hạn chế điều không may khi thời tiết khắc nghiệt xảy đến nên sẽ xây dựng theo kiểu đối trọng, tạo sự cân bằng cho ngọn tháp chính trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như có bão hoặc động đất.
Điểm thu hút nhiều bạn trẻ khi đến với chùa Huyền Không Huế chính là ngọn tháp có chóp vàng rực rỡ nhìn thấy từ xa. Khi đến gần hơn thì sẽ thấy được điểm đặc biệt của ngôi chùa chính là ngọn tháp màu trắng với hoa văn mang đậm chất Ấn Độ. Bên cạnh đó là những dãy nhà với kiểu mái Lương Đình ngói đỏ, hàng cột gỗ cùng những chiếc lồng đèn khẽ lay trong gió, mang đến cho du khách một không gian cực kỳ yên bình, thoải mái giữa lòng cố đô. Vì vậy, chùa Huyền Không Huế trở thành một điểm đến lý tưởng như cách để nạp năng lượng cho hành trình trở về Tam bảo tự thân.
Chân Như